'Đại công trường' phá sông Hương

27/07/2015 04:17 GMT+7

Nạn khai thác cát trái phép đang bùng phát trở lại ở thượng nguồn khiến dòng sông Hương (Thừa Thiên-Huế) đỏ ngầu và ô nhiễm.

Nạn khai thác cát trái phép đang bùng phát trở lại ở thượng nguồn khiến dòng sông Hương (Thừa Thiên-Huế) đỏ ngầu và ô nhiễm.

Một thuyền hút cát trộm ngay giữa lòng sông đoạn thôn Võ Xá (xã Thủy Bằng) - Ảnh: B.N.L

Nếu ai có dịp ngược dòng sông Hương sẽ cảm thấy vô cùng đau lòng bởi dòng sông huyền thoại ấy đang bị sục sạo từng ngày, nước sông đỏ quạch một màu bùn đất. Ngày 25.6, PV Thanh Niên có chuyến khảo sát ngược dòng của nhánh Tả Trạch và tận mắt chứng kiến hoạt động khai thác cát sạn trái phép diễn ra ồ ạt tại nhiều điểm ở các thôn Dạ Khê, Võ Xá, Vỹ Dạ (xã Thủy Bằng) và thôn Hạ, thôn Buồn Tằm (xã Dương Hòa), thuộc TX.Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Khai thác... vượt phép
Đáng chú ý nhất là đại công trường với hàng chục phương tiện máy móc, tàu hút cát, xà lan… cày xới ầm ầm lòng sông tại mỏ cát sạn bãi bồi thôn Hạ (giáp ranh giữa thôn Vỹ Dạ, xã Thủy Bằng và thôn Hạ, xã Dương Hòa).
Đây là khu vực mỏ được UBND tỉnh cấp phép cho hai doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tuyết Liêm và Phú Vĩnh khai thác cát sạn. Thế nhưng, thực tế hai DN này khai thác lấn ra ngoài khu vực được cấp phép. Năm 2014, DNTN Tuyết Liêm đã bị đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh lập biên bản và xử phạt hành chính. Còn hiện tại, DNTN Phú Vĩnh cũng đang lặp lại vi phạm tương tự. Ông Lê Văn Thức, Phó chủ tịch UBND xã Dương Hòa, cho biết xã đã nhiều lần kiểm tra và phát hiện DNTN Phú Vĩnh không chấp hành giấy phép, khai thác vượt ra ngoài phạm vi của khu mỏ được cấp, khai thác vào tận bờ làm sạt lở đất sản xuất của người dân. UBND xã đã nhiều lần mời lên xử lý nhưng chủ DN này không chấp hành.
Cùng với "đại công trường" khai thác ngày đêm ở bãi bồi thôn Hạ, các thuyền hút cát lẻ cũng lợi dụng đêm tối và những lúc không có lực lượng kiểm tra đã ngang nhiên cắm vòi xuống lòng sông, hút trộm cát trắng trợn. Ông Thức cho biết mới đây UBND xã đã thành lập đoàn kiểm tra nhưng không hiểu vì sao mỗi khi đi kiểm tra thì không phát hiện, khi đoàn không đi thì lại xuất hiện tình trạng khai thác cát, sạn trộm trở lại. "Chúng tôi đang soát xét lại các thành viên của đoàn, vì nghi ngờ có thông tin rò rỉ xuất phát từ trong đoàn ra ngoài", ông Thức nói.
Bà Nguyễn Thị Mặng (ở thôn Hạ, xã Dương Hòa) ngao ngán: “Tại các khu vực sông giữa thôn Buồn Tằm và thôn Hạ, cứ 1 - 2 giờ sáng cũng có các tàu đến khai thác cát sạn trộm. Những người già như chúng tôi không đêm nào ngủ được vì tiếng ồn của những tàu khai thác cát, sạn chạy ầm ầm. Từ xưa đến nay dòng sông Hương là nơi tắm giặt, gánh nước để uống và sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, bây giờ các bến sông quê đều mất dấu, không ai dám xuống tắm trong dòng nước đỏ quạch bùn đất ấy nữa”.
Dòng sông ô nhiễm cũng đã làm hàng trăm hộ dân hai bên bờ thuộc các thôn Hộ, Buồn Tằm (xã Dương Hòa), Tân Ba, Vỹ Dạ, Võ Xá, Dạ Khê (xã Thủy Bằng) không có nước uống và sinh hoạt.
Hoạt động khai thác cát sạn của DNTN Phú Vĩnh gây nguy cơ sạt lở đã bị lập biên bản đình chỉ nhưng vẫn khai thác ồ ạt

Chính quyền xã “không đủ mạnh”
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đỗ Văn Duy, cán bộ địa chính và xây dựng của UBND xã Thủy Bằng, phân trần: “Lực lượng chính quyền xã thì mỏng, địa bàn lại rộng, thẩm quyền không đủ mạnh lại không có phương tiện nên rất khó xử lý tình trạng khai thác cát sạn trái phép. Trong khi đó, hoạt động khai thác trái phép ngày càng tinh vi. Các thuyền hút cát trang bị máy móc với công suất rất lớn. Buổi tối hoặc ban ngày, lợi dụng những lúc vắng người, các chủ thuyền này chỉ cần cắm ống hút xuống lòng sông trong vòng 2 tiếng đồng hồ là đã có đầy thuyền cát để về. Trước đây, người dân còn là tai mắt của chính quyền nhưng bây giờ không ít người vì lợi đã tiếp tay cho hoạt động trái phép này. Nhiều đêm chúng tôi tổ chức mật phục, nhưng khi nghe động, lập tức các thuyền tắt máy dời đi nên đành chịu”.
Ông Duy cho biết thêm, vừa qua UBND xã Thủy Bằng cũng đã có tờ trình kiến nghị UBND TX.Hương Thủy lập đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý, vì thẩm quyền của xã chỉ được phạt tối đa 4 triệu đồng và tịch thu phương tiện dưới 100 triệu đồng, nên “không đủ mạnh” để hạn chế tình trạng này. Đáng nói là ngoài hoạt động khai thác cát sạn trái phép trên sông, trên địa bàn hiện có 3 bãi tập kết vật liệu không phép, UBND xã đã lập biên bản, xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động. Các hộ vi phạm cam kết sẽ chấm dứt hoạt động, nhưng thực tế thì vẫn hoạt động.
Tỉnh chỉ đạo cũng chẳng ăn thua !
Trước tình trạng khai thác cát sạn trái phép tái diễn và diễn biến phức tạp, ngày 30.5.2015, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Tài chính, Sở TN-MT, UBND các huyện, thị xã và TP.Huế tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát sạn trái phép; Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng khai thác cát sạn trái phép, đồng thời chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát sạn trái phép tại địa bàn mình quản lý.
Văn bản đã ban hành, còn trên thực địa khi PV Thanh Niên có mặt, hoạt động khai thác cát sạn trái phép vẫn ngang nhiên lộng hành mà không hề thấy bóng dáng của một đơn vị chức năng nào đến xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.