Đam mê, tại sao không?

22/04/2006 22:36 GMT+7

Một trong những động lực thúc đẩy "nội lực" của con người từ xưa đến nay chính là niềm đam mê, nhất là khi những đam mê đó biến thành năng lượng phục vụ sự nghiệp, phục vụ xã hội. Đam mê bay, ước muốn chinh phục không gian và bầu trời có lẽ là đam mê cổ xưa nhất của con người. Tuần này, mời các bạn bước vào câu chuyện của những người "mê chơi" - đôi khi đơn giản chỉ là làm cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, phong phú và hấp dẫn hơn, thay thế cho những trì trệ, cũ kỹ, thụ động - Tại sao không?

Những "phi công" dưới đất

"Hồi nhỏ, tôi ước mơ sau này trở thành phi công "tung hoành" trên bầu trời, nhưng rồi vì nhiều lý do nên không được toại nguyện, giờ đành làm "phi công" dưới mặt đất cho thỏa chí tang bồng", anh Nguyễn Quang Hương Duyên, "chủ xị" nhóm máy bay mô hình Nam Sài Gòn (SSRC Group) thổ lộ. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều thành viên khi tìm đến thú chơi mô hình vốn đã có từ thời Pháp nhưng vừa "tái xuất" trong những năm gần đây. "Chơi chủ yếu vì mê và để xả stress sau một tuần làm việc căng thẳng. Mỗi tuần mà không đi "bay" thì cảm thấy bứt rứt lắm!", Hùng "cà na", một "phi công" khác cho biết. Vì gắn bó với "con" Cessna, nên đi đâu anh chàng cũng bị các "chiến hữu" gọi biệt danh như thế.

Anh Nguyễn Quang Hương Duyên: "Hồi nhỏ, nhà tôi ở khu trại Hoàng Diệu, ngay bên cạnh sân bay Nha Trang. Suốt ngày, từ sáng sớm đến chiều tối, lúc nào cũng tấp nập những chuyến bay lên xuống... Ngày đó, tôi ước mơ bay lên bầu trời cao, ước mơ sau này mình trở thành một phi công. Lớn lên, đi học, đi làm nhưng ước mơ bay bổng vẫn cháy bỏng trong lòng, cho đến khi môn mô hình điều khiển từ xa đã cuốn hút tôi, ước mơ đã được thỏa mãn phần nào”. (Trích từ www.vietpilots.com)

Để trở thành "phi công" dưới đất, ngoài đam mê, các thành viên phải tìm tòi, trang bị những kiến thức nhất định về kỹ thuật hàng không cũng như kỹ thuật bay. Chẳng hạn, theo anh Duyên phải tập luyện có bài bản động tác chạy lấy đà trên đường băng sao cho máy bay chạy thẳng hướng, cách cất cánh để nhấc máy bay lên khỏi mặt đất nhẹ nhàng, biết thực hiện kỹ thuật Flare để hạ cánh an toàn... Rồi luyện sang những đường bay từ cơ bản: vòng bên trái, vòng bên phải, bay hình số 8... đến những đường bay phức tạp: bay cuộn vòng đứng, bổ nhào và xoay quanh trọng tâm, bay ngửa... Đó là cả quá trình học hỏi, luyện tập khó khăn, nếu không đam mê sẽ không theo được lâu dài hoặc phải trả giá đắt vì chỉ một sơ suất nhỏ, chiếc máy bay đã nằm gọn trên mặt đất, vỡ tan thành nhiều mảnh. Bởi vì chi phí "đầu tư" cho đam mê bay không nhỏ, trung bình khoảng 4-5 triệu đồng cho một máy bay "chơi được", nếu là động cơ xịn giá có thể lên đến cả ngàn đô. Nhưng "nếu biết liệu cơm gắp mắm thì cũng không quá tốn kém! So với các thú vui khác như đi nhậu xem ra vẫn tốt hơn chứ", Hùng cười toe và lấy ví dụ chiếc Cessna gắn máy OS ráp từ A-Z chỉ tốn 250-350 USD.

Ngoài SSRC, có những nhóm bay khác cũng hoạt động khá mạnh như nhóm Lê Minh Xuân, nhóm Thủ Đức, TY1... với lịch bay định kỳ vào cuối tuần hay có khi "đổi gió" kéo nhau ra Long Hải, Vũng Tàu, Phan Thiết... chỉ để thỏa khát vọng bay.

