'Đất sống' của tội phạm lừa đảo

13/12/2024 04:11 GMT+7

Tình trạng giả mạo từ các resort hạng sang cho đến các khách sạn, homestay… để lừa tiền người dân ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó, người mất ít thì vài triệu đồng, người mất nhiều lên đến hàng chục triệu đồng.Với số lượng lớn nạn nhân mà Thanh Niên phản ánh gần đây, có thể thấy tổng số tiền thiệt hại là rất lớn.

Bất chấp cảnh báo của dư luận, sự vào cuộc của cơ quan chức năng…, nạn lừa đảo ngày càng phát sinh lắm chiêu trò. Để đưa nạn nhân vào bẫy, các đối tượng lừa đảo đã "dày công" xây dựng các fanpage không hề khác biệt chính chủ trên mạng xã hội - nổi bật là Facebook. Các trang giả đã được xây dựng với một lý lịch trông rất uy tín gồm từ hình ảnh cho đến nội dung, có số lượng lớn người thích (like) và theo dõi (follow). Làm được điều này, các đối tượng lừa đảo phải chi tiền quảng cáo cho Facebook.

Vấn đề là ở đây! Trong khi nhiều người dùng vẫn bị Facebook rà soát nội dung, hoạt động với không ít tiêu chí, nhưng tại sao các fanpage mạo danh để lừa đảo lại có thể thoải mái hoạt động? Phải chăng Facebook thu về nguồn lợi khổng lồ nhưng không kiểm soát hoạt động quảng cáo, để kẻ xấu tự tung tự tác?

Bên cạnh đó, để trả tiền quảng cáo thì cần thanh toán qua ngân hàng, và đây chính là cơ sở để có thể truy tìm các đối tượng lừa đảo. Vậy sau hàng loạt vụ lừa đảo mà dư luận đã lên tiếng, thì Facebook đã vào cuộc xử lý các fanpage và siết chặt kiểm soát hay chưa?

Đó chính là những câu hỏi về trách nhiệm không thể chối bỏ của Facebook đối với tình trạng lừa đảo trên. Qua đây, có lẽ các ngành chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp để kiểm soát trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị vận hành mạng xã hội.

Một địa chỉ cần làm rõ trách nhiệm khác chính là hệ thống ngân hàng. Như Thanh Niên đã phản ánh, một số kẻ lừa đảo còn đặt tên tài khoản ngân hàng trùng với tên của resort bị làm giả. Lừa đảo tinh vi như thế thì nạn nhân rất dễ mắc bẫy vì thấy thông tin chuyển khoản trùng khớp. Vấn đề đặt ra là tại sao các đối tượng lừa đảo có thể đặt tên tài khoản được như vậy? Phải chăng các ngân hàng đã không rà soát, kiểm tra khi mở tài khoản?

Những năm qua, mặc dù các cách thức lừa đảo đã "thiên biến vạn hóa", nhưng dòng tiền lừa đảo hầu như vẫn chuyển qua hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng cũng đã đưa ra không ít cam kết, tuyên bố này kia về việc phòng chống tội phạm. Nhưng thực tế tội phạm vẫn ngày này qua ngày kia lấy tiền lừa đảo qua hệ thống ngân hàng. Trách nhiệm của các ngân hàng ở đâu?

Rõ ràng, nếu những câu hỏi về trách nhiệm trên không được trả lời thấu đáo, các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp, đơn vị vận hành mạng xã hội mà nổi bật là Facebook không làm hết trách nhiệm, dù người dân có cảnh giác đến mấy thì các đối tượng lừa đảo vẫn còn "đất sống"!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.