Đắk Nông - xứ sở của những âm điệu

27/10/2019 07:00 GMT+7

Không chỉ được biết đến với hệ thống hang động núi lửa độc đáo, công viên địa chất Đắk Nông còn đươc mệnh danh là 'Xứ sở của những âm điệu'.

Độc đáo Nhà triển lãm âm thanh

Với mục tiêu xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông trở thành CVĐC toàn cầu, tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai xây dựng 3 tuyến du lịch độc đáo với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu”, gồm: “Trường ca của Lửa và Nước”, “Bản giao hưởng của Làn gió mới” và “Âm vang từ Trái đất”.
Hồi cuối tháng 7.2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã khánh thành Nhà triển lãm âm thanh tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (TX.Gia Nghĩa). Nhà triển lãm âm thanh không chỉ là nơi trưng bày, mà còn là hành trình khám phá những âm thanh kết hợp từ các nhạc cụ truyền thống của VN và những âm thanh được sáng tạo bằng công nghệ, do những nghệ sĩ quốc tế dành riêng cho CVĐC Đắk Nông. Tổng thể của khu trưng bày được thiết kế thành 8 phòng riêng biệt với 7 chủ đề mang đặc trưng âm thanh đến từ những chất liệu khác nhau cũng như cách thức diễn tấu riêng biệt, gồm âm thanh của đá, gió, nước, gỗ, lửa, ánh sáng và âm thanh của con người, được lấy cảm hứng từ ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ với sự tương quan lẫn nhau.
Khách tham quan Nhà triển lãm âm thanh trải nghiệm nghệ thuật tương tác chạm tay vào đá tạo âm thanh

Khách tham quan Nhà triển lãm âm thanh trải nghiệm nghệ thuật tương tác chạm tay vào đá tạo âm thanh

Phan Lê

Tham quan Nhà triển lãm âm thanh, du khách còn có dịp trải nghiệm nghệ thuật tương tác, với sự hỗ trợ của công nghệ, để tạo ra những hiệu ứng âm thanh độc đáo, như: chạm tay vào đá tạo âm thanh; dùng màn hình điện thoại chiếu sáng những bông hoa, mỗi bông hoa sẽ phản hồi lại những âm thanh khác nhau tùy thuộc vào cường độ ánh sáng; tương tác giữa người với người tạo ra những âm thanh khác nhau…
Có mặt tại buổi lễ khánh thành, TS Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Mạng lưới CVĐC toàn cầu (UNESCO), nói: “Đây được xem là một điểm nhấn quan trọng của CVĐC Đắk Nông. Chúng tôi hy vọng Nhà triển lãm âm thanh sẽ hứa hẹn là một địa điểm thu hút cộng đồng địa phương và khách du lịch khắp nơi đến trải nghiệm”.
Du khách tham quan tác phẩm nghệ thuật “Âm thanh của nước” tại Nhà triển lãm âm thanh

Du khách tham quan tác phẩm nghệ thuật “Âm thanh của nước” tại Nhà triển lãm âm thanh

Phan Lê

Cồng chiêng, đàn đá và nhiều hơn thế

CVĐC Đắk Nông là vùng đất giàu có về văn hoá truyền thống của các tộc người bản địa, tạo nên dòng chảy xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Trong dòng chảy văn hoá ấy, không thể không nhắc đến âm nhạc dân gian. Một trong những di sản nổi tiếng đã góp phần làm nên sự giàu có của vùng đất này là không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (trải dài trên 5 tỉnh Tây nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng). Trong đó, ở Đắk Nông có 3 dân tộc M’nông, Mạ và Ê đê là chủ thể của di sản.
Tác phẩm nghệ thuật “Khí quyển” tại Nhà triển lãm âm thanh. Du khách chỉ cần thổi vào trong là phát ra các âm thanh độc đáo

Tác phẩm nghệ thuật “Khí quyển” tại Nhà triển lãm âm thanh. Du khách chỉ cần thổi vào trong là phát ra các âm thanh độc đáo

Phan Lê

Cũng như các dân tộc ở núi rừng Tây nguyên, đồng bào dân tộc ở Đắk Nông coi cồng chiêng là sự tượng trưng cho sức mạnh, sự giàu có trong đời sống văn hóa, tinh thần. Vào ngày hội, những vòng người nhảy múa vòng quanh ngọn lửa, bên những ché rượu cần, chìm đắm trong những giai điệu của cồng chiêng, vang vọng núi rừng. Chính những hình ảnh này đã góp phần tạo nên một không gian vừa lãng mạn, huyền ảo, cũng vừa mạnh mẽ, hùng tráng trong vùng CVĐC Đắk Nông.
Không gian văn hoá cồng chiêng Tây nguyên tại Đắk Nông

Không gian văn hoá cồng chiêng Tây nguyên tại Đắk Nông

CVĐC Đắk Nông

Cùng với cồng chiêng, đàn đá là loại nhạc cụ cổ xưa, đến nay vẫn còn gắn bó trong đời sống cộng đồng các dân tộc ở Đắk Nông. CVĐC Đắk Nông là vùng đất còn lưu giữ khá nhiều bộ đàn đá có giá trị, đặc biệt là bộ đàn đá Đắk Kar (3 thanh) được phát hiện vào năm 1987. Đàn đá Đắk Kar có thang âm tương ứng 3 nốt Fa, Sol, La hiện đại và hoàn toàn tương đồng với âm thành của cồng chiêng, thuộc niên đại khoảng 2.500. Trong khi đó, bộ đàn đá Đắk Sơn (6 thanh) thuộc niên đại khoảng 3.500-3.000. Kích thước các thanh dài ngắn khác nhau, tạo nên những thang âm trầm bổng, thánh thót. Cuối tháng 7.2019, tỉnh Đắk Nông đã khánh thành Nhà trưng bày đàn đá ở TX.Gia Nghĩa. Ngoài trưng bày đàn đá của cộng đồng dân tộc địa phương, nơi đây còn giới thiệu hàng chục nhạc cụ của các dân tộc trên thế giới.
Diễn tấu đàn đá Đắk Kar

Diễn tấu đàn đá Đắk Kar

baodaknong.org.vn

Với âm thanh hùng tráng từ những hang động núi lửa, của tiếng thác đổ; âm thanh rộn ràng của cồng chiêng, đàn đá và các nhạc cụ… cùng tiếng gió reo, tiếng cỏ cây hoa lá hoà quyện vào nhau, đã tạo nên giá trị văn hoá của một vùng đất, tạo nên một CVĐC Đắk Nông xứng đáng được mệnh danh là "Xứ sở của những âm điệu", gọi mời du khách thập phương trải nghiệm, khám phá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.