Và những tay lái "vượt khó"

Không có nhiều vốn liếng để mua đứt một chiếc phi cơ hay ô tô vài trăm đô, nhóm của T.Hùng, Tùng SV ĐH Bách khoa TP.HCM với vốn kiến thức đã học được từ ngành kỹ thuật hàng không đã tự mày mò đi săn nguyên liệu khắp nơi để chế hai chiếc phi cơ cho "thỏa" đam mê. Vì còn phải bài vở căng thẳng nên mất đến gần 4 tháng tính toán và lắp ráp, nhóm của Hùng mới hoàn thành được một chiếc máy bay. "Được bộ môn hỗ trợ nên chi phí bỏ ra không nhiều, chủ yếu là chỉ để mua hộp điều khiển thôi. Trong lần thử nghiệm đầu tiên tụi này mừng muốn chảy nước mắt khi thấy máy bay của mình cất cánh lên được. Cho tới nay nó đã hoàn thiện dần và bay cũng ngon lành rồi", T.Hùng phấn khởi nói. Tuần nào nhóm của anh chàng cũng phóng xe máy chạy xuống tận sân Lê Minh Xuân ở Long An để được làm "phi công" và... hít mùi xăng mêtanol...

Còn Nguyễn Thành Trung, đang là kỹ sư phần mềm làm việc tại Hà Nội thì lại sắm 3 con ô tô "xê-cua" từ lớn đến nhỏ, mỗi khi bận công việc không chơi bằng "con địa hình" được thì lại lấy "con mini" chạy bằng pin ra lái lòng vòng trong cơ quan cho đỡ ghiền. Mới kết nạp vào CLB mô hình được gần nửa năm nay nhưng Trung đã có trong tay 3 chiếc xe đua, 5 phi cơ và 1 tàu thủy. "Ai chơi trò này cũng có máu nâng cấp xe hết nên cứ thích đi sưu tập những "chiến binh" mới, cũng hơi tốn kém nhưng vui. Hầu như ai chơi trò này cũng dần trở thành chuyên gia chỉnh hình, chăm sóc sắc đẹp và kiêm luôn cả thợ điện tử nữa!", Thành Trung cười nói. Theo anh chàng thì SV Hà Nội cũng tham gia xe đua mô hình rất nhiều, một số bạn có lòng đam mê thật sự đã được CLB hỗ trợ động cơ, máy móc để về nhà tự ráp cho mình một chiếc máy bay hẳn hoi.

"Vì trò chơi này mà nhiều thanh niên vượt qua ma lực đầy chết chóc của thuốc lắc, và khi chơi nó mà từ cậu nhóc gần 10 tuổi cho tới cụ già U.70 có thể dễ dàng trở thành những người bạn tâm giao...", anh Nguyễn Ngọc Hoan nói về loại hình trò chơi mô hình bằng giọng tâm đắc như thế. Anh là một trong những người thành lập Câu lạc bộ Trò chơi mô hình ở TP.HCM và nằm trong ban điều hành của nhóm TY1 với sân đua khá "đã" đặt tại Hóc Môn, điểm hẹn lý tưởng của dân mê xe. "Nếu CLB được danh chính ngôn thuận hoạt động thì trò chơi này sẽ phổ biến hơn với mọi người đặc biệt là giới trẻ, và càng thuận lợi hơn để chúng ta mở trường lớp đào tạo bài bản về loại hình này...", anh Hoan chia sẻ.

Làm mọi cách để... bay được lên trời!

Học y khoa, ra trường làm quảng cáo nhưng đam mê cả đời lại là... bay. Đó là phác họa chân dung của Phạm Duy Long, người đang phụ trách Câu lạc bộ Dù lượn Vietwings, phi công lái thử nghiệm máy bay VAM-1 (mẫu máy bay hạng nhẹ đầu tiên của Hội Cơ học Việt Nam nghiên cứu, thiết kế và lắp ráp).

Năm 2003, sau thời gian tích cóp, Long tự bỏ tiền sang Canada học lái máy bay hạng nhẹ thỏa mãn "chí tang bồng": được bay lượn trên bầu trời. Để đủ tiền học phí và sinh hoạt trong những ngày du học, Long đã kiêm thêm nghề... rửa máy bay. Nhờ thời gian này mà Long còn nắm thêm kỹ thuật lắp ráp cũng như công nghệ sản xuất máy bay hạng nhẹ. Duy Long đã được cấp bằng lái máy bay hạng nhẹ cấp quốc tế, sau đó còn lấy thêm chứng chỉ nhảy dù lượn.

