Đại án TrustBank: VKS bác bỏ toàn bộ nội dung bào chữa của các luật sư

Phan Thương
Phan Thương
28/05/2018 14:20 GMT+7

Trong nội dung xét xử đại án TrustBank sáng 28.5, VKS khẳng định cáo trạng truy tố Hứa Phị Phấn cùng đồng phạm là có cơ sở, đồng thời bác bỏ toàn bộ nội dung bào chữa của các luật sư.

Ngày 28.5, phiên tòa xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank, cùng 27 đồng phạm về các hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại cho TrustBank hơn 6.362 tỉ đồng, bước sang tuần thứ 4 với phần đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) giữ quyền công tố tại tòa đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư (LS) trong vụ án.
Trong nội dung đối đáp, VKS đã bác bỏ toàn bộ 71 quan điểm của các LS bào chữa cho các bị cáo Hứa Thị Phấn, Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ... và một số bị cáo khác. Trước đó, các LS trong phần trình bày quan điểm bào chữa đã cho rằng cáo trạng truy tố không đúng với sự thật khách quan của vụ án.
Cáo trạng truy tố có cơ sở
Trước quan điểm của các LS (bào chữa cho Hứa Thị Phấn - PV) cho rằng việc định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch chưa đảm bảo tính khách quan, VKS cho biết Hội đồng định giá khẳng định: Tại thời điểm định giá, khu vực tài sản thẩm định giá có ít tài sản được giao dịch, giá giao dịch biến động nhiều, khả năng giao dịch thành công không nhiều, không có tài sản nào có giá trị tương tự để so sánh. Do đó, Hội đồng đã có sự điều chỉnh các yếu tố chênh lệch về quy mô, vị trí để định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch một cách phù hợp.
Trước quan điểm của một số LS cho rằng cáo trạng không chỉ ra được về mặt khách quan của tội phạm, là các bị cáo đã phạm hành vi nào trong cấu thành cơ bản của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, dẫn đến chưa thỏa mãn được các yếu tố cấu thành tội danh, VKS cho rằng khi viện dẫn hành vi khách quan, các LS chỉ nêu 3 hành vi là: vay, mượn, thuê tài sản của người khác. Nhưng còn một nội dung nữa trong hành vi khách quan nêu trong điều luật là “hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng”, các LS lại quên viện dẫn.
VKS nhấn mạnh: “Bị cáo Hứa Thị Phấn đã nhận được 1.260 tỉ đồng của TrustBank bằng hình thức hợp đồng chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Bị cáo Hứa Thị Phấn nâng khống giá trị căn nhà lên gấp 8 lần tức là hành vi "dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản”. 
Vì vậy, VKS khẳng định cáo trạng truy tố bị cáo Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm có hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (của chính bị cáo Phấn - PV) từ khoảng 154 tỉ đồng lên đến 1.260 tỉ đồng để bán cho TrustBank, gây thiệt hại cho ngân hàng (NH) này hơn 1.105 tỉ đồng, là có cơ sở.
Công ty Phương Trang nhận hơn 9.000 tỉ đồng?
Về quan điểm của các LS khẳng định Công ty Phương Trang đã nhận nợ hơn 9.000 tỉ đồng của TrustBank, không phải là 3.946 tỉ đồng như kết luận của cáo trạng, VKS cho rằng khi bào chữa, chính các LS liên quan đều bỏ qua, không đề cập đến các căn cứ chứng minh hành vi cố ý làm trái… được thể hiện trong kết quả điều tra, diễn biến tại phiên tòa.
Cụ thể, đối với ý kiến của LS Lưu Văn Tám (bào chữa cho bà Phấn) cho rằng, Công ty Phương Trang đã sử dụng trước các khoản tiền vay của nhóm Phú Mỹ (của bà Phấn) để đảo nợ vay, nên khi Phương Trang vay được tiền của TrustBank phải có nghĩa vụ trả lại cho bà Phấn.
VKS cho biết Cơ quan CSĐT đã xác minh tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho thấy giữa Công ty Phương Trang và ngân hàng này không phát sinh quan hệ tín dụng từ năm 2010 - tháng 2.2012.
Việc chứng minh về số tiền thực nhận của Công ty Phương Trang chỉ là hơn 3.946 tỉ đồng, VKS cho biết đã thực hiện phương pháp truy ngược dòng tiền để chứng minh từng khoản thu chi, cấn trừ dựa trên phiếu thu, phiếu chi, bảng kê thanh toán, ủy nhiệm chi… khống, không có việc giải ngân thật, là phù hợp.
Ngoài ra, theo VKS, tại tòa, các bị cáo liên quan cũng đều thừa nhận hành vi phạm tội trong việc thu chi khống và cấn trừ; quỹ tiền mặt thực tế của TrustBank tại thời điểm giải ngân thì phần lớn các khoản vay là không đủ để giải ngân theo chứng từ giải ngân thể hiện.
Đồng thời, theo biên bản làm việc với Hứa Thị Phấn, có sự tham gia của bị cáo Loan và LS của bị cáo Phấn trong các ngày 3, 4, 5 tháng 6.2015 và ngày 11.6.2015, bị cáo Phấn thừa nhận đã sử dụng gần 5.000 tỉ đồng. Trong đó, thu khống để nộp tiền vào tài khoản và mở sổ tiết kiệm, thu khống để nộp tiền vào tài khoản để tất toán các khoản vay của nhóm Phú Mỹ, thu khống để trả lãi trái phiếu cho Công ty Trường Vĩ, thu khống để hỗ trợ công đoàn cho TrustBank, thu khống để tất toán gốc và lãi cho 3 khoản vay của Công ty Phương Trang.
"Hứa Thị Phấn cho rằng việc sử dụng các khoản tiền này là do Công ty Phương Trang nợ nhưng lời trình bày của bị cáo lại không có chứng cứ chứng minh", VKS lập luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.