Đã nhìn thấy tiềm lực to lớn của Việt Nam

21/04/2006 22:56 GMT+7

Chuyến thăm của ngài Bill Gates, Chủ tịch Tập đoàn Microsoft, tới Việt Nam được dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt. Theo đánh giá chung, sự kiện này cho thấy các tập đoàn công nghệ cao quốc tế đã nhìn thấy tiềm lực to lớn của Việt Nam.

Theo đánh giá của hãng tin AP thì chuyến thăm của ngài Chủ tịch Tập đoàn Microsoft là một niềm khích lệ lớn đối với ngành công nghệ thông tin còn non trẻ nhưng đầy tham vọng của Việt Nam. Việc nhân vật giàu nhất thế giới quan tâm đến Việt Nam cho thấy nước này đã bước đầu thành công trong việc đưa tên mình vào bản đồ công nghệ thông tin thế giới. Từ lâu, Việt Nam luôn tỏ rõ tham vọng muốn thực hiện những bước nhảy trong lĩnh vực công nghệ cao. Đầu năm nay, tham vọng đó nhận được một sự khích lệ lớn khi Intel, tập đoàn sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới, thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip của Mỹ trị giá 605 triệu USD tại TP.HCM. Các tập đoàn công nghệ danh tiếng thế giới như IBM, Hewlett-Packard, Microsoft, Intel hiện đều có văn phòng tại Việt Nam.

Theo chuyên gia Carl Thayer của Học viện quốc phòng Úc, chuyến thăm của ông Gates có lợi cho cả hai phía: "Ông ấy sẽ dành cho Việt Nam nhiều thứ và cũng sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại tại đây. Đối với Việt Nam, việc thắt chặt quan hệ với các tập đoàn công nghệ cao là điều họ đang hướng tới". Hãng tin Reuters dẫn ý kiến phân tích của các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam đang hấp dẫn các tập đoàn công nghệ thông tin nhờ vào lực lượng lao động trẻ và có học vấn. "Niềm kỳ vọng đang ngày một lớn dần tại quốc gia 83 triệu dân với khoảng 25% dân số trong độ tuổi từ 14-25 này", hãng tin Reuters nhận xét.

Trong vài năm gần đây, lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Theo số liệu thống kê chính thức thì thị trường phần mềm Việt Nam hiện tăng trưởng 40% hằng năm. Trong năm 2005, xuất khẩu phần mềm đạt 45 triệu USD. Nếu như vào năm 1999, Việt Nam chỉ có 170 công ty phần mềm với khoảng 5.000 nhân viên thì đến nay số công ty đã lên tới 600 với hơn 15.000 nhân viên. "Việt Nam có một tiềm năng khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vấn đề quan trọng là phải làm sao đánh thức tiềm năng đó", Giám đốc Microsoft tại Việt Nam, ông Christophe Desriac, nhận xét...

Tuy nhiên, theo giới phân tích thì đến nay Việt Nam vẫn còn bước sau những quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan và đang bị Philippines, Bangladesh, những quốc gia có giá nhân công khá thấp, cạnh tranh quyết liệt. Nguyên nhân nằm ở chỗ hệ thống giáo dục Việt Nam chưa theo kịp nhu cầu thực tế, đội ngũ lập trình viên còn hạn chế về ngoại ngữ và nhiều kỹ năng lập trình chuyên nghiệp khác. Một thực tế nan giải nữa đó là tình trạng xâm phạm bản quyền. Theo Business Software Alliance (BSA), tổ chức đại diện cho nhiều hãng phần mềm hàng đầu thế giới, hơn 90% phần mềm được bán tại Việt Nam là hàng lậu. Theo BSA thì tỷ lệ này là cao nhất thế giới và Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền để tạo niềm tin nơi các nhà đầu tư.

Đỗ Hùng (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.