Đào tạo người mẫu - những mảng màu sáng tối

01/04/2010 11:12 GMT+7

(TNTT>) Hiện nay trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều công ty đào tạo người mẫu nhằm đáp ứng khát vọng “sải bước trên sàn catwalk” của rất nhiều bạn trẻ. Sự đào tạo ở đây có chuyên nghiệp và bao nhiêu người sau khi bước vào đó được hóa thành “thiên nga”?

Điểm mặt anh tài

Hiện nay trên TP.HCM có rất nhiều công ty có chức năng đào tạo người mẫu. Nhưng được biết đến nhiều thì có thể kể Long P.L, Venus, Á Đông, Elite, Thăng Long, Hoàng Thiên Nga… ngoài ra cũng phải còn hàng chục công ty “tầm tầm” không đáng kể đã hoặc đang chuẩn bị ra đời. Hầu hết giám đốc hoặc điều hành là những tên tuổi trong giới giải trí như Thúy Hằng, Thúy Hạnh của Elite, Trần Thanh Long, chồng diễn viên Anh Thư của công ty Long P.L. Long P.L được xem là một trong những công ty đầu tiên mở lò đào tạo người mẫu, tạo dựng được thương hiệu khi có rất nhiều người mẫu từ đây bước lên sàn diễn sân khấu lớn.

Gần đây bị cạnh tranh với nhiều đối thủ mới ra lò với những “tuyệt chiêu”, Long P.L không còn giữ vị trí hàng đầu như xưa. Và cũng ngạc nhiên,  chính thời điểm nhạy cảm này, diễn viên người mẫu Anh Thư, vợ Long tách ra thành lập thêm một công ty riêng là Việt Model, với cương vị giám đốc đào tạo. Venus cũng là một cái tên được lưu ý với cách thức đạo tạo chuyên nghiệp, được nhiều giải thưởng, điều hành là Khắc Tiệp.

1.000 ứng viên vào nghề qua gạn lọc chỉ chọn được 100 và trong 100 chỉ có được 1 người nổi tiếng

Cũng theo thông tin trong giới làm nghề, diễn viên Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn đang ráo riết chạy giấy phép để thành lập công ty giải trí riêng trong đó có chức năng tuyển dụng đào tạo người mẫu. Và còn rất nhiều tên tuổi trong làng giải trí “rục rịch” với cái cái nghề ngỡ “dễ hốt ra tiền” đang là quan tâm hàng đầu của giới trẻ. Có cảm giác như sau những hào nhoáng, tên tuổi tạo dựng được trên màn ảnh, tất cả đều đổ ra “đường băng” thành lập công ty, chiêu dụng ứng viên người mẫu.

Chuyên nghiệp đến đâu?

Có lẽ, điểm hấp dẫn thực sự với các bạn trẻ chính là tên tuổi hào nhoáng của những ngôi sao thuộc công ty đào tạo người mẫu chứ hoàn toàn không phải vì chương trình, giáo trình đào tạo hợp lý và căn bản. Đây cũng là một vấn đề đáng báo độngvì hầu hết các tên tuổi được xem là “tốn giấy mực của báo chí”, là “minh tinh” màn bạc kia liệu thực sự có được đào tạo căn bản về nghề người mẫu? Thực tế, có đến hơn 70% là tự phát, “tự đào tạo” vì hiện nay chưa có một trường chuyên nghiệp nào danh tiếng nào  ở nước ta đào tạo nghề này cả.

Với nhu cầu lớn của một thị trường đang "sốt" như vậy, thật ngạc nhiên khi biết những  chương trình đào tạo của các công ty người mẫu khá sơ sài hay gần như không có gì. Tất cả đều phụ thuộc vào chiêu chước của từng công ty, PR, quảng cáo. Thu hút được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Thậm chí cả giám đốc cũng sẵn sàng “xuống đường” để chiêu dụ ứng viên (!). Có câu chuyện vui không kém nghiệt ngã rằng, biết một công ty mới còn “hôi sữa” vừa mon men vào nghề này, vị giám đốc của một công ty người mẫu danh tiếng đã phá bĩnh bằng cách tìm đến “tham quan” và sau đó bằng cách phát danh thiếp đã “hớt tay trên” những “con mồi ngon”, chiêu dụ họ về công ty mình. Kết quả ứng viên của công ty mới mở vơi gần nửa, ban quản trị dở khóc dở cười. 

Qua tiết lộ của một người bạn là quản lý cho một công ty đào tạo người mẫu, có nhiều “chiêu” để công ty “hốt vào” trước khi bỏ ra phần chi phí mà họ gọi là đào tạo. Một trong những chiêu đó là chụp ảnh các ứng viên. Và bộ ảnh này mỗi công ty “điêu giá” khác nhau, từ 300 đến 500 ngàn. Thống kê có thời điểm nhạy cảm một công ty “thắng” đến hàng trăm ứng viên. Tính ra, chưa đào tạo họ đã thu về một khoản tiền không phải nhỏ.

