Người Đà Nẵng tự hào về quần thể Ngũ Hành Sơn, cao nguyên nhỏ Bà Nà mát mẻ, những bãi tắm đẹp và những làng nghề, những lễ hội, kiến trúc chùa chiền… độc đáo. Đà Nẵng đã và đang đầu tư phát triển ngành du lịch để thu hút ngày càng nhiều du khách đến thưởng ngoạn.
Quần thể Ngũ Hành Sơn là một danh thắng đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia từ năm 1980. Đây là nơi tham quan du lịch hấp dẫn và độc đáo của thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn bao gồm 5 ngọn núi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn, Thổ Sơn. Trong đó Thuỷ Sơn là ngọn núi đẹp nhất, bao gồm 3 đỉnh chia làm 3 tầng giống như 3 ngôi sao nên còn có tên gọi núi Tam Thai. Ngọn núi cao nhất là Thượng Thai, cao 106m gồm có Vọng Giang Đài, chùa Tam Thai, chùa Từ Tâm, động Hoàng Cung, động Hoa Nghiêm, động Linh Nham, thạch động Huyền Không… Ngọn thấp hơn là Trung Thai, nơi đây du khách có thể thấy Cổng Trời, hang gió Tây, hang gió Đông, động Vân Thộng, động Thiên Long, hang Vân Nguyệt. Ngọn thấp nhất là Hạ Thai gồm có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Tàng Chơn, Bàn Cờ, Giếng Tiên và động m phủ.
Tại chùa Tam Thai còn lưu giữ "quả tim lửa" và chiếc chuông khắc tên vua Minh Mạng. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1630 và năm 1825 vua Minh Mạng cho xây dựng lại. Từ Vọng Giang Đài, Vọng Hải Đài, du khách có thể ngắm nhìn làng quê yên bình dưới chân núi dòng sông Cổ Cò và xa xa là cảnh biển trời bao la.
Hang động ở Ngũ Hành Sơn có cảnh sắc thật kỳ vĩ, mỗi sáng, ánh nắng mặt trời len lỏi qua các ngách đá tạo ra vẻ lấp lánh cho các thạch nhũ với vô số hình hài khác nhau mà du khách có thể cảm nhận theo trí tưởng tượng của mình. Ở động Quán Thế m (núi Kim Sơn) và động Huyền Vi (núi Hoả Sơn), nhiều thạch nhũ tạo ra những bức tượng nhà Phật rất độc đáo, trong đó khối thạch nhũ tạo thành tượng Quán Thế m Bồ Tát rất hoàn chỉnh, thanh tú. Một lớp da đá như dải lụa kim tuyến phủ từ bờ vai phải chạy đến hết thân tượng, tay phải nâng bình nước cam lồ. Trong động Quán Thế m còn có bộ tam khí nhà Phật gồm chuông, trống, mõ bằng đá, âm thanh chuẩn và thật. Cuối động là hồ nước mát lạnh, trong suốt quanh năm nên được gọi là hồ nước Cam lồ. Nhiều ngôi chùa khác trong quần thể Ngũ Hành Sơn cũng lưu giữ nhiều hiện vật và giá trị văn hoá, tôn giáo, lịch sử quý giá. Ngoài ra, du khách đến đây còn có thể thấy những bút tích thơ ca thời Lê, Trần trên những bức đá rêu phong; di tích mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu; đền thờ công chúa Ngọc Lan - em gái vua Minh Mạng; di tích đấu tranh cách mạng như núi Đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang m Phủ… Tất cả những điều này cho thấy đây là một vùng đất địa linh nhân kiệt, đầy chất sử thi.
Khu du lịch Bà Nà cách trung tâm thành phố Đà Nẵng về phía Tây khoảng 48km, ngọn núi Bà Nà cao 1.487km so với mặt biển. Tâm đỉnh có địa hình bằng phẳng như một cao nguyên nhỏ, khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 18 độ C. Bà Nà có nhiều địa lan, nai, khỉ, chim rừng và các loài bướm lạ, hình dáng, màu sắc độc đáo và nhiều điểm tham quan thú vị như Núi Chúa, thác Cầu Vồng, Suối Nai, hầm rượu cũ, chùa Linh Ứng… Đêm nghỉ tại Bà Nà, du khách có thể thưởng thức rượu cần bên lửa trại, đi dạo trên những con đường đầy gió và mây...
Bán đảo Sơn Trà là một vùng sinh thái tự nhiên có dải bờ biển dài với nhiều bãi tắm hoang sơ và đẹp như bãi Bắc, bãi Bụt, bãi Xếp, bãi Tiên Sa… Ngọn Sơn Trà cao 693m so với mặt biển, khu rừng nguyên sinh rộng 4.370ha có nhiều hệ động vật quý như voọc chà và, khỉ đuôi dài, gà mặt đỏ... Sơn Trà không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên mà còn là khu du lịch sinh thái có thể phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch thể thao hấp dẫn như leo núi, lặn biển, tắm suối, câu cá… Phía Tây có ngọn núi Tiên Sa nhô hẳn ra Vịnh Đà Nẵng, giáp với bãi biển xinh đẹp. Hiện tại Đà Nẵng đang xây dựng đường du lịch dọc biển từ Sơn Trà đến Điện Ngọc (20 km) nhằm mở ra một bước đột phá trong phát triển du lịch ở vùng đất này.
