Damien Chazelle - Gã khờ mộng mơ Hollywood

06/02/2017 11:59 GMT+7

Địa hạt phim ảnh của Chazelle là sự cố gắng vươn tới những giá trị nghệ thuật đỉnh cao, mới mẻ, đồng thời cũng là sự trông lại, tôn thờ những thước phim kinh điển ngày trước...

Lập nghiệp bằng… niềm đam mê
Cũng như nhiều đạo diễn tên tuổi khác ở Hollywood, Damien Chazelle cũng chật vật ở giai đoạn đầu sự nghiệp mới gặt hái được thành công như hiện nay. Các tác phẩm đầu tay của đạo diễn sinh năm 1985 như Guy and Madeline on a Park Bench (2009), The Last Exorcism Part II (2013) và Grand Piano (2013) thật sự không gây tiếng vang nhưng lại là tiền đề để ông sáng tác nên những tác phẩm đỉnh cao sau đó.
Tính đến hiện tại, Damien Chazelle đã sở hữu trong tay 6 tác phẩm, một nửa trong số đó lại mang dấu ấn sâu đậm của nhạc kịch, đó là Grand Piano (2013), Whiplash (2014) và La La Land trong năm 2016 vừa qua. Chính niềm say mê âm nhạc từ thời còn đi học đã giúp ông thổi hồn những giai điệu vào phim mình. Khi còn ngồi trên chiếc ghế ở trường trung học Princeton, Chazelle đã khổ luyện cùng âm nhạc đến 8 tiếng mỗi ngày, và niềm say mê đó được ông duy trì cho đến khi gần tốt nghiệp một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới, Harvard.
Chazelle cũng là một người yêu điện ảnh. Bộ phim Glory (1989) của đạo diễn Edward Zwick đã trở thành niềm thôi thúc mãnh liệt đối với ông thuở nhỏ. Ông ôm mộng làm phim từ ngày đó nhưng đồng thời cũng mong muốn trở thành một tay trống ''cháy'' hết mình cùng với những giai điệu. Cho đến một ngày, Harvard đã thay đổi ông. Và Chazelle rẽ hướng sang điện ảnh.
Whiplash là cú hit đầy mạnh mẽ của ông ở bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Ở Whiplash khó có thể phân biệt rạch ròi đâu là phim và đâu là nhạc. Hai đường biên thể loại dường như bị xóa mờ, nhưng cũng lại có lúc chúng tách biệt nhau thấy rõ. Bộ phim tập trung khắc họa mối quan hệ căng thẳng của hai thầy trò Terence Fletcher (do J.K. Simmons thủ vai) và Andrew Neiman (do Miles Teller thủ vai), từ đó ca ngợi tinh thần nỗ lực vươn đến thứ nghệ thuật đích thực của cậu học trò Andrew.
Những yếu tố có thật trong cuộc đời của Chazelle đã trở thành nguồn cảm hứng ít nhiều để vị đạo diễn trẻ sáng tạo nên Whiplash. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình gia giáo, nền nếp, có cha là giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Princeton, mẹ là nhà văn, giáo sư Lịch sử tại Đại học New Jersey. Thuở nhỏ, Chazelle theo học một giáo viên dạy nhạc khắc nghiệt và độc đoán, đó là lý do vì sao trong Whiplash, ta lại thấy thầy Terence Fletcher hiện lên với một chân dung dữ dằn và khó ưa đến vậy.
Whiplash là một tham vọng lớn, đồng thời là sự bứt phá sau những năm tháng chìm nổi trong lĩnh vực điện ảnh của Chazelle. “Dữ dội, truyền cảm hứng và diễn xuất tuyệt vời” là ba cụm từ mà Rotten Tomatoes dùng để nhận xét về sự thành công của Whiplash. Kế thừa những thành công trong Whiplash, Chazelle đã vận dụng để tiếp tục cho ra mắt La La Land năm 2016.
Chân dung đạo diễn trẻ tài năng Damiel Chazelle Ảnh: Pinterest
Đến câu chuyện của những kẻ mộng mơ 
