Đại biểu ‘truy khó’ chính quyền

 

Hàng rào chặn đường xuống biển của ViettinBank ở Quảng Trị - Ảnh: N.PhúcHàng rào chặn đường xuống biển của ViettinBank ở Quảng Trị - Ảnh: N.Phúc
Ngày 11.12, nghị trường đã nóng lên khi các đại biểu liên tiếp truy khó tại phiên chất vấn HĐND các tỉnh. Tại Quảng Trị, đại biểu Hoàng Thế (đại biểu của H.Gio Linh) đã “truy”: Vì sao UBND tỉnh chưa xử lý việc Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank) tự ý lập hàng rào bằng tôn cao hơn 2 m, dọc bờ biển thôn Thủy Bạn (xã Trung Giang, H.Gio Linh), chặn đường ra biển của người dân suốt hơn 3 năm qua (?). Giải trình trước HĐND, ông Đặng Trọng Vân, Phó giám đốc Sở TN-MT Quảng Trị cho hay, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao cho VietinBank tổng cộng 23 ha (trong đó 19 ha đất sản xuất, làm kinh tế còn 4 ha là đất rừng phòng hộ) để xây dựng khu khách sạn, nghỉ dưỡng.
Tại Quảng Bình, vấn đề ô nhiễm môi trường ở P.Bắc Lý (P.Đồng Hới, Quảng Bình) được đại biểu “xoáy” nhiều nhất, đặc biệt là nhà máy xi măng gây ô nhiễm. “Vấn đề di dời nhà máy xi măng, nói có lộ trình tôi thấy lộ trình gì mà ghê gớm vậy, đến 3 nhiệm kỳ rồi vẫn chưa di dời được”, đại biểu Hoàng Nhật (Đồng Hới) truy vấn. (T.Q.Nam)
Phía Vietinbank đã bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 3 tỉ, nộp lệ phí sử dụng đất hơn 2 tỉ. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 35 tháng nhưng chủ đầu tư mới làm được một việc duy nhất đó là... dựng một hàng rào bằng tôn cao hơn 2 m quanh khu đất án ngữ trước bãi biển. Ngày 3.11, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu VietinBank khẩn trương đầu tư và tháo dỡ hàng rào; phía ngân hàng đã cam kết sẽ tháo trong tháng 12 và triển khai dự án trong quý 2.2016. “Đến hạn mà VietinBank không thực hiện thì Sở sẽ lập hồ sơ trình UBND tỉnh thu hồi đất”, ông Vân nói.
Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cũng đứng ra khẳng định: “Tuần sau sẽ tháo hàng rào, đúng như cam kết của lãnh đạo Vietinbank với tôi cách đây mới 2 ngày tại Hà Nội. Tôi sẽ giao UBND H.Gio Linh kiểm tra, đôn đốc việc này”.
Cùng ngày, tại Quảng Nam: Phiên chất vấn gần như là cuộc đối thoại giữa đại biểu Nguyễn Văn Hùng (Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh) với các sở, ngành. Về khoản nợ ứng trước 37 tỉ đồng cho các đơn vị thi công khó thu hồi, theo ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng BQL khu kinh tế mở Chu Lai, do các thủ tục ký kết hợp đồng, ứng vốn xảy ra từ giai đoạn 2004-2005 nên bây giờ rất khó xác định trách nhiệm cá nhân vì nhiều cán bộ nghỉ hưu, chuyển công tác…
Tuy nhiên, BQL khu kinh tế mở Chu Lai cũng tích cực tìm mọi biện pháp thu hồi, đến ngày 7.12 khoản nợ tạm ứng giảm xuống còn hơn 25 tỉ đồng; địa phương cũng đưa vụ một doanh nghiệp nợ 5 tỉ đồng ra tòa. Dự kiến đến quý 1.2016 sẽ soát xét và báo cáo HĐND tỉnh về các khoản “không thể thu hồi”. Đáng chú ý, khi các cơ quan chức năng vào cuộc truy tìm, phát hiện có đơn vị thi công ghi địa chỉ “ma” ở TP.HCM.
Về các đơn vị sai phạm gần 35 tỉ đồng trong quá trình đầu tư xây dựng cầu Cửa Đại và khu tái định cư Tam Anh Nam theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng (áp giá sai đã làm tăng giá gói thầu gần 16 tỉ đồng, nghiệm thu sai gần 19 tỉ đồng), BQL khu kinh tế mở Chu Lai đã yêu cầu kiểm điểm và buộc các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục sai sót, tham mưu chủ đầu tư điều chỉnh lại hợp đồng để có cơ sở quyết toán công trình.
Ngoài ra, công trình nhà khách tỉnh Quảng Nam được đầu tư 178 tỉ đồng cũng bị “truy” về tính pháp lý liên quan đến chủ trương đầu tư, các quyết định phân bổ vốn, việc chuyển công năng từ nhà khách sang khách sạn…
Theo giải thích của ông Lê Phước Thanh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh thời điểm triển khai xây dựng nhà khách), việc đầu tư xây nhà khách là phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh lỵ Tam Kỳ thời điểm năm 2012, khi chưa có tổ hợp khách sạn Mường Thanh; đồng thời các trình tự, thủ tục và danh mục đầu tư đều đảm bảo tính pháp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.