Đa dạng hình thức “cách ly toàn xã hội” trên thế giới

31/03/2020 20:42 GMT+7

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các lệnh phong tỏa, cách ly toàn xã hội chặt chẽ để ngăn chặn đại dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra lây lan rộng khắp. Tuy nhiên, mỗi tâm dịch lớn trên thế giới lại có những yêu cầu khác nhau trong việc cách ly toàn xã hội.

1. Trung Quốc phong tỏa: Nội bất xuất, ngoại bất nhập
TP. Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) là nơi virus corona chủng mới xuất hiện lần đầu tiên, cũng là nơi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất.
Ngày 23.1, chính quyền tại đây chặn mọi nẻo ra vào Vũ Hán, yêu cầu người dân ở nhà. Trường học, văn phòng, nhà máy đều bị đóng cửa, toàn bộ phương tiện cá nhân đều bị cấm.

Đội ngũ tình nguyện viên đến từng nhà kiểm tra nhiệt độ người dân tại Vũ Hán.

AP

Quân đội được triển khai để đảm bảo người dân tuân thủ các lệnh kiểm soát. Đội ngũ tình nguyện viên đến từng nhà kiểm tra nhiệt độ người dân, những người bị sốt ngay lập tức bị chuyển tại các trung tâm cách ly.
Trong vài ngày tiếp theo, Trung Quốc áp dụng lệnh phong tỏa lên nhiều thành phố khác - theo các chuyên gia, có khoảng 760 triệu người dân Trung Quốc chịu tác động của các hình thức kiểm soát cách ly để chống dịch.
2. Kiểu châu Âu: muốn ra ngoài phải viết đơn
Pháp bắt đầu áp dụng các lệnh "cách ly xã hội" từ ngày 17.3, dự kiến kéo dài đến ngày 15.4.
Người dân tại Pháp không được rời khỏi nhà trừ khi đi làm các ngành nghề thiết yếu, mua sắm thiết yếu, khám bệnh.
Người dân được phép ra ngoài với lý do gia đình cấp thiết và hoạt động thể thao ngắn hạn, cách nơi cư trú không quá 1 km, trong tối đa 1 giờ mỗi ngày một lần nhưng không bao gồm hoạt động đạp xe.

Đường phố Pháp vắng vẻ sau lệnh phong tỏa toàn quốc.

Reuters

Pháp yêu cầu người dân khi rời khỏi nhà phải cầm theo đơn ghi rõ các nội dung: tên, ngày tháng, lý do rời khỏi nhà và thời gian chính xác.
Chính phủ Ý áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, cấm mọi di chuyển vào nước Ý, đóng cửa toàn bộ ngành nghề không thiết yếu để ngăn chặn Covid-19 lây lan rộng khắp.
Người dân Ý không được rời khỏi thành phố đang sống trừ trường hợp khẩn cấp. Người dân phải điền đơn với những lý do như đi làm, điều trị y tế hoặc đi chợ, siêu thị mới được rời khỏi nhà.
Cảnh sát Ý có thể tịch thu phương tiện đi lại của người vi phạm lệnh phong tỏa. Ngoài ra, cảnh sát Ý cũng có thể dùng UAV để kiểm soát người dân, và Ý còn triển khai lực lượng vũ trang tuần tra đường phố. 
Tây Ban Nha công bố lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 14.3, kéo dài đến ngày 11.4, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà vì nhu cầu thiết yếu gồm mua thực phẩm, thuốc, khám bệnh, thăm người thân cao tuổi hoặc đưa họ đi cấp cứu, hoặc đi làm.

Khung cảnh Tây Ban Nha trước và sau khi quốc gia này áp dụng lệnh "cách ly toàn xã hội".

Reuters

Đặc biệt tại Tây Ban Nha, người lao động một số ngành không thiết yếu như xây dựng vẫn có thể đi làm. Người dân không được ra ngoài tập thể dục nhưng có thể dắt thú cưng đi dạo, giới hạn trong khu vực gần nhà ở. Trẻ em không được phép ra đường trừ trường hợp bố mẹ phải đi mua thực phẩm và không còn người lớn ở nhà.
Người dân Anh cũng được yêu cầu ở trong nhà, trừ những trường hợp mua sắm cho nhu cầu thiết yếu, khám sức khỏe hoặc giúp đỡ người thân đang bị bệnh.
Họ được phép ra ngoài chạy bộ hoặc đạp xe một mình hoặc cùng với người thân trong gia đình mỗi ngày một lần, được đi làm trong trường hợp không thể làm việc tại nhà. Nhưng gặp gỡ bạn bè, mua sắm nhu cầu không thiết yếu và tụ tập đông người thì bị cấm.
3. Kiểu Ấn Độ: cấm rời nhà, trừ nhân lực ngành thiết yếu
Ban đầu, Ấn Độ áp dụng giờ giới nghiêm tại hầu hết các bang, chỉ cho phép các dịch vụ thiết yếu hoạt động.
Đến nay, Ấn Độ đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc với 1,3 tỉ dân trong vòng 21 ngày. Người dân không được phép rời khỏi nhà. Xe lửa, xe buýt liên bang và tàu điện ngưng hoạt động hoàn toàn đến ngày 31.3.

Khung cảnh Ấn Độ sau lệnh "cách ly toàn xã hội".

Reuters

Chỉ còn cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, trạm xăng, dịch vụ bưu chính viễn thông và nhà hàng có dịch vụ mang đi được phép hoạt động. Ấn Độ dẫn Luật Dịch bệnh Truyền nhiễm để áp mức phạt cực nặng lên các hành vi vi phạm.
4. Hạn chế kiểu Mỹ
Ngày 29.3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh kéo dài thời gian thực hiện quy định liên bang để ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan đến ngày 30.4.
California và New York trước đó là 2 tiểu bang đầu tiên của Mỹ áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà để phục vụ những nhu cầu thiết yếu như đi siêu thị, bệnh viện, hiệu thuốc và cửa hiệu giặt ủi. Nhiều bang và thành phố tại Mỹ đang có động thái phong tỏa tương tự như trên.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa công bố lệnh phong tỏa toàn quốc hay lệnh "cách ly toàn xã hội", chỉ yêu cầu người dân hạn chế tiếp xúc xã hội và tập trung đông người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.