Đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố

26/12/2018 15:28 GMT+7

Tuyến phố an toàn thực phẩm đã được triển khai hiệu quả là một trong những giải pháp giúp đảm bảo an toàn thức ăn đường phố.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, trong năm 2018, trên địa bàn thành phố duy trì và mở rộng các chương trình, mô hình điểm về ATTP. Hiện đã xây dựng 8 tuyến phố ATTP. Trong đó, mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” được UBND quận Thanh Xuân xây dựng trên phố Thượng Đình, tập trung 27 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ lượng khách hàng tương đối lớn. Khi chính thức hoạt động, tất cả các cơ sở ăn uống tại tuyến phố này sẽ được lực lượng chức năng của quận và phường sở tại tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ.
Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên tuyến phố trước đây chủ yếu là tự phát, “mạnh ai, nấy làm”, không chú trọng nguồn gốc thực phẩm. Để có thể triển khai thành công mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” đơn vị sẽ tập trung triển khai chu đáo từ việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn cho người kinh doanh 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, đến việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm an toàn.
 ảnh tư liệu Sở Y tế Hà Nội
Đại diện Chi Cục ATVSTP Hà Nội cho biết, trên cơ sở thí điểm, Hà Nội đã tiếp tục quy hoạch, triển khai thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát. Qua đó sẽ chấn chỉnh hiệu quả các cơ sở không bảo đảm ATTP. Cùng với đó, Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng triển khai công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với kinh doanh thực phẩm ăn uống và thức ăn đường phố tại 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn...; Triển khai kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại các quận, huyện; xây dựng an toàn thực phẩm 60 tuyến phố văn minh. Thành phố đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc methanol và kiểm tra việc lưu hành sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Chủ động giám sát nguy cơ

Nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở, toàn thành phố đã thành lập 938 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (trong đó có 745 đoàn liên ngành, 193 đoàn kiểm tra chuyên ngành của y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn). Các đoàn đã tiến hành thanh kiểm tra 102.945 lượt cơ sở. Phát hiện và xử phạt 6.859 cơ sở với số tiền 25.086 triệu đồng; hủy sản phẩm của 125 cơ sở. Trong đó, tuyến thành phố đã kiểm tra 577 cơ sở, xử lý 15 cơ sở, phạt với số tiền hơn 1.848 triệu đồng. Tuyến thành phố đã lấy 1.389 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm có 1.260/1.389 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh, lý hóa (đạt tỷ lệ 90,7%). Các mẫu không đạt có 4 mẫu thịt lợn, 6 mẫu thịt gà phát hiện salmonella; 6 mẫu rau vượt giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 41 mẫu thủy sản dư lượng kháng sinh chloramphenicol, ciprofloxacin, thủy ngân, enrofloxacin; 2 mẫu quả vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; mẫu nước uống đóng chai không đảm bảo chỉ tiêu vi sinh...
Việc quản lý an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại Hà Nội đã có nhiều chuyển biến, cần tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Ngoài ra cần chú trọng hơn nữa và hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý các bếp ăn tập thể trong trường học, mầm non, các công ty, khu công nghiệp.
Đổi mới truyền thông về ATTP
Công tác truyền thông trang bị kiến thức, công tác truyền thông về ATTP đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với các cơ quan thông tin truyền thông tổ chức các hội thảo về ATTP; Chúng tôi cung cấp danh sách cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm trên Website Sở Y tế Hà Nội để nhân dân biết và lựa chọn. Đồng thời, chúng tôi cũng nêu tên các cơ sở chưa đảm bảo ATTP trên các phương tiện đại chúng, coi đó cũng là công tác phối hợp để chấn chỉnh các vi phạm, các cơ sở vi phạm sẽ phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về ATVSTP.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi Cục ATVSTP Hà Nội
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.