Đại chiến ở Gdansk

10/06/2012 03:22 GMT+7

Chia tay nàng tiên cá Warsaw, chúng ta cùng lên phương bắc đón gió biển Baltic và xem trận đại chiến giữa hai gã khổng lồ.

Chia tay nàng tiên cá Warsaw, chúng ta cùng lên phương bắc đón gió biển Baltic và xem trận đại chiến giữa hai gã khổng lồ. 

Hội hè xuyên đêm

Tan trận khai mạc giữa Ba Lan và Hy Lạp, những cổ động viên áo đỏ, áo xanh rời Sân vận động Quốc gia. Cả thành phố Warsaw tràn ngập tiếng hát, tiếng thét và tiếng kèn. Đấy không phải là âm thanh của niềm vui chiến thắng, sau khi trận đấu kết thúc với tỷ số hòa. Âm thanh rộn rã giữa lòng Warsaw trong đêm hôm ấy xuất phát từ niềm phấn khích mà bóng đá mang lại.

 Đại chiến ở Gdansk
Cổ động viên Ý (phải) khởi động bằng trận đấu giao hữu với cổ động viên Tây Ban Nha tại khu Fan Zone  ở Gdansk - Ảnh: Đ.H

Nửa đêm, vẫn còn lưu luyến lắm, nhưng tôi phải rời quảng trường trung tâm lổn nhổn vỏ chai bia, ly nhựa để lên tàu, giữa lúc không khí hội hè vẫn còn bao trùm. Chuyến tàu đêm InterCity đưa tôi ngược lên miền bắc, đến bờ biển Baltic lộng gió, đến thành phố cảng Gdansk. Đó là chuyến tàu tăng cường phục vụ dịp Euro 2012. Tàu chật cứng người, đa phần là cổ động viên bóng đá không mua vé.

Trên chuyến tàu xuyên đêm, tôi đã thức cùng những cổ động viên Ba Lan say khướt, do rượu bia và vì bóng đá. Những chuyến tàu xe xuyên đêm trong mùa bóng đá là trải nghiệm khó quên đối với nhiều người. Bản thân tôi, từng trải qua những hành trình như thế, ở Đức năm 2006, ở Áo và Thụy Sĩ năm 2008, ở Nam Phi năm 2010 và bây giờ ở đất nước Ba Lan này. Thế nên, cảm giác đầu tiên mà tôi có được là như vừa trở về một chốn thân quen, dù ở giữa những người lạ mặt. Con người ta đôi khi có những e dè, nhưng có chút men, và đặc biệt là trong một khung cảnh đậm đặc bóng đá, thì những con người xa lạ đều xích lại gần nhau, mở tấm lòng với nhau, và coi nhau như bạn bè. Chúng tôi đã có những tình bạn trong đêm hôm ấy, dẫu ngắn ngủi nhưng thật khó quên. 

Đại chiến bên bờ biển

Buổi sáng, tôi bị đánh thức bởi lời thông báo tàu đang tiến vào thành phố Gdansk nằm bên bờ Baltic, nơi con sông Vistula hòa vào biển cả. Tôi, một người từ phương xa đến không cưỡng lại được sự tò mò thích thú, cứ nhoài người ra ngắm thành phố qua ô cửa. Không có nhiều người và xe cộ trên đường. Thành phố biển vẫn còn ngái ngủ sau một đêm dài thức cùng bóng đá.

Ra khỏi nhà ga, thứ đầu tiên mà tôi chạm phải là vị mặn của biển. Gió từ ngoài khơi Baltic thổi vào, mang theo hương vị của biển khơi. Trước sân ga nhỏ, tôi gặp cụm tượng đài bé xíu, nhắc đến sự kiện những em bé Do Thái được đưa sang Anh từ cảng Gdansk vào năm 1939, để trốn tránh thảm họa phát xít. Ở đất nước Ba Lan, mỗi bước đi bạn đều gặp những dòng lịch sử, ở chốn Gdansk này cũng thế.

Tôi đến đây, cũng để chứng kiến một dấu mốc lịch sử mới của thành phố, khi trái bóng Tango 12 lăn trên sân đấu lộng lẫy nằm bên bờ biển mênh mông. Không phải tôi đại ngôn khi gọi những trận bóng là sự kiện lịch sử, chính cựu danh thủ Ba Lan Zbigniew Boniek đã khẳng định rằng Euro 2012 là mốc lịch sử của đất nước. Khẩu hiệu của mùa hè bóng đá, mà ta có thể gặp khắp nơi tại Ba Lan, là “Cùng nhau, chúng ta tạo nên lịch sử”.

