Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trai trẻ: Chủ tịch báo giới Bắc kỳ

21/08/2021 07:00 GMT+7

Ngày 24.4.1937, Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch Báo giới Bắc kỳ khi mới 26 tuổi.

Thời kỳ 1936 - 1939, Võ Nguyên Giáp bận rộn trong nhiều lĩnh vực. Công việc dạy học ở Trường Thăng Long và việc học ở khoa Luật chưa thỏa chí, ông tham gia viết báo cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Vẫn lên lớp giảng bài đầy đủ, Võ Nguyên Giáp là cây bút chủ lực, vừa sửa bài vừa viết bài, trình bày cho nhiều tờ báo tiếng Việt (Tin tức, Đời nay…) và tiếng Pháp (Le Travail, Rassemblement…). Nhân danh đại biểu báo Le Travail, ông tham gia đấu tranh trên mặt trận báo chí dân chủ, đồng thời còn giữ vị trí trong Ban lãnh đạo Hội Truyền bá Quốc ngữ khi chưa đầy 30 tuổi.
Báo Le Travail ra ngày 5.2.1937 đưa tin: Đoàn đại biểu của báo Le Travail đến nhà ở của Godart - đặc phái viên của Chính phủ Pháp sang điều tra tình hình Đông Dương. Trong đoàn có Võ Nguyên Giáp, Phan Tư Nghĩa, Trịnh Văn Phú và Huỳnh Văn Phương. Tại cuộc gặp này, Võ Nguyên Giáp phát biểu với Godart về tình cảnh và yêu sách của nông dân Việt Nam.
Hoạt động của báo Le Travail và nhóm những cây bút chủ lực đòi cải cách dân chủ, cải thiện đời sống mang tính chất chính trị đã thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền thực dân. Họ đã tìm mọi cách để dẹp tờ báo khi ra Nghị định ngày 10.3.1937 cấm lưu hành báo Le Travail trên đất Trung kỳ. Cao điểm là vụ kiện của Tuần phủ tỉnh Phúc Yên khiến tờ báo phải đình bản ngày 16.4.1937 sau 7 tháng tồn tại.

Từ Hội nghị văn giới - báo giới đến Mặt trận báo chí dân chủ

Cùng thời gian đó, báo giới Trung kỳ phất ngọn cờ đầu trong việc thành lập Mặt trận báo chí dân chủ toàn xứ. Tiếp theo trên đất Bắc kỳ, số tờ báo và đội ngũ những người viết báo đông gấp 4 lần Trung kỳ đã sôi động chuẩn bị Hội nghị báo giới Bắc kỳ. Một ủy ban hành động nửa hợp pháp trực tiếp chỉ đạo quá trình chuẩn bị tiến tới tổ chức Hội nghị báo giới Bắc kỳ được thành lập. Một cuộc họp đại diện cho 13 tờ báo thống nhất trên hai yêu cầu: một là, đòi tự do báo chí; hai là, đoàn kết các nhà báo trong một tổ chức thống nhất và ra bản Thông cáo chung mời các báo đến họp vào ngày 24.4.1937.
Đúng 18 giờ 30 ngày 24.4.1937, tại hội quán CSA (viết tắt của Cercle Sportif Annamite - Câu lạc bộ thể thao của người Việt Nam) ở số 1 phố Charles Coulier (nay là phố Khúc Hạo), 200 người gồm đại biểu báo giới và một số nhà văn được mời, đã chính thức dự khai mạc hội nghị. Nhà báo Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn) đại biểu giới báo chí Trung kỳ ra dự. Võ Nguyên Giáp tham dự với tư cách vừa là đại biểu của báo Rassemblement vừa là đại diện của Ủy ban hành động nửa hợp pháp của Xứ ủy. Hội nghị cử ban quản trị gồm 3 người, trong đó có Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch. Nhiệm vụ của ban quản trị là giao thiệp với báo giới Trung - Nam để chuẩn bị cho Hội nghị văn giới - báo giới toàn quốc. Ban quản trị sẽ tự giải tán sau khi hội nghị được triệu tập.
Hai tháng sau, hội nghị thảo luận, quyết định nghiên cứu phương pháp đòi lập nghiệp đoàn báo giới; bầu 10 ủy viên chính thức và 5 dự khuyết vào Ủy ban quản lý thường trực, trong đó có 3 nhà báo cách mạng: Khuất Duy Tiến, Trần Huy Liệu và Võ Nguyên Giáp. Chính quyền thực dân Pháp đã tìm mọi cách phá hoại khiến cho Ủy ban khó lòng hoạt động. Song dù khó khăn, Mặt trận báo chí dân chủ vẫn hình thành, tồn tại qua cuộc biểu tình ngày 1.5.1938.
Võ Nguyên Giáp dùng ngòi bút của mình cổ động đồng nghiệp Khuất Duy Tiến (1910 - 1984) và Trịnh Văn Phú tranh cử vào Viện Dân biểu Bắc kỳ, cổ động đồng nghiệp Phan Thanh (1908 - 1939) và sau đó là Đặng Thai Mai (1902 - 1984) vào Viện Dân biểu Trung kỳ. Ông còn cùng báo giới lên tiếng đòi ân xá tù chính trị, viết bài chống trở lại Hiệp ước 1884. Tuy không đi tới lập nghiệp đoàn vì nhà cầm quyền cản trở, Mặt trận báo chí dân chủ đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền phong trào yêu nước… mà Võ Nguyên Giáp là một gương mặt sáng giá lúc này.
Đến giữa năm 1940 thì Võ Nguyên Giáp hoàn toàn vắng bóng khỏi Hà Nội và 5 năm sau, ông trở về giữa mùa thu, trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam độc lập.
Trong hồi ký Những chặng đường lịch sử (NXB Văn học - 1976), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: Tháng 5.1940, một chiều thứ sáu, sau giờ dạy cuối cùng ở Trường tư thục Thăng Long, ông đi lên hồ Tây như đi hóng gió. Dưới một gốc cây trên đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), người vợ trẻ của ông - bà Nguyễn Thị Quang Thái, bế con gái nhỏ đầu lòng chưa đầy năm Võ Hồng Anh (sau này là GS-TSKH chuyên ngành vật lý) đang chờ sẵn. Họ chỉ kịp trao đổi với nhau vài lời từ biệt; cả hai đều không ngờ đó lại là lần gặp nhau cuối cùng. Được ông Bùi Đức Minh dẫn đường, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp vượt biên giới từ Lào Cai sang Trung Quốc hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.