|
Họ căng băng rôn, khẩu hiệu và yêu cầu gặp giám đốc Công ty Bình Lâm để đòi trả tiền mua vật tư, công xây dựng nhà tình nghĩa... còn nợ nhiều tháng nay.
Việc tụ tập đông người để đòi nợ khiến hàng trăm người hiếu kỳ đến xem, gây ùn tắc giao thông cả một đoạn đường, và lực lượng công an phải có mặt để vãn hồi trật tự. Tuy nhiên, nhiều gia đình chính sách vẫn kiên quyết không giải tán mà yêu cầu giám đốc Công ty Bình Lâm phải cam kết trả nợ mới chịu ra về.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên Online, chị Thạch Vân (43 tuổi, ngụ P.Trường Lạc, Q.Ô Môn, gia đình liệt sĩ) bức xúc cho biết khoảng cuối tháng 7, Công ty Bình Lâm xuống nói dỡ nhà để xây dựng nhà tình nghĩa trị giá 63 triệu đồng. Thế nhưng công ty không trực tiếp xây dựng mà khoán cho gia đình tự thi công và có đưa tiền hai lần, tổng cộng 24 triệu đồng. Để có tiền xây dựng, gia đình chị Vân phải đi vay mượn ở ngoài gần 40 triệu đồng mua vật tư. Nay nhà đã hoàn thành và dọn vào ở.
"Trước khi nghiệm thu nhà, ông giám đốc công ty trực tiếp đến nói với má tôi (Thạch Thị Hồng Thắm, vợ liệt sĩ) là bác cứ nói đã nhận đủ tiền đi, 63 triệu rồi con gửi lại cho bác sau nhưng từ đó đến nay Công ty Bình Lâm vẫn không trả tiền, nên gia đình bị những nơi mua vật tư cất nhà đòi suốt", chị Vân nói.
Còn anh Phan Thanh Bình (42 tuổi, ngụ P.Trường Lạc, Q.Ô Môn, gia đình chính sách) cho biết Công ty Bình Lâm không trực tiếp xây nhà mà khoán cho một đơn vị khác thi công. Đơn vị nhận thầu chỉ đổ vật tư khoảng 21 triệu đồng và khoán lại cho gia đình tự xây với tiền công là 12 triệu đồng.
Tuy nhiên, do Công ty Bình Lâm chậm trả tiền, đơn vị nhận thầu không đổ vật tư tiếp nên gia đình phải đi vay mượn tiền mua vật tư xây dựng hoàn thiện căn nhà. Đến nay, công ty vẫn chưa thanh toán số tiền nói trên.
|
Trong một diễn biến liên quan, 5 nhà thầu phụ được Công ty Bình Lâm thuê thi công nhà tình nghĩa, nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán tiền đã làm đơn kiến nghị gửi các ngành chức năng cho biết đến ngày 1.11, nếu không được Công ty Bình Lâm thanh toán dứt điểm số tiền còn thiếu thì họ sẽ tiến hành tháo dỡ các căn nhà tình nghĩa đã xây để lấy vật tư đem bán để có tiền trả nợ cho công nhân...
Trước đó, sau khi Thanh Niên Online ngày 23.9 đăng bài phản ánh tình trạng thi công nhà tình nghĩa chậm tiến độ và không đạt chất lượng của Công ty Bình Lâm, sáng 25.9, UBND TP.Cần Thơ họp với lãnh đạo UBND các quận, huyện nhằm chấn chỉnh việc xây dựng nhà tình nghĩa trên địa bàn.
UBND TP.Cần Thơ cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng cùng Sở LĐ-TB-XH và các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra về tiến độ và chất lượng những căn nhà tình nghĩa do Công ty Bình Lâm thi công.
Tin, ảnh: Mai Trâm
>> Cần Thơ chấn chỉnh việc xây nhà tình nghĩa
>> Tiếp tục kiểm tra việc xây dựng nhà tình nghĩa
>> Bỏ bê thi công hàng trăm nhà tình nghĩa
Bình luận (0)