Đà Nẵng sẵn sàng 'mua' ý tưởng khả thi

23/02/2016 09:56 GMT+7

Những ý tưởng, sáng kiến mang tính khả thi cao, có thể ứng dụng, chính quyền TP. Đà Nẵng sẵn sàng chi trả kinh phí cho người “bán”. Tuy nhiên, đa số ý tưởng của người dân đưa ra hiện vẫn chỉ dừng lại ở tính gợi mở.

Những ý tưởng, sáng kiến mang tính khả thi cao, có thể ứng dụng, chính quyền TP. Đà Nẵng sẵn sàng chi trả kinh phí cho người “bán”. Tuy nhiên, đa số ý tưởng của người dân đưa ra hiện vẫn chỉ dừng lại ở tính gợi mở.

Thành phố Đà Nẵng sẵn sàng chi kinh phí để “mua” những ý tưởng khả thi nhằm phục vụ phát triển địa phươngThành phố Đà Nẵng sẵn sàng chi kinh phí để “mua” những ý tưởng khả thi nhằm phục vụ phát triển địa phương
Hiện thực hóa nhiều ý tưởng
Trái với vẻ xù xì và có phần thô kệch so với trước đây, những nắp cống chắn rác hình con cá mới được lắp đặt trên dọc tuyến đường Bạch Đằng (TP.Đà Nẵng) đã khiến không gian đường phố trở nên “mềm” hơn nhờ vẻ thẩm mỹ.
Nhiều du khách lẫn người dân dường như chậm lại khi tản bộ trên tuyến Bạch Đằng để nhìn ngắm những nắp chắn rác có hình thù khá lạ mắt này.
Loại nắp cống này được chế tạo bằng chất liệu composite trên đó có hình con cá vừa đẹp mắt vừa có tác dụng ngăn mùi hôi đáng kể.
Đây là một trong những ý tưởng của người dân gửi đến giới chức Đà Nẵng và nó đã thành hiện thực sau một thời gian ngắn nghiên cứu.
Nhiều người là công dân của “thành phố đáng sống” khi biết chủ trương của chính quyền về việc tiếp nhận ý tưởng qua các kênh như email của Chủ tịch thành phố, Facebook đã không ngần ngại trình bày các sáng kiến của mình trên mọi lĩnh vực.
Trong đó, có một số ý tưởng như: xây dựng kế hoạch số hóa 3D các mẫu vật, cổ vật của bảo tàng công, nghiên cứu triển khai phương thức bán vé qua mạng cho sân vận động Hòa Xuân, con đường hoa sim tại bán đảo Sơn Trà… đã được lãnh đạo TP.Đà Nẵng chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu áp dụng thực tế.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cho hay, ý tưởng hình thành con đường hoa sim hiện đang được ngành chức năng triển khai trên diện tích khoảng 300 m2 (tại tiểu khu 63), bắt đầu từ năm 2016.
“Hiện thành phố đã cho thử nghiệm xem có phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu hay không. Ý tưởng nhiều khi không cần phải cao siêu, vĩ mô mà nhiều khi chỉ xuất phát từ những việc nhỏ. Ví dụ như một tổ chức đã phát động nhặt rác trên Sơn Trà để cùng chung tay bảo vệ môi trường, hoặc nhặt rác ven biển để gìn giữ vệ sinh chung thành phố… Đó cũng là sáng kiến để thành phố đẹp hơn”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, ngoài việc tiếp nhận ý tưởng của người dân qua các kênh như email, qua các trang mạng xã hội, thư gửi trực tiếp, thành phố đã tổ chức 3 lần thi ý tưởng phát triển địa phương.
“Rất nhiều chuyên gia, người có uy tín tham gia phát triển ý tưởng. Thành phố cũng giao cho Sở VH-TT-DL xem xét, nghiên cứu các ý tưởng xem có thể ứng dụng được không. Hiện nay các ý tưởng đang trong quá trình nghiên cứu là đa số”, ông Cường thông tin: “Lễ hội pháo hoa cũng là một ý tưởng. Vừa rồi cũng có thêm ý tưởng về lễ hội ánh sáng nhưng có nhiều yếu tố chưa làm được”.
Cần ý tưởng khả thi
Mới đây, TP.Đà Nẵng đã tiếp nhận một ý tưởng của người dân về việc xây dựng các con đường mang tên là các thành phố các nước trên thế giới có kết nghĩa với địa phương. Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đang trong quá trình nghiên cứu để biến ý tưởng này thành hiện thực. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, ý tưởng này sẽ “khó khả thi” vì liên quan đến nhiều vấn đề đối ngoại.
Ông Nguyễn Công Tiến, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, về mặt nội địa thì Hải Phòng có đường Đà Nẵng và ngược lại nhưng trên quốc tế thì chưa có.
Việc đặt tên thành phố nước ngoài tại Đà Nẵng cũng phải nhận được sự đồng ý của các nước đó. “Và khi người ta đặt tên đường là thành phố Đà Nẵng thì chúng ta có đồng ý hay không, thì việc này cũng phải có sự trao đổi”, ông Tiến nói.
Ông Tiến phân tích, về mặt hành lang pháp lý, hiện vẫn chưa có luật nào quy định về việc đặt tên đường là một thành phố có quan hệ hợp tác quốc tế.
“Khi đem ra HĐND thành phố chưa chắc đã được quyết và chắc chắn phải hỏi Bộ Ngoại giao. Hỏi Bộ thì sẽ trở thành câu chuyện của đất nước rồi chứ không phải là câu chuyện của riêng gì thành phố Đà Nẵng. Cho nên nói về tính khả thi thì tôi thấy rất khó khả thi. Muốn làm cũng phải hết sức nỗ lực và làm phải cân nhắc, nhất là trong bối cảnh hiện nay”, ông Tiến nói thêm.
Cũng theo vị lãnh đạo này, khi thực hiện ý tưởng này cũng cần xem xét xem đó có phải là nhu cầu cấp bách hay không.
Đường phố Đà Nẵng đã được lắp đặt nhiều nắp cống hình con cá – một ý tưởng từ nhóm bạn trẻ có chuyên mônĐường phố Đà Nẵng đã được lắp đặt nhiều nắp cống hình con cá – một ý tưởng từ nhóm bạn trẻ có chuyên môn - Ảnh: Hoàng Sơn