La La Land vừa mang hơi thở của những tác phẩm kinh điển đồng thời cũng rạo rực một nguồn nhựa sống dạt dào của tuổi trẻ, đam mê và hoài bão. Nhiều phân cảnh trong La La Land gợi nhớ đến những bộ phim năm cũ. Ví dụ như cảnh Sebastian (do Ryan Gosling thủ vai) khiêu vũ cùng Mia (do Emma Stone thủ vai) trong vũ trụ lấp lánh rất nhiều vì sao gợi nhớ đến cặp đôi diễn viên Fred Astaire khiêu vũ với Ginger Rogers trong phim Swing Time năm 1936; cảnh đầu phim với sự quy tụ hơn 100 vũ công vừa nhảy vừa hát với những sắc màu rực rỡ gợi nhớ đến một phân cảnh trong phim The Young Girls of Rochefort năm 1967; cảnh Sebastian đứng hát vòng quanh cây cột đèn trong công viên ở Los Angeles gợi nhớ đến cảnh Donald O'Connor đứng hát dưới mưa trong Singin' in the Rain năm 1952…
Damiel Chazelle đã “mượn” một cách rất khéo các yếu tố cổ điển để đưa vào La La Land, đồng thời kế thừa một số kỹ thuật làm phim có thể nói là đạt đến mức xuất sắc trong Whiplash để áp dụng vào phim mới của mình.
La La Land, tựa phim chỉ gói gọn trong ba từ như phím chỉ ba nốt đàn piano được đánh lên nhưng đã khiến cho người nghe xao xuyến mãi không thôi sau khi ba phím đàn đã dứt… La La Land, một câu chuyện đầy cảm động của những người trẻ lập thân ở thời buổi thị trường đầy khó khăn, khi mà ước mơ đôi khi bị đánh đổi bởi cuộc sống kim tiền đầy hối hả, bộn bề…
Với kinh phí sản xuất khá khiêm tốn 30 triệu USD, La La Land đã làm được nhiều hơn những gì mà một bộ phim có mức đầu tư kinh phí thấp có được. Không kỹ xảo hoành tráng, không lắt léo trong kịch bản, bộ phim đi vào lòng người bởi sự giản dị nhưng lại vô cùng đẹp, xúc động được gợi lên từ kịch bản tinh tế, thơ mộng và đượm buồn.
Whiplash - bộ phim giúp Damiel Chazelle tỏa sáng tại lễ trao giải Oscar 2015 Ảnh: Poster phim
Nhưng câu chuyện về những kẻ mộng mơ mà đạo diễn Damien Chazelle gửi gắm đến mọi người trong năm qua sẽ khó mà thành công vang dội nếu thiếu đi một ê kíp chuyên nghiệp. Xem La La Land, người ta dễ dàng bắt gặp nhịp đập thời trang thập niên 60 của thế kỷ trước qua bàn tay thiết kế tài hoa của Mary Zophres; khán giả cũng khó lòng quên được những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng của bài hát City Of Stars do Justin Hurwitz, một người bạn của Chazelle hồi còn học chung với nhau ở Harvard, sáng tác…
La La Land được thai nghén bởi Chazelle ở khâu viết kịch bản song song với việc tìm nơi hợp tác sản xuất trong vòng 6 năm trời (2010 - 2016). Cho đến khi bộ phim được bấm máy năm 2016, và ngay ở những khung hình đầu tiên, Chazelle vỡ òa vì xúc động, bởi ông biết mình thành công, và trên tất cả, ông đã thực hiện được những điều mình mong muốn.
Gương mặt mới đầy tiềm năng ở Hollywood
Hiệp hội Đạo diễn Mỹ vinh danh cha đẻ của La La Land
Nhận giải thưởng cao quý nhất của Hiệp hội Đạo diễn phim Mỹ (DGA) ở tuổi 32, “nhạc trưởng” của bộ phim La La Land đã ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành người trẻ tuổi nhất giành được chiến thắng quan trọng này.
Theo đó, đạo diễn Damien Chazelle của bộ phim nhạc kịch La La Land đã xuất sắc vượt qua những tên tuổi gạo cội trong làng điện ảnh Mỹ như Barry Jenkins (Moonlight), Kenneth Lonergan (Manchester by the Sea), Garth Davis (Lion) và Denis Villeneuve (Arrival) để giành giải Đạo diễn phim xuất sắc.
Theo thống kê của tờ New York Times, lịch sử đang hết lòng ủng hộ nhà làm phim người Mỹ này bởi xuyên suốt lịch sử 68 năm của giải thưởng DGA, mới chỉ có 8 lần kết quả của Hiệp hội Đạo diễn phim Mỹ không trùng khớp với danh sách thắng giải của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. (Thiên Minh)

