Đào đất làm đường nhưng không hoàn thổ

Mạnh Cường
Mạnh Cường
07/11/2018 13:46 GMT+7

Một số doanh nghiệp khai thác đất nguyên liệu để làm đường ở Quảng Nam nhưng lại không hoàn thổ, phục hồi môi trường như cam kết, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân.

Chây ì khắc phục
Sở TN-MT Quảng Nam thống kê có 8 mỏ khai thác đất trên địa bàn H.Phú Ninh (Quảng Nam) đã hết phép, nhưng hiện chỉ có 4 mỏ thực hiện cơ bản các nội dung theo phương án cải tạo phục hồi môi trường. Các mỏ còn lại thuộc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Công ty GT 8) và Công ty TNHH DVTM SXXD Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông). Các mỏ này dừng khai thác đã lâu, trong đó mỏ đất núi Vũ (xã Tam Lộc) do Công ty Đông Mê Kông khai thác đã hết hạn từ tháng 5.2017.
Tương tự, 3 khu vực khai thác của Công ty GT 8 cũng hết hiệu lực khai thác từ nhiều tháng trước: gò núi Đá Đen, xã Tam Dân (tháng 2.2017), núi Chùa, xã Tam Thái (tháng 6.2017), núi Chúa, xã Tam Đại (tháng 8.2017).
Dù UBND H.Phú Ninh và Sở TN-MT đã nhiều lần làm việc, nhắc nhở nhưng 2 đơn vị nói trên vẫn chây ì trong việc khắc phục môi trường như cam kết. Gần đây nhất, chính quyền huyện và sở này gửi tiếp văn bản, ra thời hạn đến trước ngày 30.9 phải cải tạo, phục hồi môi trường và lập hồ sơ đóng cửa mỏ đất san lấp tại các khu vực trên; nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía 2 đơn vị.
Vì vậy, Sở TN-MT gửi văn bản trình UBND tỉnh Quảng Nam cho phép UBND H.Phú Ninh lập hồ sơ đóng cửa mỏ, sử dụng nguồn kinh phí ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường để giải quyết vấn đề môi trường ở các khu vực này.
Dân lãnh đủ
Có nhà nằm gần núi Vũ, bà Võ Thị Sáu (60 tuổi, ở thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc) bức xúc sau khi các đơn vị thi công hoàn tất chuyện lấy đất phục vụ dự án tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, họ cũng... quên luôn trách nhiệm hoàn thổ. Để rồi, người dân địa phương phải lãnh đủ hậu quả.
Chỉ sau một trận mưa lớn, đất đá trên núi lại tràn xuống nhà, vùi lấp nhiều diện tích hoa màu và tràn ra tuyến đường ĐT 615 (cách núi Vũ 50 m). “Với tình trạng này, hàng chục hộ dân ở gần núi Vũ phải đối mặt với nguy cơ sạt lở khi mùa mưa lũ đang gần kề. Sợ nhất là những hố sâu đọng nước có nguy cơ đuối nước cho trẻ em”, bà Sáu nói. Tại các cuộc họp, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ông Phan Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Tam Lộc, cho hay tình trạng môi trường tại khu vực núi Vũ đã được địa phương nhiều lần kiến nghị sớm phục hồi. Tại những chỗ nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao, xã đã cho cắm biển báo để người dân chủ động tránh vào mùa mưa lũ.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Quốc Danh, Trưởng phòng TN-MT H.Phú Ninh, xác nhận đơn vị đã gửi văn bản liên tục yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thổ, phục hồi môi trường nhưng không được đáp ứng.
Theo ông Danh, từ năm 2014 đến nay, nhiều doanh nghiệp khai thác mỏ đất phục vụ tuyến đường cao tốc Đà Nẵng -  Quãng Ngãi (và một số công trình khác) nhưng lại thiếu trách nhiệm phục hồi môi trường.
“Hiện chúng tôi đang khảo sát để lên phương án hoàn thổ, đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Địa phương sẽ thực hiện từ kinh phí của quỹ môi trường mà các doanh nghiệp đã đóng trước đó, tuy nhiên số tiền này hơi ít”, ông Danh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.