Sứ quán Đan Mạch ngày 16.5 đã công bố báo cáo “Việt Nam - Đan Mạch – Sự chuyển đổi của quan hệ đối tác (2000-2015)”, do công ty tư vấn Lattanzio Advisory thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Đan Mạch
Kể từ năm 1993, Đan Mạch là một trong những nhà cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam, với khoản hỗ trợ phát triển không hoàn lại trị giá khoảng 825 triệu USD (5,5 tỉ DKK) trong giai đoạn 15 năm thực hiện báo cáo.
Theo báo cáo, Đan Mạch là nhà tài trợ chính trong lĩnh vực thủy sản - và hỗ trợ của VN, mang lại kết quả vô cùng tích cực. Đồng thời, dấu ấn của quốc gia Scandinavia cũng hiện diện rõ ràng trong mọi lĩnh vực hỗ trợ khác đối với Việt Nam, bao gồm môi trường/biến đổi khí hậu, nước/vệ sinh, quản trị công/quyền con người, văn hóa, thương mại, doanh nghiệp.
Trong giai đoạn kể trên, quan hệ kinh tế song phương đã được mở rộng đáng kể, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp bốn lần kể từ năm 2005, và tăng gấp đôi kể từ năm 2012. Đầu tư từ Đan Mạch vào Việt Nam cũng tăng gần ba lần trong vòng 10 năm qua.
Sự hợp tác phát triển giữa hai nước cũng giúp thu hút các công ty Đan Mạch tới Việt Nam. Hiện nay có 135 công ty Đan Mạch đang kinh doanh tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực đồ gỗ, dệt may, năng lượng sạch, công nghệ thông tin truyền thông, điện tử và phần mềm, vận tải hàng hải và hậu cần, thực phẩm.
|
Năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch ký kết Hiệp định Hợp tác Toàn diện (CPA) nhằm đưa ra một khung hợp tác chính thức sau giai đoạn Hợp tác Phát triển truyền thống. Thỏa thuận này tập trung tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, thương mại, và hướng đến sự hợp tác chặt chẽ hơn về giáo dục, môi trường và khí hậu.
Theo đánh giá của báo cáo, trong các quốc gia châu Âu, Đan Mạch đã đạt mức xuất khẩu hàng hóa cao nhất vào Việt Nam, tính trên đầu người vào năm 2015. Hàng triệu người đã được tiếp cận các điều kiện sống cũng như những cơ hội tốt hơn, nhờ vào sự hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đan Mạch trong giai đoạn 2000-2015.
Bình luận (0)