“Từ khi có việc nhận ý tưởng người dân, Sở đã nhận được vài ý tưởng đối ngoại. Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại liên quan đến chính trị và hiện vẫn chưa áp dụng được cái nào”, ông Tiến cho hay: “Khi nhận được ý tưởng nào, chúng tôi cũng đều phản hồi và trả lời cụ thể cho người dân”.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng cho biết, các ý tưởng nhận được đều là tình cảm từ người dân lẫn du khách với thành phố.
Theo ông Cường, Sở đã nhận được có nhiều ý tưởng nhưng đa phần chỉ dừng lại ở tính chất gợi mở chứ chưa có nhiều ý tưởng triển khai thực tế.
“Từ ý tưởng mà đi đến triển khai là cả một quá trình dựa vào tình hình thực tế, cơ chế chính sách có làm được hay không. Rồi lại cả vấn đề điều kiện nguồn nhân lực, tài chính”, ông Cường nói: “Ý tưởng xuất phát từ thực tế và từ những người có chuyên môn thì mang tính khả thi cao, ví dụ như nắp hố ga hình con cá. Nhưng cũng có những ý tưởng cần phải nghiên cứu vì người đưa ra ý tưởng chỉ theo cảm nhận có thể làm được, ứng dụng được nhưng khi vào thực tế thì lại không khả thi”.
Ông Cường dẫn một vài ví dụ kém khả thi như: ý tưởng thêm một số lễ hội nhưng lại không phù hợp với phát triển của thành phố, với truyền thống văn hóa hoặc về mặt kỹ thuật. Cũng có nhiều người hiến kế để phát triển về hạ tầng giao thông nhưng lại chưa đảm bảo yếu tố kỹ thuật…
“Mua” ý tưởng như mua sở hữu trí tuệ
Ông Trần Chí Cường cho biết, đối với ngành, hiện rất cần các ý tưởng liên quan đến phát triển sản phẩm thể hiện được đặc trưng riêng của thành phố nhằm tạo lợi thế cạnh tranh với các điểm đến khác. Bên cạnh đó, cũng cần thêm các dịch vụ vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu vui chơi của khách nhưng không trái với điều kiện về văn hóa, phong tục, luật pháp…
Theo ông Cường, quan điểm của thành phố là ghi nhận và trân trọng tất cả ý tưởng với mục tiêu chung làm sao phát triển thành phố tốt hơn.
“Lâu nay ý tưởng được đưa ra thường ở với góc độ tình cảm nhưng nếu có những ý tưởng có thể đưa ra thành dự án và có thể mang lại hiệu quả thiết thực mà thành phố khi thẩm định thấy có hiệu quả mang lại thì vẫn sẵn sàng chi kinh phí. Với quan điểm là thành phố luôn tôn trọng ý kiến, chất xám của người hiến kế. Và sẽ mua như mua sở hữu trí tuệ của người ta vậy”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo đánh giá, ý tưởng đặt tên các con đường mang tên các thành phố nước ngoài có kết nghĩa với Đà Nẵng là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, để thực hiện lại gặp khá nhiều vướng mắc Theo đánh giá, ý tưởng đặt tên các con đường mang tên các thành phố nước ngoài có kết nghĩa với Đà Nẵng là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, để thực hiện lại gặp khá nhiều vướng mắc - Ảnh: Hoàng Sơn

“Nếu ý kiến có liên quan đến dự án nào đó thì thành phố vẫn chuyển ý kiến đó cho nhà đầu tư để thực hiện và làm sao phải hài hòa giữa hai bên: chủ đầu tư có thể sử dụng được ý tưởng và người hiến ý tưởng sẽ nhận được cái gì đó gọi là trả lại phần trí tuệ đã đưa ra”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Tiến, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ cho rằng, hiện việc mua – bán ý tưởng chưa có tuy nhiên nếu trong tương lai, ý tưởng đặt tên các con phố nước ngoài được thực hiện thì thành phố phải ghi nhận ý tưởng của người hiến.
“Người dân nên chủ động gửi ý tưởng đến cơ quan công quyền. Chúng tôi cũng mong nhận được ý tưởng từ người dân và luôn trân trọng những ý kiến của người dân đóng góp để xây dựng Đà Nẵng phát triển hơn”, ông Tiến cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.