Trái “đeo” từng chùm, gần bằng quả nho xanh Ninh Thuận trông thấy mê. Dù non hay chín mọng, “cơm” trái đều gây ngứa “vàng trời”. Song dùng nấu ăn thì êm...ru!
>> Ngon lạ như thỏ nướng
>> Lưu luyến hương vị lia thia
Một anh bạn, chủ nhà hàng lớn chuyên bán các món Nam bộ ở TP.HCM, lần đầu đưa người yêu về tham quan đất Mũi (Cà Mau), ăn thử món cá đuối kho lạt với trái này đã nhuốm bệnh... tương tư. Cá đuối nước lợ thịt ngọt, dẻo song vương vấn chút mùi tanh. Nhờ nước giầm trái lạ này “bọc hậu”, không khác Triệu Tử Long tả xung hữu đột giúp ngư đuối - Lưu Bị - vượt trùng vây nhẹ nhàng, thanh thoát.
|
Về lại Sài Gòn, không nghe anh kể những kỷ niệm ngọt ngào với cô bạn gái, toàn tấm tắc khen một giống “nho lạ”. Anh tặc lưỡi tiếc rẻ rằng, không biết tìm mua nó ở đâu để đưa vào thực đơn. May mắn gặp người viết cho biết, đây là một loại “trái cấm” của đất rừng phương Nam, có thể nhờ bạn bè hái giúp.
Dân bản địa thường gọi trái giác. Dây giác mọc hoang khắp những vạt rừng, bờ ao... nước lợ. Loại dây này rất khỏe, khi bị chặt hoặc tàn lụi trong mùa nắng sẽ đâm chồi mơn mởn sau mưa. Bởi rễ cái nó luôn ăn sâu trong lòng đất, lớn dần. Muốn phá bỏ... tận gốc, chỉ còn cách đào hết rễ, củ như diệt cỏ cú.
Thường gặp giống “nho rừng” này ở Cần Giờ, Gò Công Đông, Cà Mau..., ngay cả ven rạch gần bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM. Nó thả vòi kín trên ngọn trâm bầu, bần..., khiến cây chủ “từ chết tới bị thương”, vì lá không đủ ánh sáng để quang hợp. Thế nên, dây cho trái gần như quanh năm.
Trái chín rục có màu tím sẫm tựa mực mồng tơi. Dân “biết ăn” ít khi chọn trái chín chế biến, bởi nó tạo màu nước tím đen không đẹp mắt. Họ chỉ hái những trái già hoặc vỏ hơi ửng tím (hườm) gia giảm vào nồi canh, lẩu hay các món kho lạt để “mượn” hương vị chua thanh dịu rất đặc biệt của chúng.
Không ngất ngát như bột bần và cũng không hề tạo cảm giác ê răng như bột me chín, nó thơm thoảng nhẹ, đồng thời tạo vị chua từ tốn hơn. Cấp độ này, na ná đọt me non. Chỉ khác, “cơm” giống “me tròn” này không có nhựa chát để hãm bớt độ chua. Thật ra, hạt trái chứa một lượng chát nhất định, nhưng ít thấy đầu bếp dân gian nào chịu khó giã ra để kìm hãm “phe chua”. Do vậy, gặp thợ bếp nhắm mắt nêm bừa, thì trái giác vẫn trở thành trọng tội gây... xót ruột, nổi da gà cho người ăn như thường.
|
Không riêng cá đuối, những loại hải sản nước ngọt và lợ đều hợp với trái chua hiền dịu này. “Danh trấn” có thể kể món lẩu (canh) cá bông lau nấu trái giác. Phần ức cá trắng tươi, giòn ngọt, béo thanh quyến rũ ngang... Dương Quý Phi. Đám heo cỏ bị ăn cám công nghiệp mà biết chuyện này, phải khóc đến sưng mắt vì... tủi thẹn.
Đó là những kiểu ngon độc tấu, còn hợp tấu vẫn có nét hấp dẫn riêng. Chẳng hạn, phối hợp ít nước cơm mẻ với 5 -10 trái giác vào nồi lẩu lươn đồng, cùng nhiều rau - hoa dại: bắp chuối, chuối chát, bông điên điển... Mùi thơm sực nức của mẻ tỏa lên dào dạt, tựa một nốt nhạc có âm vực rộng. Vị chua “nhu mì” của giác thêm quyến luyến miệng lưỡi thực khách và tạo độ sâu lắng. Còn chất ngọt bùi của thịt lươn đồng, đang len sâu vào tâm khảm kẻ tha hương, đủ để họ “thương hoài ngàn năm” những món chân quê!
Thì ra, nhiều sinh vật đều có cách tự vệ riêng, nhằm được sinh tồn và “phát dương quang đại”. Nếu chịu khó tìm hiểu, ta sẽ vượt qua vòng “kim cô” của chúng. Nương theo chiều gió, gieo hạt cây... tình!
Tạ Tri
Bình luận (0)