Đặc sứ khoa học Mỹ: Hãy quy định thời gian nghiên cứu ở đại học

15/06/2015 12:19 GMT+7

(TNO) Sau khi làm việc tại rất nhiều trường đại học của Việt Nam, Đặc sứ khoa học Mỹ, tiến sĩ Geraldine Richmond cho rằng cần phải quy định thời gian nghiên cứu ở các trường đại học.

(TNO) Sau khi làm việc tại rất nhiều trường đại học của Việt Nam, Đặc sứ khoa học Mỹ, tiến sĩ Geraldine Richmond cho rằng cần phải quy định thời gian nghiên cứu ở các trường đại học.

Bà cũng nhận xét trình độ khoa học của Việt Nam đang ở mức độ lý tưởng để sự hợp tác với Mỹ mang lại hiệu quả cao nhất. Bà vừa dành cho Thanh Niên Online một cuộc phỏng vấn trước khi rời Việt Nam:
Đặc sứ khoa học Mỹ, bà Geraldine Richmond - Ảnh: K.O
* Xin chào bà, được biết bà vừa rời khỏi Việt Nam hồi đầu năm sau 10 ngày làm việc khắp 3 miền Việt Nam. Vì sao bà quyết định quay lại chỉ sau một thời gian ngắn?
- Bà Geraldine Richmond: Chuyến đi hồi tháng 1 là để tôi hiểu về Việt Nam, để biết xem tình hình khoa học, công nghệ ở đây đang như thế nào. Khi quay về Mỹ, tôi suy nghĩ rất nhiều để trong vai trò một đặc sứ khoa học, tôi có thể đẩy mạnh hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi đã bàn bạc rất nhiều với các nhà khoa học để tìm các cơ hội cho các hợp tác trong tương lai.
Chuyến đi này là để đưa những ý tưởng đã nảy sinh khi tôi về Mỹ, nay đến Việt Nam để cố gắng triển khai chúng. Chẳng hạn vấn đề làm sao để khuyến khích phụ nữ tham gia và thành công trong lĩnh vực khoa học nhiều hơn.
Một dự án khác là tìm cách nào để kết nối các nhà khoa học Mỹ với nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nước, năng lượng và thực phẩm. Chúng tôi đang tập trung vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cố gắng thúc đẩy tiến bộ trong nông nghiệp, đưa các tiến bộ ở Mỹ trong lĩnh vực này đến Việt Nam để tìm cách phát triển những giống gạo hiệu quả hơn, đối phó với vấn đề thay đổi khí hậu...
* Những triển vọng hợp tác lâu dài giữa 2 nước sẽ thế nào, thưa bà?
- Tôi nhận thấy trình độ khoa học của Việt Nam đang ở mức độ lý tưởng để sự hợp tác với Mỹ mang lại hiệu quả cao nhất. Ở mức độ thành công cao hơn, chẳng hạn như ở Thái Lan, tác động sẽ không nhiều. Còn như ở Lào và Campuchia, sẽ phải tốn nhiều thời gian hơn mới mang lại kết quả cao. Còn ở nấc thang như Việt Nam, tôi tin sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ có tác động mạnh mẽ để dẫn đến thành công, không chỉ là đối với Việt Nam không mà trong mối quan hệ Việt - Mỹ nói chung.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở Mỹ, chúng tôi có những trường đại học nghiên cứu nông nghiệp, nhưng họ lại không kết nối tốt với nông dân. Chúng tôi có một bên trung gian, gọi là dịch vụ chuyển giao để đưa kiến thức mới đến với nông dân. Tại Việt Nam, tôi nhận thấy các bạn cũng có những nền tảng tương tự, có điều hoạt động chưa hiệu quả. Tôi nghĩ đến việc tìm cách thúc đẩy hiệu quả của dịch vụ này để khi chúng tôi hỗ trợ các bạn nâng cao công nghệ trong nông nghiệp thì những kiến thức này cùng lúc đến với nông dân.
Đặc sứ Richmond chăm chú lắng nghe sinh viên trình bày sản phẩm khoa học tại Hội chợ triển lãm khoa học - Ảnh: K.O
* Trong cả hai chuyến công tác tại Việt Nam, bà đã đi thăm rất nhiều trường đại học. Bà có góp ý gì trong hoạt động nghiên cứu khoa học của họ?
