Đà Nẵng căng mình chống 'khát'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
17/02/2019 16:43 GMT+7

TP.Đà Nẵng đang căng mình chống 'khát' ngay từ đầu năm. Tình trạng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ (nguồn cấp nước chủ yếu cho Đà Nẵng) năm nay xuất hiện sớm.

“Chạy đua” thi công tuyến ống lấy nước…

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, việc nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán đến nay (từ ngày 2.2).

Phòng Tài nguyên nước (Sở TN - MT TP.Đà Nẵng) cũng cho hay, khác với quy luật của nhiều năm, ngay từ những ngày đầu năm 2019, xâm nhập mặn đã diễn ra gay gắt trên sông Cầu Đỏ.

Diễn biến độ mặn quan trắc được tại cửa thu nước Cầu Đỏ cho thấy độ mặn trong những ngày qua đang ở mức báo động. Độ mặn cao nhất ghi nhận được trong khoảng thời gian từ ngày 2 - 16.2 đã có tăng vọt đến 1.641 mg/l (vào lúc 5 giờ 45 ngày 16.2).

Vào các thời điểm độ mặn từ 1000 mg/l thì việc khai thác nước mặt trên sông Cầu Đỏ không thể thực hiện, phải bơm nước hoàn toàn từ đập dâng An Trạch và chuyển tải về xử lý tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Nếu nhu cầu sử dụng của Đà Nẵng vượt công suất thiết kế của Trạm bơm phòng mặn An Trạch, thì nguồn nước cấp cho TP.Đà Nẵng sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin nhận định khí tượng, thủy văn, việc cấp nước cho sinh hoạt và các hoạt động thiết yếu khác trong mùa khô năm 2019 trên địa bàn thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước”, đơn vị này nhận định.

Trạm ngăn mặn An Trạch là nguồn cung cấp nước thô cơ bản nếu sông Cầu Đỏ nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép ẢNH: HOÀNG SƠN
Theo Phòng Tài nguyên nước (Sở TN - MT TP.Đà Nẵng), để bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và nhu cầu thiết yếu khác, ứng phó và phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm nay, việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là một trong những giải pháp hàng đầu để đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt và các hoạt động thiết yếu khác.

Trước thực trạng này, ngay từ những ngày đầu năm 2019, UBND TP.Đà Nẵng đã liên tục có những buổi làm việc và khảo sát thực tế để chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ lên 60.000 m3/ngày đêm, đảm bảo đưa vào vận hành vào cuối tháng 3.2019. Đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ nhà máy nước Hòa Trung công suất 10.000 m3/ngày đêm.

Lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng cũng sẽ có buổi khảo sát thực tế, làm việc với các chủ hồ chứa thủy điện về việc điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn nước từ các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho TP.Đà Nẵng trong mùa khô năm 2019.

Ông Hồ Hương cho biết thêm, năm 2018, phải đến vào khoảng tháng 5 - 6, tình trạng nhiễm mặn mới xảy ra. “Chưa có năm nào tình trạng nhiễm mặn lại xảy ra trong tháng Giêng như năm nay nên tình hình nước sinh hoạt sẽ rất căng thẳng”, ông Hồ Hương nói.

“Để đảm bảo nguồn nước cho TP, trước Tết, công ty đã khảo sát địa hình, địa chất để làm tuyến ống dẫn nước thô từ trạm An Trạch về nhà máy nước Cầu Đỏ, đoạn vượt qua sông Cầu Đỏ. Hiện nay đã có kết quả, chúng tôi đã giao cho tư vấn thiết kế. Khoảng cuối tháng 2 có hồ sơ, chúng tôi sẽ cho thi công và dự kiến trong tháng 5.2019 sẽ hoàn thành”.

Hồ chứa thượng nguồn thiếu nước nghiêm trọng

Các thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia, chi phối nguồn nước cấp cho TP.Đà Nẵng hiện đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Một lãnh đạo Công ty Thủy điện Sông Bung cho hay, theo quy trình vận hành liên hồ chứa, đến ngày 15.12 hàng năm, nếu mực nước không đạt thì thủy điện phải chậm phát điện để đến ngày 1.2 năm sau phải đạt mực nước yêu cầu.

“Mặc dù, chúng tôi không phát điện nhưng đến ngày 1.2 lượng nước về hồ vẫn không đạt. Chủ trương phải dùng nước tiết kiệm. Mùa mưa vừa rồi không có mưa nên nước về hồ ít, mực nước ngầm cũng thấp nên càng ngày xu hướng nước càng kiệt”, vị này nhận định.

“Hiện Đà Nẵng đã xuất hiện nhiễm mặn, thì đến thời điểm tháng 4 - 5 sẽ tiếp tục cẳng thẳng hơn về nguồn nước”, vị này nói thêm.

Được biết, hiện mực nước về hồ thủy điện Sông Bung dưới 20 m3/giây. Với mực nước này, thủy điện muốn xả nước phát điện “phải hết sức dè sẻn chứ không thể xả nước phát điện như những năm trước”.

Ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Thủy điện A Vương cũng cho biết, lượng nước về hồ chứa hiện rất thê thảm.

Theo ông Thế, vì lượng nước về hồ kém từ cuối năm 2018 nên thủy điện đã dừng phát điện để tích nước.

Nhà máy nước Cầu Đỏ đang được triển khai nâng công suất ẢNH: HOÀNG SƠN
Cuối năm 2018, lưu lượng nước về hồ khoảng 15 -17 m3/giây, thì nay lại tiếp tục giảm dần.

“Do không có mưa nên lượng nước từ thượng nguồn suy giảm. Hiện chỉ còn khoảng 11 - 12 m3/giây, so với các năm lưu lượng phải từ 40 - 50 m3/giây. Mặc dù không phát điện nhưng lượng nước trong hồ A Vương lên rất chậm. Việc phát điện không còn được tính đến mà phải tính đến việc giữ nước cho hạ du chống mặn”, ông Thế khẳng định.

Được biết, hiện mực nước trong hồ thủy điện A Vương đạt hơn 358 m, thiếu hơn 21 m nữa mới đạt nước dâng bình thường. 

Năm 2019 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc của nhân loại

Sở TN - MT TP.Đà Nẵng cho hay các mô hình dự báo mới nhất của nhiều trung tâm dự báo hàng đầu trên thế giới đều chung nhận định, năm 2019 sẽ là một năm nóng, thậm chí là nóng nhất trong lịch sử quan trắc của nhân loại.

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ chuyển sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng 60-70% từ tháng 11.2018 đến những tháng đầu năm 2019.

Theo đó, lượng dòng chảy sông, suối mùa khô năm 2019 ở khu vực Nam trung bộ thấp hơn từ 30-60%.

Theo Sở này, từng người dân cần quan tâm thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước để giảm mức tiêu thụ nước xuống thấp nhất, cùng chung tay góp sức để ứng phó với hạn hán lịch sử dự báo sẽ xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng bồn chứa để tích trữ nước sử dụng trong trường hợp xảy ra thiếu nước.

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cần thông báo sớm đến khách hàng dùng nước về tình hình nhiễm mặn, thiếu nước, lịch cắt nước luân phiên qua tin nhắn, email để người dân tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả…

Các cơ sở dịch vụ lưu trú khu vực ven biển đã được UBND TP cho phép tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới cây cần khẩn trương thi công hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường ống dẫn nước thải sau xử lý để tưới cây, cỏ trong các khu nghỉ dưỡng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.