Đại La, nước mắt chưa khô

15/10/2006 10:00 GMT+7

Từ đình Đại La hàng trăm năm tuổi, xe chúng tôi chạy dọc con đèo. Không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn. Nát vụn! Tan hoang!

1. Những lốc xoáy của bão Xangsane sau khi lọt thỏm vào thung lũng này đã trở thành chiếc cối xay ác nghiệt, xay nát hầu hết những gì trên đường nó đi qua dưới khung trời trống hoác. Bốn bề núi, đã gần trăm năm lương dân trên đèo sống bình an, hòa hiếu. Nào ngờ, chính thế đất này đã biến những công trình, thành quả một đời của họ thành miếng mồi ngon của cơn bão phương xa.

Đèo Đại La. Thôn Đại La. Vẫn còn đó con người nhưng không nghe tiếng. Vẫn còn đó cánh cò nhưng xác xơ, hoang vắng. Cò không vỗ cánh và người không nói. Thảng thốt. Bàng hoàng. Câm lặng. Cả đất trời như nhuốm màu tang trắng. Đã 13 ngày sau bão mà chừng như mới hôm qua. Vết tang thương vẫn tươi ròng... Đèo Đại La! Ừ! Đèo Đại La! Thuở nhỏ tôi từng nghe ba tôi nhắc tên đèo. Thời thuộc Pháp bao người phu phen, bỏ xác. Thời Cần lao, lại bao người bị đi đày An Ngãi, Tùng Sơn. Rồi Đại La mờ thẫm khuất xa sau bao dãy núi. Tưởng trong đời chẳng bao giờ tôi đến. Nay đèo đang ở dưới chân, sao đèo và tôi buồn thảm thế này?


Nhà xây đổ sập, nhà tạm mọc lên - Ảnh: Tuấn Nghĩa

2. Tuột xuống từ đỉnh trụ điện, anh Hà, công nhân Chi nhánh điện 2 Điện lực Đà Nẵng: “Không còn gì để đếm. Nhà sập hết rồi. Chẳng khác bom rải thảm”. Thầy lang Võ Hồng Sơn, 85 tuổi, từ xa tìm lên thăm bạn: “Trong đời, chứng kiến hai trận lớn: lụt Nhâm Thìn và bão Bính Tuất, cách 43 năm”. Trưởng thôn Trần Kim Toàn, chôn nhau cắt rốn năm 1945 tại đỉnh đèo: “Cả thôn sập nát 140 nhà, tốc hết mái 90, số còn lại thì sứt sỉa. Tội nhất là những gia đình mẹ góa, con côi. Đã không có đàn ông trong nhà, nay cũng không còn nhà, phải chui vô rúc ra dưới mấy tấm tôn cũ rách”.

Con số thống kê đến chiều 13/10 của UBND xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng): 538 nhà sập đổ hoàn toàn, 683 nhà tốc mái hoàn toàn, 869 nhà tốc mái và sập đổ một phần. Tổng số nhà thiệt hại: 2.090/2.409 nhà. Về người: 2 chết, 14 bị thương. Tổng giá trị thiệt hại ban đầu: 62,7 tỷ đồng - chưa tính những thiệt hại dắt dây của mỗi gia đình và các cơ sở cộng đồng. Chủ tịch UBND xã miền núi Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) Nguyễn Văn Vĩnh kêu gọi: “Trong lúc khó khăn hoạn nạn này, nhân dân Hòa Sơn thiết tha kính mong sự hỗ trợ của quý cơ quan, quý tấm lòng vàng để giúp bà con sớm khắc phục cảnh màn trời chiếu đất, nhanh chóng vượt qua những gieo neo, vất vả...”. Điện thoại trực tiếp: (0511) 793 029 - 0905 124 345.

Do phần lớn nhà nằm dọc hai bên đèo nên cảnh đổ nát liên tục đập lên võng mô, nhức mắt. Không cần phải tư duy gì về cơn bão, không cần phải phỏng vấn, hỏi han về hậu quả. Hầu như tiếng nói ở đây, lúc này, xa xỉ và thừa. Đồng nghiệp Trung Sơn sau một vòng xe gắn máy: “Không còn chi hết!”. Phóng viên Tuấn Nghĩa nâng máy quay phim mà tay cứ run lên. Ông trưởng thôn nói: “Cái bà con đang cần nhất là tinh thần”. Tôi không hiểu kịp, ông lặp lại: “Tinh thần. Sự an ủi tinh thần. Khủng hoảng”. Tất nhiên, gạo, mì, tôn, đinh, xi măng, cây, gỗ cũng rất cần nhưng dường như gần 2 tuần sau trận bão kinh hồn bà con vẫn chưa kịp hoàn hồn. Hèn gì trước đó ở Hòa Khê, bà mẹ góa Lê Thị Hoa cứ cười cười trước đống vụn nát từ hai ngôi nhà gạch của bà và con gái. Bà nói: “Bão ni là bão Xong Xuôi. Mất hết rồi thì biết làm chi nữa”. Cả gia đình bà có 5 người, trong đó có 3 con và 1 cháu ngoại, đã nhiều đêm rồi chen chúc trong bóng đêm và giá rét, trên chiếc giường ba bề bốn phía là tôn đi nhặt. Bão Xangsane thật khủng khiếp, ít nhất trên mảnh đất vốn là nền nhà tươm tất của bà Hoa. Những gì trên cao bị nó cuốn sạch đã đành. Đến cả cái miệng giếng xi măng vốn khiêm tốn nằm sát đất, bão cũng không tha, đánh vỡ hơn nửa phần, nham nhở. May mà bên dưới còn có nước. Nước lẫn những mảnh vụn của ngôi nhà. Nước lẫn với nước mắt của người khi soi thấy mặt người còn sống. Như bà Hoa, khóc đến khô hai hốc mắt, lại cười cười. Khi chúng tôi chụp ảnh bà cũng cười cười! “Tinh thần! Bà con đang cần sự an ủi tinh thần!”. Tôi chợt hiểu những gì ông trưởng thôn đã khó khăn diễn đạt.


