Đào tạo tín chỉ nửa vời - Bài 4: Cần linh hoạt điều chỉnh

06/10/2010 23:24 GMT+7

Là một người đã nhiều năm nghiên cứu về đào tạo tín chỉ (TC), ông Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) đã trao đổi với PV Báo Thanh Niên xung quanh những bất cập trong đào tạo TC hiện nay.

* Thưa ông, Quy chế 43 về đào tạo TC được Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2007 và yêu cầu các trường triển khai đại trà. Tuy nhiên khi áp dụng đã thấy có rất nhiều bất cập. Phải chăng do quy chế đã không phù hợp với điều kiện thực tế?

- Trước hết, cần có cách nhìn nhận khác khi vận dụng Quy chế 43. Do hệ TC là một học chế rất mềm dẻo, phải luôn được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với điều kiện của từng trường nên không thể trông đợi sẽ có một quy chế đào tạo chung để các trường áp dụng nhất loạt. Mặt khác, do hệ TC còn rất xa lạ với phần lớn các trường nên quy chế này cũng không thể ban hành dưới dạng “khung”, quá chung chung. Bởi vậy, theo kinh nghiệm ở nhiều nước thì quy chế này cần được trình bày dưới dạng “quy chế mẫu” để giúp các trường hình dung ra cách tổ chức đào tạo theo hệ TC như thế nào. Không nên quy định các trường  phải áp dụng chính xác ngay quy chế này (vì chưa thỏa mãn được đầy đủ các điều kiện triển khai) mà chỉ có thể xem đó như cái “đích” để đi tới trong lộ trình đi của mình. Từng trường cần chủ động xây dựng cho mình một quy chế đào tạo trung gian thích hợp nằm giữa các quy chế 25 (ban hành năm 2006 thực hiện theo học chế mềm dẻo kết hợp niên chế với học phần - PV) và 43. Sau đó, xây dựng cho mình lộ trình để đi từ quy chế này tới Quy chế 43.

 

Ông Lê Viết Khuyến

* Thưa ông, điều 7 của Quy chế 43 có quy định, SV phải viết đơn xin học theo hệ thống TC. Đây có phải là điều gây phức tạp trong quy trình đào tạo TC hay không?

- Đúng vậy, theo tôi thì nên bỏ quy định này vì đây thực sự là hình thức khi các trường áp dụng đào tạo theo hệ thống TC cho tất cả SV chính quy của các khóa, ngành.

* Một trong các ưu điểm của hệ thống TC là nhằm tạo sự thuận lợi cho SV được chuyển ngành học một cách thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay trong Quy chế 43 chưa có điều khoản “chuyển ngành học”. Như vậy có đúng với bản chất của đào tạo TC?

- Theo tôi thì quy chế chưa thể quy định cho phép SV được chuyển ngành tự do (ngoại trừ trường hợp học lấy bằng thứ 2) bởi vì hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn còn duy trì cơ chế thi “3 chung”, cơ chế điểm chuẩn tuyển sinh theo ngành. Vì vậy nếu cho SV chuyển ngành tự do thì sẽ không thể thực hiện được.

* Thưa ông, đào tạo theo TC thực hiện theo nguyên tắc người học tích lũy dần các học phần đến khi đủ kiến thức thì tốt nghiệp. Nhưng tại sao quy chế lại có quy định buộc thôi học đối với những SV chưa đạt? Điều đó có mâu thuẫn hay không?

- Điều kiện buộc thôi học ở điều 16 được đặt ra đối với SV hệ chính quy để bảo đảm không cho SV yếu kém được “chiếm chỗ” trong trường cho tới hết thời gian tối đa hoàn thành chương trình mà vẫn chưa tốt nghiệp. Lưu ý những SV này vẫn có cơ hội học tiếp nếu chuyển qua hệ vừa học vừa làm.

* Theo phản ánh của nhiều trường đã áp dụng quy chế này thì cách đánh giá sinh viên bằng thang điểm chữ còn chưa hợp lý và phức tạp. Vậy ông nhận xét thế nào?

-  Cách tính điểm theo thang chữ khá phức tạp và có triết lý khác hẳn với cách tính theo thang điểm 10 quen thuộc. So với  thang  điểm  10,  thang điểm chữ khá “rộng rãi” với SV giỏi nhưng lại rất “hà khắc” với SV yếu. Đây là một thang điểm “sạch” cho phép đánh giá đầy đủ nhất chất lượng SV. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu đào tạo TC, có thể cả nhà trường, SV và xã hội còn chưa thích nghi. Nếu trường nào thấy dùng thang điểm chữ chưa thuận lợi thì trước mắt vẫn có thể sử dụng thang điểm 10 nhưng về lâu dài nên chuyển hẳn qua thang điểm chữ. 

Ý kiến bạn đọc

* “Để phát huy hiệu quả của mô hình đào tạo theo TC, ngoài nỗ lực từ phía nhà trường trong việc xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cấp cơ sở vật chất, sắp xếp lại hệ thống quản lý và quy trình làm việc thì bản thân mỗi sinh viên phải chủ động trong học tập, biết lập kế hoạch cho riêng mình và phải tự học là chính”. Nguyễn Văn Tâm (suongrongnt@yahoo.com)

* “Đối với hình thức đào tạo theo TC, vai trò của cố vấn học tập đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, bản thân các cố vấn học tập chưa được đào tạo, vẫn làm việc theo kiểu giáo viên chủ nhiệm, chưa đóng vai trò là cố vấn. Nhiều cố vấn học tập còn không nắm được chương trình đào tạo của ngành học vậy thì làm sao có thể tư vấn được”.  (vuongvd@gmail.com)

* “Giảng viên cho điểm theo thang điểm 10 sau đó chuyển sang điểm chữ và khi tính trung bình học kỳ hoặc trung bình tích lũy lại chuyển sang thang điểm 4. Sự chuyển qua lại nhiều lần cộng với sự không liên tục của các thang chuyển làm cho sai số xảy ra rất lớn”. Trọng Nghĩa (trongnghia77@live.com)

* “Quy chế TC cũng khá khắc nghiệt khi buộc SV không được thi lại mà phải đăng ký học lại môn đó. Nếu khóa học sau không tổ chức học môn này hay trùng với thời gian SV đăng ký học các môn khác... thì SV không biết làm sao xoay xở kịp. Khi ra trường, thang điểm 4 theo TC chưa phù hợp với quan điểm tuyển dụng khiến trong quá trình xin việc SV gặp rắc rối khi phải chuyển đổi điểm”.  Đàm Thị Xuân Uyên (damthixuanuyen@gmail.com)

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.