(TNO) Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012 vừa được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tại phiên họp sáng nay, 11.9. Một trong những nguyên nhân dẫn tới nhiều người dân chưa mặn mà tham gia BHYT là do còn tồn tại hai chế độ khám chữa bệnh trong bệnh viện công.
Đại diện cơ quan chủ trì giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho hay, trong giai đoạn 2009-2012, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng từ 58,2% (2009) lên 66,8% (2012). Trong đó, nhóm làm công ăn lương, cán bộ công chức trong khu vực công, nhóm người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, nhóm hưu trí, mất sức lao động, đối tượng bảo trợ xã hội do ngân sách nhà nước hoặc quỹ BHXH đóng tiền mua BHYT đều đạt ở mức rất cao (gần 100%).
Tỷ lệ nhóm tự nguyện, hộ cận nghèo tham gia BHYT dù ở mức thấp nhưng đã tăng dần do việc điều chỉnh chính sách. Có khoảng 20 tỉnh đã chủ động hỗ trợ thêm kinh phí từ ngân sách địa phương cho các đối tượng thuộc diện cận nghèo tham gia BHYT, một số tỉnh hỗ trợ 100% số tiền mua cho hộ cận nghèo như Bình Dương, Ninh Thuận, Kiên Giang…
Có nhiều tồn tại vướng mắc trong thực hiện BHYT được chỉ ra trong Báo cáo giám sát, như đến cuối năm 2012, vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%, trong đó có 4 tỉnh đạt mức thấp dưới 50% dân số của tỉnh tham gia BHYT; 14 tỉnh tỷ lệ tham gia BHYT tăng chậm (dưới 5%) và có 6 tỉnh tỷ lệ tham gia BHYT giảm từ 1-7%...
Ngoài ra, một số nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT nhưng tỷ lệ đạt thấp, chẳng hạn, người lao động tham gia BHYT chỉ đạt 50%, trong đó khu vực tư nhân chỉ đạt 20-30%; học sinh, sinh viên mới đạt tỷ lệ 80% (có tỉnh như Nam Định chỉ đạt 30%), trong đó, sinh viên ở các trường TCCN, CĐ, ĐH, đặc biệt các trường tư có tỷ lệ tham gia rất thấp và vẫn còn khoảng 5% trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, người thuộc hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí mua BHYT (từ trước tháng 6.2012) và tăng lên 70% (từ tháng 6.2012) nhưng đến cuối năm 2012 chỉ có khoảng 20% số người thuộc hộ cận nghèo tham gia, có nơi tỷ lệ chỉ đạt từ 2-5%, trong đó có Hà Nội với 4,7%, Bình Thuận 2%, Bình Phước 0,1%.
Một trong những nguyên nhân của tồn tại nêu trên được chỉ ra trong Báo cáo giám sát là hoạt động khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện chưa thực sự hấp dẫn, thu hút người dân.
Theo đó, hiện nay, đa số các bệnh viện đều hoạt động theo cơ chế tự chủ và mở rộng xã hội hóa, qua đó sử dụng khá nhiều thiết bị kỹ thuật y tế theo mô hình góp vốn, dành 5-10% số giường làm dịch vụ để thu phí cao. Bệnh nhân BHYT chỉ được hưởng những dịch vụ cơ bản do BHYT chi trả, khi sử dụng dịch vụ xã hội hóa, họ phải trả thêm phần tiền chênh lệch.
“Xã hội hóa công tác khám chữa bệnh tuy đạt nhiều thành tựu, có nhiều điểm tích cực, song cũng hình thành 2 chế độ trong một bệnh viện nhà nước (bệnh nhân BHYT với 2-3 người/giường và bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu với 1 người/phòng với đầy đủ thiết bị). Sự tương phản này cùng với yêu cầu về y đức chưa được cải thiện nhiều làm cho BHYT Việt Nam thiếu hấp dẫn, gặp khó khăn trong việc mở rộng”, Đoàn giám sát đánh giá.
Cũng theo báo cáo, để khắc phục một phần bất cập này, một số bệnh viện tuyến tỉnh đã chủ động tách riêng khu dịch vụ theo yêu cầu với khu điều trị chung.
Quá trình thảo luận về Báo cáo giám sát, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ thực trạng người tham gia BHYT được “đối xử” như thế nào trong quá trình khám chữa bệnh vì trên thực tế, đã có không ít trường hợp có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh bị phân biệt đối xử, bị “hành” về thủ tục.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào, trách nhiệm liên đới ở các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, thực thi các chính sách pháp luật về BHYT đối với người dân ra sao để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý trong giai đoạn tới.
Bảo Cầm
>> Kiểm soát giá dịch vụ xã hội hóa tại bệnh viện công
>> Lợi ích nhóm trong bệnh viện công
>> Hé lộ “mảng tối” ở bệnh viện công
>> Kỷ luật nhân viên gây phiền hà cho bệnh nhân bảo hiểm y tế
>> Nhiêu khê bảo hiểm y tế
Bình luận (0)