Làm gì cho “nàng”?
Trước và trong ngày 8.3, ai cũng biết là phải tặng hoa cho phụ nữ để tỏ lòng tôn kính (riêng ở nhà trẻ nếu không tặng hoa có thể tặng kẹo cho các bạn nữ). Ngày 8.3 bởi vậy có một cách định nghĩa khác là ngày giá hoa lên tới mức… đắt cắt cổ. Và không chỉ tặng hoa, đàn ông còn phải tặng quà cho đàn bà nữa, quà tặng cho đàn bà thì muôn hình muôn vẻ, từ quyển sách, chiếc váy, lọ nước hoa, vòng, nhẫn… đến trái tim và cả cuộc đời. Bên cạnh quà tặng, đàn ông chu đáo có thể chuẩn bị thêm ít lời chúc tụng có cánh kèm theo để thêm phần long trọng, lãng mạn và ý nghĩa theo kiểu lời khuyên “Đàn ông thích thịt bò, đàn bà thích hoa hồng nên khi mời đàn bà ăn thịt bò, đàn ông cũng nên tặng kèm bó hoa hồng”.
Trong chuyện tặng quà 8.3, nhiều khi đàn ông mong được sự gợi ý của đàn bà để có định hướng, để đỡ phải suy nghĩ đến nát óc. Đàn ông chỉ mong đàn bà không đánh đố kiểu “Anh yêu em thì phải biết em thích cái gì chứ” mà như mọi khi, đàn ông chỉ chờ đưa ra những mệnh lệnh cụ thể.
Và không chỉ tặng quà, trong ngày 8.3, đàn ông còn phải làm nhiều việc để làm đẹp lòng đàn bà: đưa đàn bà đi ăn sáng, đưa đón con, nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà… cứ như thể đàn ông không còn có việc gì khác để làm. Đối với đàn ông ít khi phải làm việc nhà, ngày 8.3 dường như có ý nghĩa này để đàn ông thử nếm trải những vất vả của chị em phụ nữ.
Nhiều đàn ông thậm chí phải chạy sô, trưa phải mời đàn bà cơ quan đi ăn trưa, chiều phải mời đàn bà trong gia đình đi ăn chiều. Đối với đàn ông có nhiều đàn bà, ngày 8.3 dường như là một thử thách, là ngày như thể để “trả nợ” cho những chăm sóc, sung sướng do đàn bà đem lại trong suốt năm. Nhiều đàn ông coi ngày 8.3 là một dịp để thể hiện những lời nói và cử chỉ đẹp, một dịp để “lập công” - dịp để chứng tỏ sự ga-lăng của mình đối với phái đẹp.
Nhiều đàn ông phải chạy sô, trưa mời đàn bà cơ quan đi ăn trưa, chiều phải mời đàn bà gia đình đi ăn chiều
|
|
Áp lực cho "chàng"
Trước áp lực của ngày 8.3, đàn ông nhiều khi hoảng sợ, có đàn ông thậm chí trốn biệt đi công tác, thậm chí đi ra nước ngoài để… lánh nạn. Gọi 8.3 là ngày Quốc tế phụ nữ nhưng ở nhiều nước, chẳng biết là may mắn hay rủi ro, chẳng biết là thách thức hay cơ hội, đàn ông vẫn không biết đến có một ngày như thế.
Đàn ông nào không trốn được chỉ còn biết kêu gọi nhau là “Lại một lần nữa, cái ngày đáng sợ ấy sắp tới. Không thể thoát được nó, không thể hoãn được nó, càng không thể chạy trốn nó. Vậy chúng ta hãy đứng sát vào nhau, hãy nắm chặt tay và đối diện với nó một cách anh hùng” (Lời kêu gọi đàn ông nhân ngày 8.3).