Dẫu là người chơi nhạc jazz, bạn sẽ không thể cự phách nếu vội phóng túng, ngẫu hứng, phá nguyên tắc ngay khi còn ở mức làng nhàng. Chazelle đã bật lên đầy ngoạn mục ở tuổi 31 như một chú ngựa ô ở ''chiến trường'' điện ảnh mang tên Hollywood. Năm nay, bước sang tuổi 32, những thành công mà vị đạo diễn này làm được khiến bạn bè, giới chuyên môn cùng các nhà làm phim không khỏi nể phục.
Ông đã được vinh danh tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 74 ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. La La Land cũng làm nên cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ tại giải này khi “ẵm” trọn cả 7 giải. Tại đề cử Oscar hôm 24.1 vừa qua, một lần nữa La La Land được gọi tên ở 14 đề cử, điều mà trước đó chỉ có All About Eve (1950) và Titanic (1997) làm được.
Đạo diễn sinh năm 1985 này mặc dù chỉ mới chỉ đạo vài tác phẩm nhưng thành công vang dội của WhiplashLa La Land trên phương diện chất lượng đã cho thấy tài năng của ông có thể nói không thua kém đạo diễn gạo cội nào ở Hollywood.
Thậm chí, ông còn được so sánh như là bản sao của sự phối ngẫu giữa hai đạo diễn kiệt xuất là Quentin Tarantino (người được mệnh danh là “quái kiệt” tại Hollywood) và Martin Scorsese (người tính đến giờ phút này chưa sản xuất một bộ phim dở nào). Ông giống với Quentin Tarantino ở chỗ “lượm lặt” và “chế biến” rất tài tình cái của người khác thành cái của mình. Ông cũng giống với Martin Scorsese ở chỗ làm phim rất thật, rất đời, rất chắc tay và chiếm cảm tình của đa số khán giả.
Địa hạt phim ảnh của Chazelle là sự cố gắng vươn tới những giá trị nghệ thuật đỉnh cao, mới mẻ, đồng thời cũng là sự trông lại, tìm về những thước phim kinh điển ngày trước như một sự kính trọng, tôn thờ…
Trong danh sách đề cử Oscar năm nay, Chazelle phải đối mặt với những đạo diễn kỳ cựu khác như Denis Villeneuve (Arrival), Mel Gibson (Hacksaw Ridge), Kenneth Lonergan (Manchester by the Sea) và Barry Jenkins (Moonlight). Nhưng với những gì mà La La Land đã làm được tại Quả cầu vàng, khán giả có thể tin rằng, không ít thì nhiều, Chazelle cũng sẽ được đền đáp xứng đáng với những gì mà mình đã bỏ ra.

tin liên quan

‘La La Land’ giành 14 đề cử Oscar 2017
Bộ phim nhạc kịch gây chú ý nhất năm 2016 đã ôm trọn 14 đề cử tại giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar lần thứ 89 vừa được công bố vào tối 24.1 (giờ Việt Nam).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.