Đào tạo nghề cho nông dân tại hiện trường

14/07/2016 08:51 GMT+7

Cà Mau hiện có trên 60% lao động ở khu vực nông thôn nhưng tỷ lệ qua đào tạo nghề rất thấp. Do đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang là một vấn đề cấp bách.

Kết hợp lý thuyết và thực hành
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ LĐ-TB-XH và Hội Nông dân VN giai đoạn 2011 - 2016, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Cà Mau) đã phối hợp dạy nghề ngắn hạn cho gần 1.300 hội viên nông dân. Các khóa học nghề có thời hạn dưới 3 tháng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: nuôi tôm quảng canh cải tiến, cua biển, sò huyết, cá đồng, cá bống tượng, cá chình, tôm càng xanh; nuôi tôm kết hợp trồng lúa, nấm rơm, dưa hấu, rau màu thời vụ… với kinh phí trên 2,5 tỉ đồng.
Mỗi địa điểm tổ chức lớp dạy nghề cho nông dân được hỗ trợ nguyên vật liệu thực hành gồm: con, cây giống, thức ăn, vật tư, phân bón, tài liệu học tập, các nhóm cùng nhau thực hành để vận dụng lý thuyết vào thực tế. Nghề dạy cho hội viên nông dân sát với nhu cầu của địa phương nên rất được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, các học viên tích cực đến lớp nghe lý thuyết và trao đổi kinh nghiệm khi thực hành, đảm bảo sau học nghề sẽ nắm vững quy trình kỹ thuật được chuyển giao, có đủ cơ sở tạo việc làm ổn định từ nghề được học.

Ông Hồ Út Hiền (ngụ ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP.Cà Mau) cho biết: “Nội dung học bám theo giáo trình, kết hợp thực tế, lấy ví dụ cụ thể tại địa phương để học viên trao đổi. Khi thực hành có mô hình cụ thể, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật tại đầm trên cơ sở lý thuyết vừa học được giúp nông dân dễ hiểu, tiếp thu nhanh. Cuối khóa học, học viên được kiểm tra lý thuyết, thực hành, đánh giá chất lượng đủ điều kiện mới được cấp giấy chứng nhận học nghề”.
Khả năng ứng dụng cao
Năm 2015, xã Tân Duyệt (H.Đầm Dơi) có 106 ha nuôi tôm công nghiệp (NTCN) nhưng bị dịch bệnh trên gan tuỵ, môi trường ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp, kỹ thuật của nông dân còn hạn chế... nên chưa đạt hiệu quả cao, nhiều nông dân trắng tay qua 2 - 3 vụ nuôi. Sau khi tham gia lớp học NTCN tại hiện trường do Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tổ chức, nông dân ấp Bá Huê (xã Tân Duyệt) được tiếp cận khoa học - kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm tại ao nuôi và phấn khởi bắt tay vào thực hiện. Một số hộ nuôi thất bại nhiều vụ trước nay thành công ngoài mong đợi.

Ông Nguyễn Thành Tam, hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, cho biết chỉ 69 ngày mà tôm đạt kích cỡ 65 con/kg với mật độ nuôi 70 con/m2, điều mà người dân NTCN trong xã không nghĩ tới. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Tuấn, người “cùng ăn, cùng ở” với nông dân khi thực hiện mô hình NTCN tại hiện trường, cho biết người nuôi tôm ở địa phương chủ yếu nuôi tự phát nên chưa nắm chắc kỹ thuật. Nhờ tham gia lớp học mà bà con nhận biết và thực hành thành thạo cách diệt khuẩn, xử lý nước, môi trường ao tôm đang nuôi hay vấn đề cho tôm ăn… “Rõ ràng thời gian qua kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi của nông dân còn nhiều hạn chế, đó chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Nhờ lớp học này, nông dân đã hiểu, nắm bắt được và tự chủ khi NTCN”, ông Trương Văn Lộc (ngụ ấp Bá Huê) nói.

tin liên quan

Cô gái 9x chinh phục giấc mơ làm gia sư quốc tế
'Mình thích thú với việc quan sát, tìm hiểu khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ em. Chính từ đó, mình quyết định sẽ đi theo con đường dạy ngôn ngữ. Hành trình đến Mỹ là bước ngoặt trong cuộc đời mình', Mây chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Bí thư Chi bộ ấp Cái Ngang, cho rằng người lao động ở nông thôn không có điều kiện đi học xa. Chính vì vậy, khi được cán bộ kỹ thuật đến tận nhà chỉ dạy, bà con rất chịu khó học ứng dụng vào sản xuất tăng thu nhập. Ngoài ra, các lớp dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh còn góp phần giải quyết những trăn trở của địa phương trong việc nâng cao tay nghề sản xuất cho nông dân, giúp địa phương mạnh dạn tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng con tôm một cách bền vững. Ông Mã Huy, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian qua, Trung tâm đã triển khai hàng chục mô hình lớp học tại hiện trường, giúp người dân có điều kiện vừa học vừa thực hành, trao đổi kinh nghiệm nuôi với cán bộ kỹ thuật, góp phần giúp người dân nuôi tôm thành công hơn trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.