Thẩn thờ bên đống gạch vụn vốn là nhà - Ảnh: Tuấn Nghĩa


Trưởng thôn Đại La Trần Kim Toàn - Ảnh: Tuấn Nghĩa

Tôi ít khi thấy đàn ông khóc, ngoại trừ khoảnh khắc tự biết khi mẹ tôi qua đời trước đôi mắt nhòa lệ của tôi. Vì vậy, tôi đã cố dằn lòng ghê gớm khi anh Phạm Trường Nhân ở đầu thôn Hòa Khê chỉ tay xuống nơi đứa con gái 10 tuổi của anh lìa đời ngay khi bão đến. Bức tường do tay anh tô, dựng đã bị bão quất sập, đè nát chính núm ruột của anh. Đó là cháu Phạm Trường Tú Uyên, xinh gái, học sinh xuất sắc lớp 4 trường tiểu học số 1 xã Hòa Sơn. Trước bão một hôm cháu còn chạy nhảy, học bài. Nay, cháu chỉ là di ảnh trong khói nhang và trong tiếng kinh cầu xứ Phật. Nhắc đến cháu, vợ chồng anh Nhân lại rơi nước mắt. Đã 13 ngày, nước mắt đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa khô. Sau bão, một số cá nhân, đơn vị đã đến thăm hỏi, động viên nhưng dường như họ không nhớ nỗi điều gì ngoài nỗi mất con! “Anh sẽ bắt đầu lại cuộc sống thế nào?”. Tôi cố hỏi. Anh Nhân bần thần: “Không biết. Chừ như ri, tui không biết!”. Chị Lê Thị Dự, vợ anh rưng rức khóc: “Vợ chồng mồ côi, đâu biết nhờ ai. Tui thương con. Trời ơi! Tui thương con tui biết mấy!..”.


Đã 13 ngày nước mắt của mẹ cháu Tú Uyên vẫn chưa khô - Lê Tuấn

3. Không thể cầm lòng nhưng rồi chúng tôi cũng phải rời khỏi Đại La. Một chiếc xe bò đang được chiếc Honda nhập cảng từ 1968 kéo chở cây lên đỉnh dốc. Một đàn gà đang cục ta cục tác trong chiều. Chợt bắt gặp ở cuối thôn Hòa Khê, chị Đỗ Thị Ba đang lúi húi với đống nhánh cây chổi khô chụm bếp. Cái bếp trong căn nhà xây giờ đây lồng lộng dưới trời. Cạnh chị là bịch ny lông toàn rau và chút mỡ. Không thấy thịt, cá đâu. Mấy con chị đang phơi lại mấy cuốn tập, sách ướt. Trường đã tốc mái nhưng các cháu vẫn phải đuổi cho kịp chương trình cả nước. Và từ một đầu đất nước, đoàn thanh niên tình nguyện của TP.HCM đã về đây khám bệnh, cấp thuốc hôm kia. Cũng như nhóm thanh niên tình nguyện MPA miền Trung đã 3 ngày dang nắng, dầm mưa dựng lều tôn cho dân ở Đại La. Họ có 40 thành viên. Qua mạng internet, MPA đang kêu gọi các bạn thanh niên đến giúp đồng bào vùng bị bão. “Dẫu thế nào, cuộc sống vẫn không ngừng. Dẫu thế nào, người Đại La cũng phải sống. Phải tái tạo mọi chuyện, mọi điều dù bắt đầu từ những số không”. Trưởng nhóm Nguyễn Duy Tuấn nói. Tôi thật sự muốn ở lại một đêm cùng họ. Nhưng rồi do công việc, tôi phải tạm biệt Đại La. Đêm ở đó, tôi hình dung, bao nhiêu con người rét run trong mưa xiên, gió tạt. Đêm ở đó, dù điện đã xuống dòng trung thế nhưng theo ông thôn trưởng phải còn khá lâu mới có điện sáng cho dân. Điều ông nói, cũng giống như một số hộ vừa được tặng chục tấm tôn nhưng họ không biết lấy chi để dựng lại nhà như cũ. “Phải ít nhất 10 năm nữa cuộc sống ở Đại La mới bằng trước bão. Dân làm nông mà chừ gạo cũng phải mua...”, Trưởng thôn nói.

Để tiếp tục liên lạc, tôi hỏi đường điện thoại, ông dứt dạt: “Làm chi có!”. Giọng ráo hoảnh, tôi nghĩ ông là người đàn ông, là người con của Đại La, không thể và cũng không được khóc.


Đến cái giếng cũng không nguyên vẹn - Ảnh: Tuấn Nghĩa


Điện trung thế được phục hồi chiều 12/10 tại đèo Đại La - Ảnh: Tuấn Nghĩa

Đ.N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.