Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc: Trung Quốc phải rút giàn khoan

11/06/2014 11:35 GMT+7

(TNO) Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), ngày 10.6 yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và trên 100 tàu khỏi vùng biển Việt Nam.

(TNO) Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), ngày 10.6 yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) và trên 100 tàu khỏi vùng biển Việt Nam.

 
Giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam - Ảnh: Reuters

Đại sứ Trung cũng thúc giục Trung Quốc đối thoại để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 11.6.

Bất chấp kêu gọi từ phía Việt Nam, Bắc Kinh đã  từ chối đối thoại và còn ngang ngược khẳng định khu vực xung quanh giàn khoan trái phép là thuộc chủ quyền của mình, ông Trung cho biết.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều đem vấn đề giàn khoan Hải Dương-981 ra LHQ. Việt Nam cũng đang cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Vào ngày 9.6, Phó đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wang Min đã gửi một “bản tuyên cáo lập trường” lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon về giàn khoan Hải Dương-981, ngang ngược nói Việt Nam xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Giàn khoan Hải Dương-981 nằm tại vị trí cách quần đảo Hoàng Sa 32km và cách bờ biển Việt nam 278km. Tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm húc, bắn vòi rồng vào tàu lực lượng chấp pháp Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực đặt giàn khoan, vốn thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Đại sứ Trung cho rằng Việt Nam có các cơ sơ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại khu vực mà Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel ngày 10.6 cho biết mặc dù Mỹ không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, nhưng Việt Nam từ lâu đã tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.

Hơn nữa, Việt Nam lâu nay đã thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực mà Việt Nam chính thức tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế tính từ đất liền, theo ông Russel.

Ông Russel cũng cho rằng để hạ nhiệt căng thẳng, biện pháp đầu tiên cần thực hiện  là “Trung Quốc nên rút giàn khoan”.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc từ chối đối thoại là khiêu khích và cực kỳ quan ngại, Đại sứ Trung nói.

“Chúng tôi không muốn khiêu khích trong vấn đề này. Chúng tôi muốn đối thoại hoặc bất kỳ các biện pháp hòa bình nào để giải quyết vấn đề”, ông Trung cho hay.

“Đến nay chúng tôi vẫn kiềm chế, nhưng tất nhiên, cũng giống như các quốc gia khác, chúng tôi có quyền phòng vệ”, theo Đại sứ Trung.

Ngày 10.6, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết cơ quan này sẽ làm trung gian hòa giải trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Ông Dujarric kêu gọi hai bên giải quyết các vần đề tranh chấp lãnh thổ thông qua các biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp.

Tờ The Diplomat ngày 10.6 nhận định sở dĩ Trung Quốc đưa vấn đề giàn khoan ra LHQ là vì Bắc Kinh lo ngại bị Việt Nam và các nước trong khu vực làm đơn kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý ra tòa án quốc tế.

Phúc Duy

>> Tạp chí The Diplomat: Trung Quốc sợ bị Việt Nam kiện ra tòa án quốc tế
>> Trung Quốc đẩy báo cáo vu khống Việt Nam lên Liên Hiệp Quốc
>> Vụ giàn khoan Hải Dương-981: Mỹ ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
>> Báo Hồng Kông: Nhật có thể cùng Việt Nam, Philippines đối phó Trung Quốc
>> Mỹ lập khối đồng minh mới đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông
>> Philippines: Trung Quốc tiếp tục khiêu khích để thực hiện kế hoạch bành trướng biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.