Đại hạ giá mùa Covid-19, ô tô cũ vẫn vắng khách mua

Gia Linh
Gia Linh
10/09/2021 11:36 GMT+7

Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũ gần như "đóng băng", cả tháng không bán được xe nào. Gánh nặng nợ ngân hàng mỗi tháng trôi qua vắt kiệt tài chính của những salon ô tô không có sẵn nguồn vốn.

Thị trường ô tô đang chịu tác động của đà sụt giảm chung của nền kinh tế. Với mảng kinh doanh xe cũ, thời gian thực hiện giãn cách ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM khiến hoạt động mua bán, giao dịch gần như "đóng băng", có nơi cả tháng không bán được chiếc nào. Nơi bán được vài chiếc thì phải chịu cảnh khách hàng giữ lại một số tiền để chờ rút hồ sơ, công chứng sang tên khi hết giãn cách.
Hoạt động mua bán chậm lại khiến các chủ đại lý kinh doanh ngần ngại nhập xe, thậm chí không còn mặn mà tìm xe để mua. Các cá nhân sở hữu ô tô nếu gặp khó về tài chính trong mùa dịch bệnh này cũng khó bán được xe dù "đại hạ giá", thấp hơn cả giá mua thông thường của các salon buôn bán ô tô cũ. 

VIDEO: 5 điểm nhấn trên thị trường ô tô Việt Nam nửa đầu năm 2021

Ở thị trường xe mới, nhiều hãng xe liên tục tung ra ưu đãi, giảm giá để kích cầu trong giai đoạn này. Điều đó cũng tác động mạnh đến thị trường xe cũ. Nguồn cung ô tô đã qua sử dụng tăng mạnh so với năm ngoái do lượng hàng tồn kho nhiều. Cụ thể, số lượng xe đăng bán trên một kênh mua bán trực tuyến tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, những năm trước giao dịch mua bán xe cũ rât sôi động thời điểm sau Tết Nguyên đán, năm nay nhiều lĩnh vực kinh tế bị tác động, thu nhập bị ảnh hưởng, vì vậy lượng khách mua xe đi lại hay phục vụ kinh doanh sụt giảm.
Trước tình thế đó, nhiều cửa hàng kinh doanh xe cũ chỉ tập trung bán hàng sẵn có, hạn chế không “ôm hàng" mới. Đồng thời, để đảm bảo dòng tiền kinh doanh, nhiều chủ cửa hàng xe cũng mạnh tay giảm giá các mẫu xe phổ biến để kích cầu, mặc dù giá ô tô cũ cuối năm 2020 đã giảm giá kịch sàn. Trước kia, giảm giá trên thị trường xe cũ diễn ra mạnh ở dòng xe hatchback và sedan, nhưng nay chuyển sang cả xe SUV, MPV từ 5 đến 7 chỗ. 

Nhiều mẫu xe đang "đại hạ giá" so với 2-3 tháng trước nhưng vẫn không có khách mua

Quan sát nhiều mẫu tin đăng bán xe cũ gần đây, hầu hết xe giảm giá ít nhiều tùy vào từng phiên bản, đời xe và tình trạng xe. Những mẫu xe dân dụng phổ biến nhất như KIA Morning, Hyundai Grand i10 hay các mẫu xe SUV và MPV của Toyota giảm giá trung bình từ 30 - 80 triệu đồng so với thời điểm 2 tháng trước Tết.
Chẳng hạn như, KIA Morning được nhiều người Việt ưa chuộng bởi thiết kế nhỏ gọn, di chuyển linh hoạt, giá mềm bán ra với mức giảm kịch sàn. Cuối năm ngoái, mức giá phổ biến của KIA Morning phiên bản số sàn 12.25 AT đời 2016 vào khoảng 305 triệu đồng, nay bán lại với giá dưới 280 triệu đồng nhưng không tìm được người mua.

Nhu cầu sử dụng xe chạm đáy trong thời gian giãn cách xã hội khiến thị trường xe cũ đóng băng

Toyota Fortuner - một trong những mẫu xe đa dụng 7 chỗ bán chạy nhất phân khúc nhiều năm liền, có tính thanh khoản cao và giữ giá cực tốt, hao hụt mỗi năm từ 20 - 50 triệu đồng, đặc biệt ở phiên bản số sàn 2.5G. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mẫu xe này cũng phải giảm giá 30 -50 triệu đồng so với thời điểm 2 tháng trước.
"Ở thời điểm hiện nay, cả giá nhập xe và bán ra đều giảm trung bình khoảng 10%. Đối với những xe đã nhập trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, anh em chấp nhận cắt lỗ để thu hồi vốn. Nếu không thì chỉ có nước chờ hết 15 ngày giãn cách rồi tính tiếp", anh Cương, đại diện Chợ ô tô Việt Nam trên đường Phạm Hùng cho biết.

VIDEO: Thị trường ô tô Việt 2020: Một năm ‘lạ kì’, nhiều điểm sáng thú vị

Với các showroom ô tô nhập khẩu, khó khăn ngày càng thêm lớn và nan giải. Khách hủy đặt xe tại showroom này rất nhiều. Nhiều trường hợp khách hàng đặt cọc 200 - 300 triệu đồng để lấy xe, nhưng khi xe về đến Việt Nam thì khách báo không nhận bởi dịch bệnh nên không đủ tiền. Trong những trường hợp này, có khách gửi xe lại showroom nhờ bán giúp, có khách thậm chí chấp nhận bỏ cọc. 
Khách bỏ cọc hay gửi xe nhờ bán hộ thì cũng khiến showroom phải "ôm" xe. Mỗi chiếc xe có giá vài tỉ đồng dẫn đến tồn đọng vốn lớn khó giải quyết. Nếu không dày vốn mà còn phải đi vay ngân hàng nữa thì sẽ lâm vào tình cảnh khốn đốn.

Các showroom kinh doanh xe nhập khẩu/xe sang phải "ôm" hàng, mỗi chiếc trị giá hàng tỉ đồng gây áp lực kinh tế lớn nếu phải vay ngân hàng

Một đại diện showroom kinh doanh xe sang đã qua sử dụng cho biết, trước đây showroom này mỗi tháng bán ra hàng chục xe hạng sang, trong đó có những mẫu xe rất hút khách và liên tục cháy hàng, chẳng hạn như chiếc Mercedes-Benz C250 Exclusive màu trắng, nội thất màu kem có giá trên dưới 1,3 tỉ đồng. Nhưng hiện tại, đến một khách đặt xe cũng không có.
Tại TP.HCM, tình trạng ô tô cũ "đóng bụi" còn nghiêm trọng hơn trong thời gian giãn cách xã hội. Người dân hầu hết đều ở nhà, không có nhu cầu sử dụng ô tô nên gần như không quan tâm đến việc mua xe di chuyển trong thời gian này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.