|
Mở đầu buổi họp báo, đại tướng Dempsey nhấn mạnh: “Trong chuyến thăm lần này, tôi đã nói với người đồng cấp Việt Nam của mình là cách đây 44 năm (năm 1970, thời ông Dempsey bắt đầu học tại Trường võ bị West Point - PV), tôi không thể nào hình dung được ngày hôm nay tôi lại có mặt tại đây, và có những cuộc đối thoại với những chủ đề hoàn toàn khác so với thời chiến”.
Ông Dempsey nói tiếp: “Thử thách hiện nay của chúng ta là hình dung về 45 năm tiếp theo quan hệ của hai nước sẽ như thế nào, nhưng chúng ta buộc phải hình dung về nó. Đó là lý do vì sao tôi có mặt ở đây. Việc tôi đến thăm Việt Nam cũng là một trong năm hoạt động hai bên đã thỏa thuận trong biên bản ghi nhớ năm 2011 nhằm tăng cường quan hệ quân sự.
Đại tướng Dempsey sau đó đã dành thời gian trả lời câu hỏi của báo giới. Thanh Niên Online trích lược ghi.
* Tuổi Trẻ: Trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN diễn ra tại Myanmar hồi tuần rồi, Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của Mỹ kêu gọi các bên có tranh chấp tại biển Đông tự nguyện ngừng các hành động gây hấn. Washington sẽ có phản ứng gì tiếp theo trước động thái này của Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực?
- Quyết định của Trung Quốc không chấp nhận một đề xuất hợp lý như thế là một tín hiệu không may mắn cho [an ninh] khu vực và cả toàn cầu. Phần thứ hai của câu hỏi liên quan đến việc Mỹ sẽ phản ứng như thế nào, theo tôi, là không đúng trọng tâm. Tôi nghĩ câu hỏi nên là cả khu vực sẽ phản ứng như thế nào trước động thái trên của Bắc Kinh. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp biển Đông nhưng chúng tôi rất quan tâm về kết quả xung quanh tranh chấp. Và lẽ dĩ nhiên, không ai mong đợi nhìn thấy kết quả là việc sử dụng vũ lực. Mỹ cam kết trở thành một đối tác của một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và thịnh vượng. Chúng tôi đều thống nhất rằng, trước những diễn biến mới nhất trên biển Đông, câu hỏi phù hợp là cả ASEAN sẽ phản ứng như thế nào, hay các quốc gia liên quan sẽ hợp lực có những phản ứng mạnh mẽ hơn như thế nào. Không nhất thiết là phải hỏi Mỹ nên phản ứng như thế nào.
* Thanh Niên: Với việc Mỹ và Việt Nam chưa có hiệp ước quân sự và ông vừa đón tiếp người đứng đầu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ngay tại Washington, cần nhìn nhận chuyến thăm Việt Nam lần này của ông như thế nào? Trung Quốc đang cố gắng tối đa để làm cho châu Á tin là Mỹ sẽ không thể giữ vững cam kết bảo đảm an ninh khu vực của mình tại khu vực. Họ có đúng không, thưa ông?
- Tôi đã không mời thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam) đến Washington và cũng không đến đây chỉ để xoáy vào vấn đề Trung Quốc. Tôi đến đây là để tập trung thảo luận về quan hệ quân sự giữa Mỹ và Việt Nam. Đương nhiên, cái bóng của chủ đề về Trung Quốc vẫn cứ thấp thoáng trong các cuộc đối thoại. Thế nhưng, tôi muốn nhấn mạnh hầu hết các chủ đề chúng tôi thảo luận là về làm thế nào đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có đều có lợi ích liên quan như: an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thiên tai, hay gìn giữ hòa bình… Tuy nhiên, chúng tôi cũng tận dụng cơ hội này để trao đổi với các lãnh đạo của Việt Nam cũng như đủ mọi thành phần từ các lĩnh vực khác nhau để có cái nhìn rộng hơn về tất cả các vấn đề, trong đó có các vấn đề liên quan đến địa chính trị. Tôi đã tiếp xúc từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến một thuyền trưởng trẻ ở Đà Nẵng. Tất cả các cuộc gặp đều rất khả quan.
* The New York Times: Ông đã đưa ra một nhận định rất thú vị về việc hình dung quan hệ Mỹ-Việt trong 45 năm tới. Việt Nam sẽ là một đối tác như thế nào của Mỹ vào thời điểm đó? Cụ thể là khi nào Mỹ sẽ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam?
- Tôi không thể không đồng ý về tầm quan trọng và vị thế đặc biệt của Việt Nam đối với khu vực và toàn cầu trong tương lai. Theo tôi, Việt Nam sẽ đóng một vai trò địa chính trị cực kỳ quan trọng trong khu vực và trên thế giới trong những năm tới.
Về câu hỏi liên quan đến việc gỡ bỏ lệnh cấm gỡ bỏ vũ khí sát thương, nó cũng liên quan ít nhiều đến câu hỏi Mỹ sẽ làm gì trước những diễn biến mới trên biển Đông. Đang ngày càng có một sự đồng thuận trong chính trường Mỹ - từ giới quan chức, phi chính phủ, cho đến chính quyền - về việc Việt Nam đang ngày càng có những tiến bộ mà từ đó có thể dẫn đến việc gỡ bỏ lệnh cấm gỡ bỏ vũ khí sát thương từ Washington.
Quan điểm cụ thể từ phía quân sự, tôi cho rằng nếu lệnh cấm được gỡ bỏ (cho tới nay thì tôi chưa biết cụ thể là khi nào), thì động thái này sẽ góp phần tăng cường khả năng hỗ trợ từ phía Mỹ để nâng cao năng lực hải quân cho phía Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải - một lĩnh vực đang trở thành mối quan tâm chung của hai nước. Nếu lệnh cấm vận được gỡ bỏ, vũ khí mà Mỹ sẽ cung cấp sẽ bao gồm tất cả các loại khí tài nào phục vụ cho tiêu chí nói trên, bao gồm cả những loại vũ khí mà hải quân Việt Nam chưa được trang bị.
Sáng 15.8, đoàn sĩ quan quân đội cao cấp của Mỹ do tướng Martin Dempsey dẫn đầu đã đến thăm Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ông Dempsey hoan nghênh và đánh giá dự án này là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương và vì người dân TP.Đà Nẵng. Đây là hoạt động nằm trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của đại tướng Martin Dempsey và đoàn đại biểu cấp cao quân đội Mỹ từ ngày 13-16.8 theo lời mời của thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên đại tướng Martin Dempsey, trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, thăm Việt Nam. Trong thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam, sau khi hội đàm với thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, đại tướng Martin Dempsey và đoàn đại biểu cấp cao quân đội Mỹ đến chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. "Chuyến thăm Việt Nam là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của tôi", ông Dempsey nói trong cuộc hội đàm sáng 14.8 với thượng tướng Đỗ Bá Tỵ. |
An Điền
>> Đại tướng Martin Dempsey họp báo tại TP.HCM
>> Đại tướng Martin Dempsey ấn tượng với tiến độ xử lý dioxin tại Đà Nẵng
>> Đại tướng của Hoa Kỳ Martin Dempsey: 'Chuyến thăm Việt Nam là một dấu mốc quan trọng
Bình luận (0)