Đánh giá học sinh tiểu học: Chưa được như mong đợi

16/03/2015 06:43 GMT+7

Hôm qua, Bộ GD-ĐT phối hợp với Cơ quan UNICEF tổ chức hội nghị sơ kết một học kỳ cả nước thực hiện việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT.

Hôm qua, Bộ GD-ĐT phối hợp với Cơ quan UNICEF tổ chức hội nghị sơ kết một học kỳ cả nước thực hiện việc đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT.

Tại hội nghị, đại diện các sở GD-ĐT đều đồng ý với nhận định của Bộ GD-ĐT rằng việc đổi mới đánh giá ở cấp tiểu học (chủ yếu thể hiện qua việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét thay vì điểm số trước đây) sẽ giúp học sinh giảm áp lực về điểm số - thành tích, giúp các em thấy hứng thú học tập hơn. Theo các đại biểu, hầu hết giáo viên trực tiếp đứng lớp cũng nhận thức được điều này.

Tuy nhiên, do học kỳ đầu tiên triển khai ở cấp đại trà nên việc thực hiện chưa được như mong đợi, nhiều giáo viên còn than phiền hoặc ngấm ngầm làm việc theo kiểu đối phó, khiến phụ huynh học sinh chưa thật hiểu tinh thần đổi mới. Đồng thời hiện vẫn còn tình trạng một số trường cũng như cán bộ quản lý chỉ đạo máy móc, cứng nhắc, gây áp lực cho giáo viên, nhất là về hệ thống hồ sơ, sổ sách và việc ghi sổ. Một số giáo viên gặp khó khăn khi đánh giá bằng lời nói trong từng giờ học vì mất nhiều thời gian. Cán bộ quản lý các cấp thì băn khoăn về việc quản lý chất lượng học sinh, đánh giá công tác giảng dạy của giáo viên. Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa thực sự yên tâm với cách đánh giá mới, không thích cách nhận xét, chưa quan tâm nhiều đến việc nhận xét.

Một số đại biểu cho rằng cũng cần xem xét lại cường độ làm việc của giáo viên hiện nay để tìm cách tháo gỡ hoặc đề xuất thay đổi các quy định nếu chưa hợp lý, ví dụ như định mức lao động của giáo viên (23 tiết/tuần), hoặc định biên trường tiểu học (1,2 giáo viên/lớp nếu học 1 buổi/ngày; 1,5 giáo viên/lớp nếu học 2 buổi/ngày).

Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, Bộ sẽ xem xét lại cường độ lao động của giáo viên, mặt khác các địa phương cũng nên nhân cơ hội này chủ động rà soát, thấy những yêu cầu nào còn mang tính hình thức và nặng về thủ tục hành chính thì chỉ đạo các trường bỏ. “Điều quan trọng là phải tạo ra không khí làm việc dân chủ. Khi đi kiểm tra cần lắng nghe ý kiến giáo viên, nếu thấy giáo viên thực sự làm đúng dù không khớp với văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý thì nên ủng hộ, không nên bắt giáo viên thực hiện một cách máy móc các chỉ đạo từ trên”, ông Định nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.