Những người sợ mất điện thoại hơn mất ví tiền!

29/11/2021 19:07 GMT+7

Có một thực tế là nhiều bạn trẻ ra đường sợ mất điện thoại hơn là mất ví tiền. Vì sao vậy? Có phải đang có nhiều người trẻ đang quá chìm đắm trong thế giới ảo hơn cả đời sống thật?

Cuộc trò chuyện xoay quay chủ đề “Giải độc công nghệ bắt đầu từ đâu?” do Trường ĐH Khoa học xã hội xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức trong tuần qua ghi nhận nhiều quan điểm thú vị.

Anh Phạm Công Nhật, thạc sĩ Quản trị truyền thông, ĐH Stirling (Vương quốc Anh), cho biết thế hệ gen Z sinh năm 1995 tới 2010 được cho là những công dân thế hệ số, với điểm cộng là thành thạo công nghệ hơn, song nhiều bạn bị “nghiện”, “ngộ độc” công nghệ. Từ đó, có nhiều hệ lụy như khả năng tập trung, sự kiên nhẫn sẽ giảm đi, sự tranh cãi nhiều khi lớn hơn tranh luận, ảnh hưởng lớn khi người trẻ làm việc trong các tập đoàn lớn vốn đánh giá thái độ hơn trình độ.

Hậu quả khi quá "nghiện" công nghệ

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, tốt nghiệp bác sĩ đa khoa – Trường ĐH Y Dược TP.HCM, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1 tại Trường ĐH Y Dược TP. HCM, thạc sĩ y khoa chuyên ngành Tâm thần học tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đưa ra những cái nhìn từ góc độ tâm thần học. Theo đó, ai cũng có thể nghiện một cái gì đó, người “nghiện” ăn, người “nghiện” người yêu. Nghiện là hành vi lặp đi lặp lại, khó bỏ. Nhưng khi nào thì “nghiện” trở thành vấn đề sức khỏe tâm thần? Đó là khi nó tạo cho bạn cảm giác thèm nhớ, không làm được là bứt rứt, thèm nhớ. Khi thèm nhớ, thiếu thốn thì đi tìm kiếm mọi cách để sử dụng.

Việc tìm kiếm để sử dụng này cứ lặp đi lặp lại, bất chấp hậu quả. Ví dụ có thể chơi game từ tối tới 4-5 giờ sáng, lâu dài ảnh hưởng sức khỏe tim mạch, không có thời gian học hành, phát triển bản thân… Và hậu quả nặng nề nhất là gây tổn thương các mối quan hệ xung quanh mình.

Các khách mời tham gia chương trình. Từ trái qua, anh Công Nhật, bác sĩ Trung Nghĩa, MC Quang Bảo, anh Mạnh Hùng, MC Trà My

Ảnh chụp màn hình

Theo bác sĩ Nghĩa phân tích, khi nghiện một cái gì đó, lặp đi lặp lại một việc làm, lâu dần sẽ thay đổi cấu trúc não bộ, khiến những hành vi bản năng, không có nhận biết nhiều lên và ngược lại, tư duy phản biện, khả năng kiểm soát hành vi lại càng ít đi.

Anh Bùi Mạnh Hùng, Học viên cao học ngành Khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ), nêu ra một thực tế hiện nay, đó là nhờ các thuật toán, máy móc đôi khi có thể hiểu mỗi người hơn chính bản thân mình hoặc cả người thân của chính họ.

Anh Phạm Công Nhật đồng tình quan điểm này: “Có những vấn đề nhạy cảm, chúng ta ngại chia sẻ với người thân hay bồ của mình, sợ bị đánh giá, nhưng lại sẵn sàng lên google để hỏi. Từ đó công nghệ, máy móc sẽ thu thập thông tin của người dùng dễ dàng hơn”.

“Máy móc càng hiểu con người, càng khiến người ta nghiện. Tôi nghĩ có rất nhiều bạn trẻ bây giờ ra đường sợ mất điện thoại hơn là mất ví, trong đó có nhiều thông tin quan trọng. Rồi cũng có bạn không có điện thoại chỉ đường thì không tự tin đi đâu”, anh Công Nhật nói.

Thuốc giải độc ở đâu?

