Đánh giá lại chương trình - SGK: Lại một cách làm "đẽo cày giữa đường"

06/05/2008 21:51 GMT+7

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều cho rằng, nếu cứ loay hoay với việc chỉnh sửa sách giáo khoa (SGK) thì cũng chẳng khác nào việc "đẽo cày giữa đường"!

Ôm đồm

Đó là nhận định của hầu hết hiệu trưởng các trường THPT khi nói về chương trình - SGK hiện hành. Là hiệu trưởng một trường chuyên có tiếng ở Hà Nội và cả nước nhưng ông Đỗ Lệnh Điện - trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng cho biết: Nhiều giáo viên bộ môn đều kêu kiến thức tham lam và ôm đồm quá trong khi thời lượng như hiện nay thì không đủ để dạy và học hết những gì mà chương trình yêu cầu. Ông Điện đưa ra ví dụ về môn Vật lý: Là một môn có tính ứng dụng, thực nghiệm rất cao mà không có thời giờ để luyện tập, làm bài tập; thử hình dung các giờ học chỉ đưa ra các định lý mà không cho học sinh làm bài tập thì làm sao mà học sinh hiểu nổi bài, dần dần dẫn đến hổng kiến thức và hậu quả cuối cùng là "ngồi nhầm lớp".

Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Hữu Chiệu - Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho rằng: Việc đưa vào chương trình tất cả mọi thứ như hiện nay là quá ôm đồm. Thời lượng thì ít trong khi học sinh phải học tất tật mọi thứ: giáo dục quốc phòng, giáo dục dân số, trẻ vị thành niên... khiến chương trình phổ thông biến thành "món lẩu thập cẩm" còn học sinh thì loạn cả đầu óc khi học nhiều quá. Chương trình như hiện nay thực ra là thiết kế để dạy 2 buổi/ngày trong khi hầu hết các trường trên cả nước đều chỉ có đủ điều kiện để dạy 1 buổi/ngày.

Ông Chiệu so sánh: Thời lượng như vậy thì chẳng khác nào "chiếc chăn hẹp", môn A có kéo một chút thì môn B chắc chắn sẽ bị "hở". Việc học như vậy thì chỉ chạy theo số lượng chứ không thể đảm bảo chất lượng như mong muốn.

Thà ít mà tốt

GS-NGND Vũ Dương Ninh - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Cần xây dựng lại chương trình một cách mạnh dạn, cơ bản, tinh giản và phù hợp với lứa tuổi thì mới có thể tạo nên bước chuyển biến thực sự. "Thà ít mà tốt" làm cho HS học ít hơn nhưng hiểu và nhớ được còn hơn là học nhiều mà chẳng biết bao nhiêu, thậm chí còn hiểu sai, viết sai thì mặt phản tác dụng còn tai hại hơn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các kiến thức cơ bản được trình bày một cách đơn giản nhất, gần gũi và có lợi ích thiết thực nhất.

Trên cơ sở chương trình đã thay đổi và được ổn định mới tổ chức viết lại SGK. Cần lựa chọn tác giả là những người giỏi về chuyên môn, nhiều kinh nghiệm sư phạm. Ví dụ, một cuốn SGK lịch sử hiện nay dày chừng 300 trang mà có đến hơn 10 tác giả, phân nhiều cấp bậc: Tổng chủ biên, chủ biên, đồng chủ biên... Nếu chia đều thì mỗi tác giả viết chưa đầy 30 trang. Cách thức tổ chức như vậy không tạo nên trí tuệ tập thể mà ngược lại rất phân tán, chất lượng không cao. Cũng theo GS Ninh: Mỗi cuốn SGK chỉ nên có 2 tác giả là người trực tiếp viết và chịu trách nhiệm về những trang viết của mình. Nhưng rất cần một đội ngũ phản biện, góp ý kiến có trình độ khoa học, có kinh nghiệm sư phạm và có nhiệt tâm với tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh các nhà khoa học đầu ngành rất cần có sự góp ý của GV giỏi ở THPT, họ là những người gần gũi HS và có thể nhận biết khả năng tiếp thu của HS đối với từng trang sách, có thể góp ý kiến xác đáng, phù hợp với thực tiễn giảng dạy trong nhà trường.

PGS Vũ Quang Hiển - khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đề xuất: Chương trình môn học phải được xây dựng rất cụ thể, xác định rõ mục tiêu của từng chương, từng bài, từng mục theo các cấp độ: nhớ, hiểu, phân tích, vận dụng...  Ông Hiển cho rằng: Khi đã có chương trình thống nhất thì việc biên soạn SGK không nhất thiết chỉ có một bộ sách duy nhất. Có thể có nhiều bộ SGK khác nhau, việc in ấn và phát hành SGK phải tuân theo những quy định của pháp luật, các tác giả giữ bản quyền và tự chịu trách nhiệm về nội dung sách của mình. Giáo viên và HS có quyền lựa chọn bộ sách nào đáp ứng tốt nhất chương trình môn học.

Ông Nguyễn Hữu Chiệu thẳng thắn: Nói rằng HS bỏ học vì chương trình nặng quá là hoàn toàn có lý. Nhưng với chương trình như hiện nay, điều kiện học tập như hiện nay mà lại muốn làm phổ cập cả đến bậc THPT thì ngành giáo dục đã tự mình làm khó cho mình rồi.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.