Đàn ông cũng biết là ngày 8.3, một sự quan tâm nho nhỏ của đàn ông thôi cũng làm đàn bà hạnh phúc, cũng là thanh củi chất thêm vào ngọn lửa của tình yêu. Đàn ông trước và trong ngày 8.3 ngoài chuyện tặng hoa, tặng quà phục vụ đàn bà, nếu có phải tặng nhau cái gì thì nên tặng nhau chữ “Nhẫn” có thể với lời diễn giải là “Nhẫn một chút cho trời yên biển lặng”. Đàn ông có thể an ủi nhau rằng sau ngày 8.3, như sau cơn bão, mọi thứ lại trở lại bình thường. Ai khéo nịnh vợ, nịnh người yêu, nịnh bạn gái, nịnh sếp gái… sau ngày 8.3 có thể còn được thưởng.
Đàn ông cũng chẳng tị nạnh rằng đàn bà có ngày 8.3 thậm chí có cả ngày 20.10 nữa mà đàn ông chẳng có ngày nào, thật ra những ngày còn lại trong năm là của đàn ông. Tất nhiên nếu có ngày nào đó để đàn ông được tặng quà (hoa thì thôi khỏi tặng), được đàn bà thử nếm trải những vất vả của việc làm đàn ông thì cũng tốt. Đặc biệt, như ngày 8.3 là dịp để tuyên dương chị em “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cũng nên có dịp nào đó để xét trao tặng một số đàn ông danh hiệu “Người chồng ưu tú”, “Người chồng nhân dân”, mà một trong những tiêu chí đầu tiên để xét tặng các danh hiệu trên là thái độ ứng xử với chị em phụ nữ ngày 8.3.
Hoàng Việt Cường (Phan Văn Trị, Bình Thạnh) Tôi cũng thường gọi điện về để chúc mừng mẹ và các chị gái nhân ngày này. Ở cơ quan thì chúng tôi thường mời chị em phụ nữ đi ăn trưa để chiêu đãi. Tôi nghĩ một năm có 2 ngày dành cho chị em phụ nữ cũng rất ý nghĩa vì cả năm chị em rất vất vả trong công việc xã hội, chăm sóc nhà cửa, chồng con nên những ngày này, phái nam sẽ có dịp bày tỏ sự trân trọng của mình đối với nửa còn lại của thế giới. Trần Hoàng Anh (Nguyễn Biểu, TP. Buôn Ma Thuột) Ngày 8.3, tôi thường mua hoa tặng bạn gái của mình, chở bạn đi uống cà phê hay đi xem phim, ca nhạc, cũng có khi đi chơi xa cùng nhóm bạn. Thường ngày 8.3 thì hoa, quà tặng, dịch vụ mắc hơn nhiều lần so với ngày thường nhưng mỗi năm chỉ có một dịp thôi nên tôi cũng không quan tâm đến giá cả lắm vì đã chuẩn bị “tư tưởng”. Với mẹ và các cô, dì, tôi hay nhắn tin chúc mừng 8.3. Trong lớp thì đám con trai thường hùn tiền lại, mua hoa, quà cho cô giáo và các bạn nữ. Mùng 8.3 nên bao giờ các bạn nữ cũng được cánh con trai ưu tiên hơn, các bạn ấy thường được trường cho nghỉ học, đi hội họp và thi thố, liên hoan rất vui và các bạn ấy cũng đôi khi “bắt nạt” cánh râu mày trong ngày này. Tôi thấy rất may là một năm chỉ có 2 ngày dành cho phái nữ “vùng lên thôi” chứ nhiều ngày hơn thì chắc chết quá! Vào ngày mùng 8.3, tôi thường mua tặng vợ một món quà nho nhỏ và mua một bó hoa thật đẹp để tặng chung cho mẹ và vợ. Sau đó tôi nhắn tin chúc mừng cho các bạn gái cũ (tất nhiên là các bạn học cùng hồi phổ thông hoặc đại học). Còn ở công ty, tôi và các anh em khác đóng góp tiền để mua hoa tặng và mời chị em đi ăn trưa, nhẹ nhàng và thật vui vẻ. Cũng có lúc, tôi và một vài người bạn than thở vui là sao phụ nữ lắm ngày thế còn đàn ông thì chẳng có ngày nào. Lúc đó, y như rằng tôi nhận được câu trả lời “tất cả những ngày còn lại là của đàn ông rồi còn gì”. Minh Anh, Minh Phương (ghi) |
Phan An
Bình luận (0)