Vào hôm qua, tại Gdansk, tôi đã được gặp những con người có sứ mệnh làm nên lịch sử. Họ là những người dân mến khách miền duyên hải, hay những đoàn cổ động viên đến từ khắp nơi trên thế giới, tụ hội về đây để xem trận đấu giữa hai gã khổng lồ: Ý và Tây Ban Nha. Tại khu quảng trường trung tâm, một trận đấu bóng sôi nổi đã diễn ra giữa những người hâm mộ Ý và Tây Ban Nha. Nhiều bàn thắng được ghi và những âm thanh sảng khoái không ngừng vang vọng. Ngày hội Euro đâu chỉ có những trận bóng đá chính thức. Ngày hội ấy còn là những hình ảnh vui tươi này. Hôm qua, tôi cũng đã gặp những nhân vật chính của mùa hè lịch sử, các cầu thủ Tây Ban Nha và Ý trong buổi tập làm quen với mặt sân Gdansk (Arena Gdansk).

“Chưa bao giờ Gdansk lại có một trận đấu lớn như thế. Hẳn nhiên, đấy sẽ là trận đấu hấp dẫn. Và tất cả mọi người sẽ có một ngày ngất ngây”, anh Staniewski nói với tôi, khi đang cùng vợ và con đi dạo quanh sân Gdansk. Sân đấu này nhìn bề ngoài như một chiếc bánh giày, cùng mô típ với sân Soccer City ở Nam Phi và Allianz Arena ở Đức. Dưới ánh nắng nhạt buổi ban mai, sân bóng hiện lên rực rỡ. Về đêm, khi những trận đấu diễn ra, chiếc bánh giày sẽ lung linh sắc màu. Từ khi được xây dựng xong vào giữa năm 2011, sân đấu đã trở thành biểu tượng mới của thành phố, một địa chỉ cuốn hút người dân địa phương và du khách, cùng với những địa chỉ của quá khứ, như khu phố cổ, như xưởng tàu Gdansk từng chứng kiến những đổi thay lịch sử.

Rất nhiều cổ động viên Tây Ban Nha và Ý dường như không thể chờ đợi thêm nữa. Họ kéo đến quanh sân Gdansk vào hôm qua, cùng hét hò và ca hát. Không khí hội hè cứ chực chờ bùng nổ. “Ý là đội cực mạnh. Nguy hiểm nhất là Balotteli. Chúng tôi phải làm việc cật lực mới vượt qua họ”, anh Savio đến từ Barcelona nói. Savio và những người bạn của mình đến Gdansk bằng đường hàng không, mới đáp xuống sân bay Lech Walesa đã vội vã chạy thẳng lên sân vận động. Tôi hỏi Savio rằng Mario Balotteli nguy hiểm là thế, thì người Tây Ban Nha làm thế nào để chặn anh ta. Một câu trả lời rất Tây Ban Nha bật ra gần như ngay lập tức: “Chúng tôi sẽ tấn công và tấn công. Người Ý sẽ phải chống đỡ và họ không có cơ hội tiếp cận khung thành chúng tôi”, Savio nói, và khi tôi hỏi anh đặt kỳ vọng vào ngôi sao nào của đội tuyển quê nhà, anh chìa lưng áo ra, nơi đó có một cái tên không lẫn vào đâu được: Iniesta. Đến nay, tôi vẫn chưa quên cảm xúc của mình khi đứng trên khán đài sân Soccer City chứng kiến Iniesta ghi bàn trong trận chung kết World Cup 2010.

Chia tay những cổ động viên cuồng nhiệt với niềm tin vững chắc vào chiến thắng của đội nhà, chúng tôi dạo một vòng quanh Gdansk để chiêm ngưỡng thành phố và hít thở không khí biển cả. Gdansk hôm qua lộng gió. Gdansk hôm nay càng lộng gió hơn, khi một cuộc chiến bão bùng diễn ra trong lòng thành phố, giữa hai gã khổng lồ Ý và Tây Ban Nha.

Đỗ Hùng
(Từ Gdansk, Ba Lan)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.