Về nước, ước mơ bay của Long bị... vỡ như bong bóng xà phòng. Đơn giản vì Việt Nam chưa cho phép cá nhân sử dụng, điều khiển các thiết bị bay. Không nản chí, Long chuyển sang môn dù lượn và thành lập Câu lạc bộ Vietwings với các "chiến hữu" cũng là những người có đam mê bay. Nhóm của Long gồm hơn 20 thành viên thuộc đủ mọi ngành nghề như: Hoàng Sơn 36 tuổi, thợ sửa chữa điện tử ở Đà Lạt; Hoàng Bách, kỹ sư xây dựng ở Hà Nội; Vân 35 tuổi, nhân viên Hải quan TP.HCM; Mỹ Linh, 27 tuổi, thiết kế đồ họa công ty nước ngoài... và rất nhiều họa sĩ, công nhân ngành điện lực, cả người nước ngoài. Câu lạc bộ dù lượn có lịch bay hằng tuần ở Vũng Tàu, Phan Thiết, Tây Ninh, Đà Lạt...

Với kinh nghiệm 10 năm nhảy dù, lấy được bằng huấn luyện viên môn dù lượn ở nước ngoài, Duy Long là người sáng lập ra môn thể thao "cảm giác mạnh" này ở Việt Nam. Hiện có một số công ty du lịch tạo điều kiện để nhóm của Long phát triển những kỹ năng bay và lên kế hoạch hợp tác dài lâu, hướng đến những khách du lịch thích độ cao.

Phạm Duy Long (giữa) và những người bạn mê bay

Còn tôi thì mê... câu cá!

Mê chơi, mỗi người một cái thú. Với Nguyễn Anh Nguyên - Giám đốc Kế hoạch & Công nghệ thông tin của Tập đoàn Unilever tại Việt Nam thì đó là mê... câu cá. Với 4 năm "rèn luyện", anh chàng chưa biết bơi này đã trở thành tay "sát cá" có hạng.

Nguyên thường vác cần theo hội câu cá của mình ra tận Long Sơn (Vũng Tàu), Mũi Né (Phan Thiết)... hưởng "thú vui". Nguyên khẳng định: "Đã chơi thì phải chơi cho đến cùng, chơi thật giỏi và phải kéo được nhiều người khác đến cùng chơi và chia sẻ thú chơi với mình". Nghĩ thế nên mới có chuyện lập hẳn trang web www.4so9.com để dân mê câu vào trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm với tiêu chí "Hãy câu cho vui đời", khác hẳn với thành kiến người ta hay nghĩ dân câu cá là chúa ích kỷ (vì ít khi nào chịu chia sẻ mồi và kinh nghiệm câu).

Dân trong hội câu cá của Nguyên cũng làm đủ mọi ngành nghề: kế toán, công nghệ thông tin, nhân viên văn phòng, sinh viên...
Hỏi mê câu cá được gì, Nguyên trả lời không cần suy nghĩ: "Giải tỏa stress, rèn tính kiên nhẫn, tập trung và quan trọng nhất là có thêm rất nhiều bạn tốt, cùng đam mê ở khắp 64 tỉnh thành và nhiều quốc gia trên thế giới".

Câu đố dành cho khán giả:

Từ thế kỷ thứ 15 đã xuất hiện bản vẽ những thiết bị bay do con người thiết kế. Leonard Da Vinci không chỉ là một họa sĩ tài ba, ông còn để lại cho đời những bức phác họa thiết bị bay mà ông chưa kịp thử nghiệm. Theo thiết kế của ông, những thiết bị này sử dụng:
a/ Sức gió
b/ Cơ bắp con người
c/ Động cơ hơi nước
Bạn có thể trả lời bằng các cách sau: nhắn tin hoặc điện thoại đến tổng đài 1900 1758; tham gia trả lời trên giao diện của website
www.taisaokhong.com.vn hoặc gửi về hộp thư điện tử TSK@taisaokhong.com.vn.
Phần thưởng của chương trình gồm: 1 giải nhất 1.000.000 đồng kèm quà tặng của chương trình TSK?; 2 giải nhì trị giá 300.000 đồng kèm quà tặng của chương trình TSK? dành cho những bạn có câu trả lời chính xác và nhanh nhất.

V.Anh - Trí Quang - L.Anh - Đỗ Tuấn - B.Hạnh

Chuyên mục phối hợp thông tin giữa báo Thanh Niên và chương trình truyền hình Tại sao không? trên VTV1 do HauMi Cross-Media và VTV sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.