Đà Nẵng có chiều dài bờ biển hơn 90km với nhiều bãi tắm đẹp từ chân đèo Hải Vân đến Non Nước, nước biển trong xanh bốn mùa, ấm áp và sóng êm có thể đón khách quanh năm. Bãi tắm Non Nước nằm gần kề dưới chân dãy Ngũ Hành Sơn, trải dài 5km. Bãi cát sạch thoai thoải độ dốc thấp, nước trong xanh, sóng không quá lớn nên những du khách không biết bơi cũng dễ dàng tận hưởng cảm giác đắm chìm trong biển nước mát. Nơi đây thích hợp cho môn thể thao lướt sóng. Bãi tắm Mỹ An có 5 điểm tắm đẹp gồm T18, Ba Đông 2, Mỹ Đông 3, Bắc Mỹ An và khu khách sạn Furama đạt tiêu chuẩn 5 sao. Bãi tắm Mỹ Khê chỉ cách trung tâm Đà Nẵng 2km đã được đầu tư hạ tầng nhà nghỉ, khách sạn, biệt thự, nhà hàng sang trọng nên là bãi tắm nhộn nhịp nhất ở Đà Nẵng.
Hệ thống Bảo tàng Đà Nẵng cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch tham quan, đặc biệt là Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Những tác phẩm trưng bày tại đây có nguồn gốc chủ yếu từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum. Những tác phẩm nguyên bản thể hiện trên chất liệu sa thạch, đất nung và đồng có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau và có tính nối tiếp theo lịch đại như phong cách Mỹ Sơn E1, Đông Dương, Chánh Lộ, Tháp Mẫm. Sản phẩm có 3 loại tượng, đài thờ và vật trang trí thể hiện sức sống mãnh liệt của nền văn minh Chămpa một thời phát triển rực rỡ.
Đến Đà Nẵng không thể bỏ qua những cuộc viếng thăm đến các làng nghề. Nổi tiếng không chỉ trong mà còn ngoài nước là làng đá mỹ nghệ Non Nước. Làng nằm dưới chân Ngũ Hành Sơn, hình thành từ thế kỷ 18 do một nghệ nhân người Thanh Hoá là ông Huỳnh Bá Quát sáng lập. Nguồn đá dưới chân núi là nguyên liệu quý giá được các nghệ nhân bao đời nay, với đôi bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng bay bổng, đã cho ra đời những tác phẩm điêu khắc đá độc đáo, mang tính nghệ thuật cao. Đề tài chủ yếu được các nghệ nhân nơi đây khai thác là các vị phật, thánh, chúa, thần vệ nữ, các con vật trong huyền thoại như lân, sư, rồng, các loại đèn, đồ trang sức… với nhiều cách thể hiện tinh xảo khác nhau. Làng nghề phát triển khá nhanh nhờ đã biết tiếp thị, kinh doanh nên không chỉ bán cho du khách mà còn xuất khẩu đi các nước với số lượng lớn. Người dân trong làng ngày càng có cuộc sống sung túc. Ngoài các cơ sở điêu khắc do các nghệ nhân tự tổ chức sản xuất - kinh doanh, còn có Trung tâm điêu khắc đá Đà Nẵng, thuộc dự án điêu khắc Đà Nẵng, do ông Stobakken Oyvin (người Na Uy) đứng ra quyên góp tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Trung tâm hỗ trợ thiết bị và đào tạo nghề cho những thiếu niên có năng khiếu nhằm duy trì và phát triển làng nghề này.
Rời làng đá mỹ nghệ Non Nước, du khách có thể đến tham quan làng làm bánh khô mè Cẩm Lệ để thưởng thức miếng bánh làm từ bột gạo, đường kính, gừng, mè thơm ngon, ngọt lịm, giòn tan đọng lại trong vị giác và tiềm thức; đến Làng chiếu Cẩm Nê để tìm hiểu về nghề dệt chiếu truyền thống; làng cổ Tuý Loan thưởng thức món mì Quảng…
Hàng năm, Đà Nẵng cũng có nhiều lễ hội truyền thống đặc trưng của vùng. Lễ hội Quán Thế m ngày 19/2 âm lịch mang màu sắc, nghi lễ Phật giáo; lễ hội Cầu Ngư ở Đà Nẵng thường kết hợp với lễ hội Cá ông và lễ hội ra quân đánh bắt cá vụ Nam diễn ra trung tuần tháng 3 âm lịch; hội đua thuyền truyền thống (ngày 29/3 kỷ niệm giải phóng Đà Nẵng)…
(Theo VOV)
Bình luận (0)