Đào tạo đại học bao lâu là phù hợp ?

20/12/2017 10:09 GMT+7

Dự thảo luật Giáo dục đại học có quy định về thời gian đào tạo đại học từ 3 - 6 năm. Theo đại diện nhiều trường đại học, khung thời gian này là chưa hợp lý và cũng không phù hợp với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Thủ tướng đã ban hành năm 2016.

“Sàn” 3 năm là quá ngắn ?
Theo PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thời gian đào tạo theo dự thảo có độ giãn quá dài, lại cũng không phù hợp với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Thủ tướng đã ban hành năm 2016. Theo khung này, chương trình đào tạo ĐH có thời gian tương đương 3 - 5 năm học tập trung.
Theo PGS Tớp, luật nên quy định thời gian đào tạo ĐH theo chương trình chuẩn là 4 năm thì mới đảm bảo chất lượng. Nếu sử dụng “sàn” của khung là 3 năm thì ngắn quá, đặc biệt với các trường kỹ thuật. Ở VN hiện nay, sinh viên các trường kỹ thuật, công nghệ vẫn phải học các môn chung với số lượng 12 tín chỉ, chiếm gần hết một học kỳ. Nếu đào tạo ĐH 3 năm, thì trong 2,5 năm còn lại rất khó đạt được mục tiêu đào tạo và chuyên môn. “Mặc dù một số nước châu Âu hiện nay như Anh có chương trình ĐH 3 năm nhưng đầu vào của họ đã là Level A hoặc IB (được coi là tương đương với một năm dự bị ĐH). Ở Mỹ, Nga hiện nay đào tạo ĐH cũng 4 năm”, ông Tớp nêu ví dụ.

tin liên quan

Sửa tên hàng loạt ngành đào tạo
Trong năm 2018, danh mục ngành đào tạo ĐH sẽ có sự xuất hiện của trên 100 ngành mới. Thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển.
Có sự khác biệt bằng cấp giữa 3 năm và 6 năm ?
Về “trần” chương trình đào tạo 6 năm, ông Tớp cho là dài và bất hợp lý với người học. Thực tế có những ngành phải đào tạo 5 năm, 6 năm như bác sĩ đa khoa, kỹ sư… nhưng nên coi đó là đào tạo để đạt đến một trình độ chuyên nghiệp chứ không phải là một chương trình đào tạo ĐH thông thường. “Đào tạo kỹ sư 5 năm hoặc bác sĩ 6 năm tại một số trường như hiện nay nên xếp vào bậc sau ĐH và cũng phù hợp với khung trình độ quốc gia mới ban hành. Người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp như bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ… từ 5 năm trở lên được coi là đào tạo bậc sau ĐH và có thể công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ”, ông Tớp đề xuất.
Quan điểm của ông Tớp cũng trùng với hầu hết hiệu trưởng các trường ĐH y dược. Tuy nhiên, PGS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng không nhất thiết đầu ra của đào tạo ĐH chỉ là cử nhân (nghĩa là trình độ ĐH). Mô hình đào tạo ĐH của các trường y trên thế giới, với đối tượng đầu vào là học sinh tốt nghiệp THPT, hầu như không có nước nào dưới 6 năm. Bác sĩ ra trường, được đi làm (sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề) thì mặc nhiên lương cao hơn những ngành nghề khác, nên họ không cần phải băn khoăn bằng cấp của họ tương đương ĐH hay thạc sĩ. Nhưng ở VN hiện bị mắc kẹt bởi cơ chế lương và liên quan tới các quy định đầu vào của thạc sĩ, tiến sĩ, nên nhân cơ hội sửa luật Giáo dục ĐH cần phải phân định rõ người tốt nghiệp ĐH ngành bác sĩ đa khoa là đạt trình độ đào tạo nào. “Cùng một tiêu chuẩn về mốc đầu vào, trình độ đạt được của một người theo học chương trình đào tạo 6 năm thì chắc chắn phải hơn trình độ đào tạo 4 năm”, ông Tuấn chia sẻ.
PGS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, nêu ý kiến: “Luật quy định thời gian đào tạo trình độ ĐH là từ 3 - 6 năm, vậy có cho phép sự khác nhau giữa bằng cấp của chương trình đào tạo 3 - 4 năm với 6 năm không? Nếu có, nghĩa là đào tạo 3 - 4 năm chỉ được bằng cử nhân ĐH, còn đào tạo 6 năm được bằng tương đương thạc sĩ, thì các trường ngành y đồng ý khung thời gian đào tạo đó. Còn nếu không thì cần rút ngắn khung thời gian đào tạo trình độ ĐH lại, để những ngành bắt buộc phải có thời gian đào tạo dài hơn sẽ phải thiết kế khung đào tạo cho ngành mình vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa phù hợp với quy định trong nước”.

tin liên quan

Bổ sung nhiều mã ngành đào tạo ĐH mới
Bộ GD-ĐT vừa có thông tư ban hành danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ ĐH. Theo đó, trong danh mục này Bộ thực hiện phân loại, thống kê, bổ sung thêm các ngành mới.
Sửa luật, coi chừng luật phạm luật
Theo ông Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, không chỉ thiếu liên thông với dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục, dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục ĐH còn thiếu sự gắn kết với thực tế, đặc biệt là có nguy cơ vi phạm một số luật hiện hành. Ông Tùng nêu ví dụ: “Khoản 3 điều 65 dự thảo quy định: “Cơ sở giáo dục ĐH được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo”. Tinh thần này rất tiến bộ, nhưng nếu được ban hành thì sẽ vướng với luật Tổ chức chính quyền địa phương mà theo đó HĐND địa phương cấp tỉnh quyết định giá một số dịch vụ, trong đó có dịch vụ giáo dục đối với đơn vị công lập thuộc tỉnh”.
Còn ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), cũng đưa ra khuyến cáo về nguy cơ phạm luật của một số quy định trong dự thảo. Chẳng hạn khoản 3 điều 12 ghi: “… các cơ sở giáo dục ĐH tư thục được giao đất không thu tiền…”, “… miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế nhập khẩu trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học…”. Ông Giang cho rằng, đưa vào một quy định rất cứng thế này thì cần phải rà soát xem có trái với các luật chuyên ngành khác, chẳng hạn như luật Đất đai, luật Thuế… Hiện luật Đất đai quy định không đối tượng nào được giao đất không thu tiền mà tất cả đều phải đấu giá. “Ưu tiên, ưu đãi là đúng, nhưng chỉ ghi cụ thể miễn hay cho không thì sẽ xung đột với luật chuyên ngành”, ông Giang nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.