- Tôi thấy hầu hết các trường đại học Việt Nam đặt quá nặng việc dạy lý thuyết, chẳng còn thời gian để nghiên cứu. Tôi thực sự nghĩ rằng cần phải có sự thay đổi về việc chính phủ sử dụng ra sao các nghiên cứu ở trường đại học và cần phải quy định thêm nhiều thời gian ở đại học cho công tác nghiên cứu. Nếu điều này không xảy ra, các bạn sẽ không bao giờ đạt được mong muốn của mình.
Điều thứ hai là cơ sở hạ tầng. Chắc chắn là các bạn cần phải tiếp cận được với các thiết bị. Để có được thiết bị, các bạn phải kết nối với ngành công nghiệp cung cấp thiết bị. Nhưng họ chỉ chịu hợp tác nếu thấy các trường đại học có thời gian để sử dụng chúng. Một khi có thiết bị cơ bản, có thời gian để nghiên cứu, lúc đó mới có thể tìm kiếm những khoản tài trợ quốc tế lớn hơn hoặc các khoản tài trợ của các công ty để đào sâu nghiên cứu cho một thành phẩm nào đó. Nhưng Việt Nam đang có một lợi thế lớn: nguồn lực sinh viên tuyệt vời làm việc chăm chỉ.
* Trong chuyến công tác lần này, bà đã tham gia Hội chợ triển lãm khoa học tại Trung tâm Hoa Kỳ (TP.HCM) với sự tham gia triển lãm sản phẩm khoa học do chính các học sinh, sinh viên thực hiện bên cạnh sản phẩm của những tên tuổi lớn như Microsoft. Bà thấy sản phẩm của các sinh viên ra sao?
- Tuyệt vời! Tôi thấy những học sinh cấp 3 triển lãm găng tay dùng cảm biến sóng âm để giúp người khiếm thị di chuyển, tôi thấy sinh viên triển lãm robot điều khiển từ xa bằng cử chỉ… Ở Mỹ, bạn cũng thấy những điều hoàn toàn tương tự. Các sinh viên cũng thực hiện những nghiên cứu theo kiểu như thế này.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM (bìa phải) giới thiệu găng tay hỗ trợ người khiếm thính do các em nghiên cứu tại Hội chợ triển lãm khoa học - Ảnh: K.O
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng toàn cầu hóa, xét ở khía cạnh mọi người có thể lên internet, tìm hiểu những thứ họ có thể thử nghiệm, về những gì mà các sinh viên đang làm trên khắp thế giới…, sinh viên Việt Nam có điều kiện cực kỳ tốt để thúc đẩy thực hiện các dự án khoa học của mình. Dù khi làm một dự án nào đó, chỉ cần bạn nhúng tay vào, bạn chỉ thành công một chút thôi, thì bạn vẫn học hỏi được rất nhiều từ những thất bại, bạn đã có sự tự tin để tiếp tục làm khoa học và rất có thể, bạn sẽ là một nhà khoa học vĩ đại trong tương lai.
Những hội chợ như thế này là nơi chúng ta ăn mừng sự thành công. Các học sinh, sinh viên cần được sự hỗ trợ của xã hội để nhúng tay vào làm khoa học
* Bà có thể chia sẻ về kế hoạch sắp tới của bà?
- Tôi yêu Việt Nam. Tôi sẽ quay lại, sẽ quay lại và tiếp tục quay lại. Trước mắt, theo kế hoạch, tôi sẽ quay lại vào tháng 12 này và tháng 1 năm tới trong 2 chuyến khác nhau để tiếp tục thúc đẩy các hợp tác đang triển khai.
Trong vai trò là Đặc sứ khoa học Mỹ, giáo sư, tiến sĩ Geraldine Richmond đến Việt Nam với mục đích tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực khoa học. Bà cũng đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Mỹ vì nền khoa học tiên tiến (AAAA), được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm vào Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ nhiệm kỳ 2012 - 2018. Tiến sĩ Richmond cũng là người sáng lập và chủ tịch Ủy ban vì sự tiến bộ của các nhà hóa học nữ (COACh), một tổ chức cơ sở hỗ trợ sự tiến bộ của các nhà khoa học nữ ở Mỹ và các quốc gia đang phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.