Xa lắm giấc mơ thiên nga

Như bài đầu tiên chúng tôi đã phân tích, có khá nhiều chân dung đa diện đa đoan của các người đẹp bước vào, theo đuổi nghề này. Với những hào nhoáng bên ngoài thật khó thấy được những khốc liệt tiềm ẩn che đậy bên trong. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước hết là tính chất triệt để của nghề. Có thể giải bằng sự đúc kết kinh nghiệm: 1.000 ứng viên vào nghề qua gạn lọc chỉ chọn được 100 người đủ tiêu chuẩn để đào tạo. Và trong 100 ứng viên qua đào tạo đó chỉ có 1 người nổi tiếng. Như vậy chỉ có 1% cho sự may mắn thay đổi cuộc đời họ. Từ sân tập bước lên sàn catwalk.  Từ số phận vịt trời hóa thành thiên nga. Có được bao nhiêu giấc mơ vịt con xấu xí thành thiên nga xinh đẹp?

Đi sâu vào tìm hiểu mới thấy sự nghiệt ngã còn lớn hơn. Để sống được bằng nghề và chờ đợi cơ hội đổi đời mỗi tháng các “sao xẹt” này cần một khoản chi phí không nhỏ. Ít nhất là 10 triệu, vì đặc tính của nghề là áo quần thời trang, son phấn, phục sức…nên những đầu tư như thế đã “bóp” đến mức không còn có thể “bóp” thêm được nữa. Để có được khoản tiền này trung bình các công ty phải “móc” cho họ diễn được 4 hoặc 5 show diễn hằng tháng, thế cũng là thách thức (mỗi show “sao xẹt” chỉ được trả khoảng 1 triệu). Vì thế để cạnh tranh trong giới “vơ-đét” đôi khi chính họ tàn nhẫn với nhau như trước giờ diễn cắt áo, bỏ mảnh chai vào giày, lấy cắp trang phục diễn. Sát phạt hơn, lấy guốc sắt phập vào mặt nhau. Sẵn sàng ăn trả thua đủ. Ánh đèn mờ ảo của sàn catwalk rõ ràng đã che khuất những bi kịch, những mảnh đời mà người bên ngoài không dễ hiểu… 

Họ đã nói gì?

Candy:

Vẫn biết người mẫu là nghề khốc liệt nhưng em vẫn muốn tìm kiếm một cơ hội. Bởi cha mẹ em vẫn thường nói có sự thay đổi nào không đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt? Và đó sẽ là những kỷ niệm đẹp nếu bạn có cơ hội nhìn lại trên sàn thảm đỏ vinh quang của những sàn diễn lớn, sân khấu lớn.

Hải Model:

Hiện tại cuộc sống của em rất bình thường, không có gì đáng kể. Em vẫn đi diễn các show do công ty quản lý tổ chức và thu nhập cũng chỉ vừa đủ trang trải. Em đang cố học thêm ngoại ngữ để có thêm nhiều cơ hội khi giao tiếp với các khách nước ngoài vì công ty em thường làm event cho các hãng quốc tế.

Thủy Nguyệt:

Em không phân biệt show lớn hay nhỏ, sàn diễn, bar hay các quán cà phê vào thời điểm này vì em đang cố học hỏi kinh nghiệm. Trên những sàn diễn nhỏ, các sơ xuất có thể được châm chước bỏ qua nhưng các sàn diễn lớn thì không thể. Những người mẫu càng tên tuổi, càng phải thận trọng.

Lọ Lem:

Chưa thể trả lời em có đi lâu bền với nghề người mẫu này không bởi đam mê thì em vẫn giữ nhưng bắt đầu thấy khó quá. Nếu sau 25 tuổi mà không thành công xem ra tuổi trẻ của mình theo nghề đã đi đứt. Nó là một nghề nhiều cám dỗ nhưng quá phiêu lưu…

Đông Dương (thực hiện)

Ý kiến...

(Nhân đọc bài Thế giới ảo sau ánh đèn catwalk )

* Tôi rất thích chuyên đề này của quý báo. Hy vọng những bài sau quý báo sẽ đi sâu phân tích thực chất của thế giới người mẫu là gì, vì hiện nay rất nhiều bạn trẻ chi chăm chăm ăn diện cho đẹp để được một ngày xuất hiện trên sàn catwalk mà không lo đầu tư kiến thức, hiểu biết._Nam Anh (nguyennamanh_hn@yahoo.com )

* Đúng là phía sau thế giới nhiều ánh đèn và lộng lẫy của sàn diễn thời trang còn rất nhiều những điều khó hiểu, thậm chí cả những bi kịch. Hy vọng những bạn trẻ đến với nghề này thật sự biết là mình phải làm gì và làm thế nào để tồn tại một cách đường hoàng trong thế giới ấy._Nguyễn Phúc (phuclenguyen7878@...com )

Cảnh Hưng

Mời bạn đóng góp ý kiến, thư gửi về:  vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.