Đà Nẵng thiếu trầm trọng nhân lực ngành kinh tế mũi nhọn

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
16/12/2022 08:15 GMT+7

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, trụ cột của TP. Đà Nẵng nhưng nguồn nhân lực công nghệ thông tin vẫn thiếu cả chất và lượng.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, công nghệ thông tin (CNTT) với tốc độ tăng trưởng cao đã trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của TP. Hiện TP.Đà Nẵng có khoảng 44.000 nhân sự trong lĩnh vực CNTT, phần lớn là phần mềm và nội dung số. Giai đoạn 2022 - 2025, TP cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân sự/năm, giai đoạn 2026 - 2030 cần thêm 8.000 nhân sự/năm.

TP.Đà Nẵng cần bổ sung đội ngũ nhân lực ngành công nghệ thông tin có trình độ cao

NGUYỄN TÚ

Khảo sát của Viện Chiến lược CNTT Bộ TT-TT cho thấy chỉ có khoảng 15% sinh viên (SV) CNTT mới tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp; 72% SV không có kinh nghiệm, thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm.

Theo PGS-TS Lê Thành Bắc, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, thực tế nhân lực CNTT ở các trường trên cả nước về số lẫn chất lượng đều chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội (đặc biệt là kỹ sư chất lượng cao), do kinh tế số phát triển nóng. Trong khi đó, quy mô đào tạo của các trường cần lộ trình, bị ràng buộc điều kiện chỉ tiêu, tuyển giảng viên CNTT đã khó lại bị chảy máu chất xám sang doanh nghiệp lương cao, môi trường thông thoáng.

“Theo đánh giá từ Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VN (Vinasa), chỉ có khoảng 16.500 SV (chiếm gần 30% trong tổng số 55.000 SV CNTT) đào tạo ra đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp”, PGS-TS Lê Thành Bắc nói.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Lee Jong Wook, Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi tại Đà Nẵng của Công ty TNHH LG Electronics VN, cho biết các dữ liệu tuyển dụng cho thấy 2 vấn đề lớn: Số dự tuyển nhiều nhưng trúng tuyển rất ít, nhân lực CNTT TP.Đà Nẵng có tỷ lệ thất bại trong tuyển dụng khá cao. Nan giải nhất với nhà tuyển dụng là thời gian nhân sự gắn bó với công ty ngắn nên doanh nghiệp rất lo lắng về việc đầu tư đào tạo nhưng nhân sự chuyển môi trường tốt hơn.

PGS-TS Lê Thành Bắc cho biết dù nhà trường hợp tác với doanh nghiệp nhưng vẫn tồn tại nhiều thỏa thuận mang tính hình thức, thiếu cơ chế ràng buộc và phối hợp xử lý phát sinh nên hiệu quả chưa cao. “Doanh nghiệp hợp tác chủ yếu tuyển ngay SV giỏi, chưa thực sự đầu tư dài hạn cho đào tạo. Nên cần cơ chế, chính sách như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp tài trợ, đồng hành, bỏ các rào cản để doanh nghiệp tham gia giảng dạy, hay chế tài yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm với nhà trường; quy hoạch mạng lưới ĐH theo hướng cân đối vùng miền, ưu tiên đầu tư nâng tầm ĐH vùng, ĐH trọng điểm đủ tiềm lực, ĐH quốc gia làm nòng cốt đào tạo CNTT”, PGS-TS Lê Thành Bắc nói.

Về đãi ngộ SV, PGS-TS Lê Thành Bắc đề xuất cải tiến chính sách cho vay trả học phí và chỉ phải trả khi đã có việc làm. PGS-TS Huỳnh Công Pháp gợi ý miễn giảm học phí, chỗ ở cho SV và có chính sách ưu tiên khi làm việc tại Đà Nẵng.

Ông Vy Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, chia sẻ: “Các trường ĐH cần thay đổi nhanh chóng chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu. Đà Nẵng cần tạo điều kiện, chính sách để trường mở rộng quy mô đào tạo, thu hút SV CNTT, có chính sách an sinh như vay mua nhà an cư lạc nghiệp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.