“Phải đi học để có nghề nghiệp ổn định”
Châu Siêu Diệnl là con thứ 5 trong một gia đình có 7 anh chị em ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ba mẹ phải đi làm nhiều nghề, lúc thì phụ hồ, khi thì làm ruộng để nuôi anh em Diệnl ăn học. Đến khi học xong THCS, thấy ba bị bệnh không đi làm thuê được, thương ba mẹ nên Diệnl đã nghỉ học và đi làm rẫy, làm thuê trong xóm kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Một thời gian sau, thấy đi làm thuê trong xóm chỉ được 80.000 đồng/ngày, Diệnl quyết định lên TP.HCM xin vào làm công nhân may khi tròn 18 tuổi. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn vô cùng vất vả, lương thấp (4-4,2 triệu đồng/tháng), trang trải chi phí ở thành phố cũng không còn lại bao nhiêu, Diệnl đã có một quyết định táo bạo lúc bấy giờ, đó là đi học nghề!
“Em thấy làm công nhân may như vậy khá bấp bênh. Muốn có một công việc ổn định hơn, thu nhập cao hơn, chắc phải đi học nghề thôi. Vậy là em quyết định về quê học nghề. Hồi còn nhỏ anh Tư của em hay bày cho em về điện, em rất thích nên đăng ký luôn ngành điện công nghiệp, vừa học nghề vừa học văn hóa tại trường trung cấp nghề dân tộc nội trú của tỉnh”, Diệnl kể lại.
Vậy là sau 6 năm không đụng tới sách vở, Diệnl háo hức trở lại trường học nghề điện mà mình đam mê và nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu.
Trăn trở chuyện học tiếng Anh trong trường nghề
Chưa từng được học tiếng Anh trước đó, nhưng khi vào trường nghề, Diệnl cho thấy khả năng học tiếng Anh của mình rất nổi trội. Hầu như cả trường rất ít ai có điểm môn này trên 7 như Diệnl.
Diệnl chia sẻ: “Em thấy khi đi học nghề, đa số đều chỉ tập trung vào các môn chuyên ngành mà ít bạn nào có hứng thú hoặc có sức học tiếng Anh tốt. Lý do là vì các bạn không có sự yêu thích và chưa nhận thức được lợi ích của việc học tiếng Anh đối với công việc sau này. Em là người Khmer nên từ nhỏ đã học chữ, học tiếng Khmer. Em cảm thấy việc học tiếng Anh và Khmer có nhiều điểm tương đồng. Vì thế, em đã tìm hiểu, mày mò và đưa ra phương pháp học tiếng Anh cho chính mình để có được kết quả tốt nhất”.
Từ những trăn trở trên, hồi đầu năm khi nghỉ dịch ở nhà, Diện đã viết một bài tham luận có tên “Làm thế nào để học tốt bộ môn tiếng Anh đối với các bạn học sinh Trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh An Giang” và gửi cho thầy giáo dạy tiếng Anh trong trường. Được thầy động viên, khen ngợi và chỉnh sửa, Diệnl đã có bài tham luận hoàn chỉnh để gửi cho bạn bè trong lớp với mong muốn các bạn sẽ áp dụng cách học đó để tiếng Anh được tốt hơn.
Diệnl cho biết: “Bí quyết đầu tiên là các bạn phải đam mê nó, đó là động lực cao nhất. Thứ hai là phải trả lời được câu hỏi mục đích của việc bạn học tiếng Anh là gì? Trước hết, hãy lên thời gian biểu và kế hoạch học tiếng Anh bao nhiêu phút mỗi ngày và nội dung học mỗi ngày. Em thấy việc học 30 phút mỗi ngày tốt hơn học nhiều giờ một lần. Hãy học đều đặn. Học thường xuyên. Chỉ cần 30 phút. Hãy ấn định một thời gian cụ thể, giữ đúng giờ, duy trì thói quen… sẽ thấy được sự tiến bộ của mình hằng ngày”.
Về từ vựng, Diệnl đã dành thời gian để tìm những chủ dề khác nhau như từ vựng về ngành nghề đang học, từ chuyên ngành hay những từ vựng cơ bản nhất để có thể giao tiếp hằng ngày. “Nếu mỗi ngày bạn chỉ học 5 từ thì mỗi năm bạn sẽ học được 1.825 từ mới. Bên cạnh đó, em còn học tiếng Anh qua các thành ngữ, tục ngữ. Cách học này vô cùng hiệu quả vì áp dụng được luôn trong quá trình giao tiếp. Ngoài ra, em cũng học tiếng Anh qua internet, xem ti vi, đọc sách, nghe bài hát tiếng Anh…”, Diệnl chia sẻ thêm.
|
Với sự nỗ lực và đam mê học tập không chỉ ở môn tiếng Anh mà còn nhiều môn học chuyên ngành khác, Diện có điểm tổng kết các môn trên 8,2 và đạt loại giỏi. Diện còn tham gia nhiều hoạt động, từng đạt giải B tiết mục múa trong ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh. Mới đây, Diệnl được Bộ LĐ-TB-XH tuyên dương là một trong những học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc khối Giáo dục nghề nghiệp và được nhận quà từ Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Nhìn lại hành trình mình đã đi qua, Diện bày tỏ: “Tên Châu Siêu Diệnl của em tiếng Khmer có nghĩa là 'dồi dào'. Nhà em tuy khó khăn nhưng ba mẹ đã luôn 'dồi dào' sự cố gắng và tình yêu thương để tất cả các anh chị em đều được ăn học, trong đó có một anh trai tốt nghiệp ĐH, còn lại ai cũng được học nghề từ trung cấp tới CĐ. Còn đối với bản thân, em mong mình luôn dồi dào sức khỏe để tạo ra nhiều sự 'dồi dào' khác, như những gì ba mẹ muốn gửi gắm vào cái tên của mình”.
Bình luận (0)