Đánh giá kỹ lưỡng những ưu, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư

06/05/2017 06:41 GMT+7

Sáng 5.5, Hội nghị lần thứ năm BCH T.Ư Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị, gợi mở, nêu một số vấn đề liên quan đến nội dung các đề án, báo cáo để T.Ư thảo luận, xem xét, quyết định.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN
Trong 10 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH T.Ư Đảng khóa X "Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN" đã góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng XHCN; phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, hiện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là: Kinh tế phát triển chưa thật sự nhanh và bền vững như mục tiêu, yêu cầu đề ra; chưa tạo được đột phá lớn trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể chậm đổi mới và phát triển; kinh tế tư nhân phát triển chưa thật nhanh, bền vững và lành mạnh. Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cần ban hành một nghị quyết mới của T.Ư để lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta đã bàn nhiều lần, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để sắp xếp lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát triển DNNN, và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ chỗ cả nước có hơn 12.000 DN 100% vốn nhà nước, đến thời điểm tháng 10.2016 chỉ còn 718 DN 100% vốn nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay DNNN vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư. Nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…
Tổng bí thư nêu vấn đề cần được giải đáp thấu đáo, vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn.
Tổng bí thư chỉ rõ: Tại hội nghị lần này, T.Ư cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu có tính đột phá trong thời gian tới. Tập trung thảo luận, tạo sự thống nhất cao về vai trò của DNNN trong bối cảnh đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN 100% vốn nhà nước; xây dựng mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với DNNN; đổi mới tổ chức và hoạt động của DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước lớn; phương án đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của tổ chức đảng và công tác cán bộ trong DNNN; sự cần thiết phải ban hành một nghị quyết mới của T.Ư để tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN trong thời gian tới…
Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội. Tỷ trọng trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định khoảng 39 - 40%. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Số lượng DN của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh...
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Nhiều DN tư nhân hoạt động thiếu ổn định, bền vững, thậm chí bị thua lỗ, giải thể, phá sản. Tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không quan tâm bảo đảm lợi ích của người lao động diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng...
Toàn cảnh phiên khai mạc Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư đề nghị T.Ư tập trung làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp lớn cần được quán triệt, triển khai thực hiện để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ, đúng đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Thực hiện bài bản việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình
Trong tháng 3.2017, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 7 ngày để tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tổng bí thư cho biết: Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã được thực hiện bài bản, từng bước hợp lý. Không khí kiểm điểm dân chủ, đoàn kết, thẳng thắn, chân tình. Các đồng chí được góp ý đã tiếp thu nghiêm túc, cầu thị, coi đây như là cơ hội quý để học tập, chia sẻ lẫn nhau.
Qua kiểm điểm tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn vững vàng, đoàn kết, kiên định và sáng tạo, có các quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đối nội và đối ngoại, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, hoan nghênh, bạn bè thế giới đánh giá cao. Dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những kết quả mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được trên các lĩnh vực trong năm qua là đáng khích lệ, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Tổng bí thư đề nghị T.Ư với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII trên các lĩnh vực. Đặc biệt, cần chỉ rõ những nguyên nhân, bài học và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Xem xét thi hành kỷ luật cán bộ
Tại hội nghị này, T.Ư thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016 gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xem xét thi hành kỷ luật cán bộ; và một số vấn đề quan trọng khác.
Theo chương trình, hội nghị sẽ làm việc đến ngày 10.5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.