Đà Nẵng bứt phá công nghiệp, công nghệ cao

16/10/2020 15:21 GMT+7

Chớp lấy thời cơ được mở những cơ chế đặc thù, TP.Đà Nẵng tập trung phát triển công nghiệp, công nghệ cao tạo đột phá trong việc thay đổi diện mạo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Theo Ban quản lý (BQL) Khu Công nghệ cao (CNC) và các KCN TP.Đà Nẵng, năm 2019 giá trị xuất khẩu công nghiệp đạt 44.000 tỉ đồng (chiếm gần 72% của TP), thu ngân sách đạt 4.991 tỉ đồng, chiếm gần 18% ngân sách địa phương.

“Hút vốn” đứng đầu miền Trung

Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho Khu CNC Đà Nẵng từ ngày 4.1.2018, giúp giải phóng tiềm năng phát triển, tạo cú hích để nền kinh tế cả khu vực miền Trung - Tây nguyên phát triển mạnh mẽ. Các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến với Khu CNC đã nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn như miễn giảm tiền thuê đất. Nhà đầu tư dự án mới, nhà ở xã hội được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Đặc biệt, dự án trên 3.000 tỉ đồng được áp thuế ưu đãi 10% trong 30 năm, miễn thuế nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định của dự án, miễn thuế nhập khẩu 5 năm; cùng các ưu đãi khác về tín dụng đầu tư, xuất nhập cảnh, cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển...
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu CNC và các KCN TP.Đà Nẵng, đánh giá các chính sách ưu đãi cùng với công tác xúc tiến đầu tư được tập trung đẩy mạnh vừa qua đã tạo tiền đề cho Khu CNC Đà Nẵng tăng tốc, thu hút các dự án lớn có sức lan tỏa. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thu hút đầu tư vào Đà Nẵng vẫn có tín hiệu khả quan. Đà Nẵng vẫn dẫn đầu miền Trung - Tây nguyên về thu hút vốn đầu tư trực tiếp với 118,5 triệu USD, chiếm gần 50% vốn đầu tư cả khu vực. Nổi bật là dự án Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina 2 (đầu tư 60 triệu USD) vào Khu CNC Đà Nẵng, với sản phẩm máy chụp cắt lớp CT nha khoa, động cơ máy mài nha khoa, răng Implant nhân tạo…
Các lĩnh vực đầu tư vào Khu CNC phù hợp với định hướng phát triển của Đà Nẵng, như cơ khí chính xác, chế tạo vật liệu và sản phẩm cấy phép cơ thể người, tự động hóa, vi mạch điện tử tích hợp, đặc biệt là công nghệ chế tạo, sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ. “Các kết quả này bước đầu minh chứng tính tác động trong quyết sách của Chính phủ và sức thu hút, hấp dẫn đầu tư ở Khu CNC Đà Nẵng”, ông Phạm Trường Sơn nói.

Phấn đấu góp 10% GRDP

Với những tiền đề trên, BQL Khu CNC và các KCN TP.Đà Nẵng kỳ vọng trong giai đoạn mới 2020 - 2025, mục tiêu thu hút ít nhất 3 dự án quy mô vốn trên 100 triệu USD, tỷ lệ đóng góp của Khu CNC vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.Đà Nẵng đạt tối thiểu 10% đến năm 2025 là khả thi.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển Khu CNC định hướng 2030, Đà Nẵng là một trong 3 khu CNC quốc gia, trong đó Khu CNC Đà Nẵng đảm bảo 3 cấu thành cơ bản: Khu nghiên cứu và phát triển, thí nghiệm chuyển giao ứng dụng công nghiệp, đào tạo chuyên gia; Khu sản xuất sản phẩm CNC; Khu thương mại dịch vụ làm nhiệm vụ thương mại hóa các sản phẩm, đầu mối xuất nhập khẩu, trung chuyển. Do đó, Đà Nẵng ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, công nghệ cao và các dự án về nghiên cứu và phát triển.
Qua 25 năm phát triển, các KCN cơ bản lấp đầy, thời gian đến Đà Nẵng chỉ tập trung phát triển công nghiệp sạch có hàm lượng CNC, sản phẩm thân thiện môi trường, khuyến khích dùng năng lượng sạch trong sản xuất, phát triển công nghệ ít phát thải. “Để bứt phá hơn nữa, TP phát triển thêm công nghiệp hỗ trợ, nhất là logistics và nguồn nhân lực. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu quan trọng và ưu tiên hàng đầu của Đà Nẵng”, ông Phạm Trường Sơn chia sẻ.
Đến nay, Khu CNC thu hút 21 dự án, trong đó 11 dự án trong nước (tổng vốn đầu tư 5.691 tỉ đồng), 10 dự án FDI (400 triệu USD). Nếu tính chung với các KCN khác, tổng cộng công nghiệp Đà Nẵng có 489 dự án, trong đó 361 dự án trong nước (24.400 tỉ đồng), 128 dự án FDI (vốn đăng ký 1,59 tỉ USD).
Mục tiêu đến năm 2030, Khu CNC Đà Nẵng đồng bộ với các Khu CNC Hòa Lạc và TP.HCM, thành hạt nhân phát triển kinh tế xã hội cả khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.