Ngộ độc công nghệ là vấn đề có thật, vậy thuốc giải độc ở đâu? Anh Bùi Mạnh Hùng cho rằng công nghệ ban đầu vốn được tạo ra với ý nghĩa mục đích tốt đẹp, trong mùa dịch Covid-19 này có thể giúp mình kết nối với những người bạn ở xa, làm việc tại nhà… Nhưng cách mình sử dụng công nghệ như thế nào mới quan trọng.

Nhiều người trẻ bị "nghiện" công nghệ

Ảnh minh họa bảo vy

Cách làm của anh Hùng là dọn dẹp màn hình điện thoại, tắt hết thông báo từ các ứng dụng không cần thiết để tránh mất tập trung. “Tôi chia ra các khoảng thời gian trong ngày, giờ nào làm việc, giờ nào thư giãn lên mạng. Hoặc chia thời gian làm việc 25 phút, nghỉ 5 phút rồi cứ thế, có thể lặp lại tới khi kết thúc giờ làm việc”, anh Hùng chia sẻ.

Anh Công Nhật chia sẻ thói quen của mình, đó là không xem tivi hơn 10 năm qua, không dùng Instagram, ít dùng Zalo, chỉ dùng Facebook, bởi càng nhiều ứng dụng sẽ càng khiến sự tập trung của anh giảm sút đi.

“Ngăn cản, hạn chế, tách mình ra khỏi công nghệ để cai nghiện công nghệ chỉ là một phần. Bên cạnh đó, hãy dùng các hành vi thay thế. Như là bạn đang thấy mình lướt Facebook trong vô thức chẳng hạn, hãy đi tập thể dục, hoặc mang sách ra đọc. Hãy luyện tập khả năng nhận biết tâm trí của tôi đang làm gì, để quay trở lại thực tại. Đừng bỏ 1 hành vi, rồi để lại khoảng trống, việc cai “nghiện” sẽ thất bại”, bác sĩ Nghĩa khuyên.

Bác sĩ, thạc sĩ chuyên ngành tâm thần học cũng cho rằng, hãy tìm ra bản chất gốc rễ của bất cứ câu chuyện nào, để giúp người trong cuộc giải độc, cai nghiện công nghệ.

Một bạn trẻ nghiện Facebook, chìm trong thế giới ảo, có thể bạn đã và đang trải qua một nỗi đau, stress nặng nề mà không thoát ra được. Hãy ngồi xuống, quan tâm, và thấu hiểu họ trước...

Đang đi ăn với người này, lại chat với người khác ‘hôm nào cà phê nhé’

MC Quang Bảo, người dẫn chương trình truyền hình, từng nhận học bổng du học Úc theo chương trình “Thế hệ vàng” của TP.HCM, cho hay anh đã có 14 tháng không dùng TikTok và thấy không sao. Anh chưa bao giờ cho phép công nghệ tấn công mình và thừa nhận, công nghệ là một phần của cuộc sống, cho con người tiết kiệm thời gian hơn, tiện ích hơn.

MC Quang Bảo cho rằng, thay vì bài trừ công nghệ, tại sao không chia sẻ cho nhau cách sử dụng công nghệ hữu ích hơn. Nhiều phụ huynh nghĩ là mang iPad cho con chơi là xong, nhưng vì sao phụ huynh không cùng chơi công nghệ với con, cùng với con học tiếng Anh trên các ứng dụng rất hay?

“Tôi nghĩ rằng mỗi người trẻ hãy biết trân trọng khoảnh khắc hiện tại, sống trọn vẹn cho hiện tại. Nhiều bạn đi ăn với người này nhưng mắt nhìn điện thoại liên tục rồi “chat” với bạn khác hẹn là “hôm nào cà phê nhé”. Tôi mới nghĩ ra những ý tưởng để sử dụng thời gian trọn vẹn hơn. Những lần hẹn nhóm bạn đi ăn hãy mang theo một cái hộp có khóa, bỏ hết mọi điện thoại vào đó, tắt hết thông báo từ các ứng dụng, chỉ để chuông cuộc gọi thông thường. Ai dùng nhiều điện thoại sẽ trả tiền chẳng hạn”, Quang Bảo đóng góp ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.