Dấu ấn tình nguyện qua các sản phẩm công nghệ cao

Lê Thanh
Lê Thanh
15/08/2019 21:02 GMT+7

Nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của người trẻ trong việc gắn với chuyên môn, Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã tạo ra các sản phẩm tình nguyện công nghệ cao hỗ trợ cộng đồng , xã hội.

“Máy tính cũ - Tri thức mới”

Theo anh Võ Minh Thiện, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, xuất phát từ truyền thống Mùa hè xanh năm 2008, Ban chỉ huy chiến dịch quyết định tìm hướng đi mới cho chương trình ý nghĩa này bằng cách kêu gọi các cơ quan, nhà hảo tâm quyên góp máy tính, linh kiện cũ cho đội hình tình nguyện “Máy tính cũ - Tri thức mới”.
Từ các linh kiện trên, tính đến nay đội hình tình nguyện này đã sửa chữa, lắp ráp hoàn chỉnh và chuyển giao với tổng số 27 phòng máy, trong đó có 297 bộ máy tính được chuyển giao về cho những vùng sâu vùng xa của một số tỉnh như: Đắk Nông, Gia Lai, Bến Tre, An Giang, Bình Phước, Cà Mau, Tiền Giang... giúp các em thiếu nhi và thanh niên địa phương có điều kiện trải nghiệm, thực hành trên máy tính.

Sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh thực hiện lắp ráp máy tính từ các linh kiện cũ

Minh Thiện

“Không chỉ phục vụ cho nhu cầu của xã hội, chương trình còn đáp ứng nhu cầu của đông đảo sinh viên tại trường. Do cơ chế mượn và sử dụng phòng máy thực hành tại trường không thể đáp ứng nhu cầu học ngoài giờ, Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã thành lập và đưa vào hoạt động một phòng máy thanh niên nằm ngay trong khuôn viên trường. Đây là nguồn cơ sở vật chất hỗ trợ học tập cho những sinh viên chưa có điều kiện kinh tế để sắm cho mình một máy tính cá nhân được đến đây sử dụng máy tính miễn phí”, anh Thiện, cho biết.

Các lớp học lập trình

Đứng trước giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, anh Thiện cho biết: “Hội nhận định không chỉ sinh viên mà các bạn học sinh cũng cần biết đến sự thay đổi trong cuộc cách mạng công nghệ này. Chính vì vậy, chúng tôi đã cho ra đời đội hình sinh viên tình nguyện Lập trình vi điều khiển. Các thành viên trong đội sẽ đến giảng dạy cho học sinh tại các trường THPT về những kiến thức lập trình vi điều khiển, lập trình nhúng trên các thiết bị điện tử nhằm giúp các em học sinh có thêm nền tảng về kiến thức, kỹ thuật, có thể tự thân thiết kế nên những thiết bị có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Và thực tế đội hình này đã tạo ra các sản phẩm khoa học giúp ích cho cuộc sống như: xe điều khiển không dây bằng tay, Led nháy matrix theo nhạc, cảnh báo va chạm, Board dạy AVR”.

Sinh viên tình nguyện giới thiệu mô hình xe điều khiển từ xa và xe tự động cho thiếu nhi

Minh Thiện

Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy - học tập, từ những bạn học sinh đã tham gia lớp, Hội dự kiến tổ chức 7 đội hình được hỗ trợ trang thiết bị giúp các em chuẩn bị cho cuộc thi Đua xe mô hình IT Racing Car được tổ chức trong năm học tới nhằm giúp các em sử dụng kiến thức thử nghiệm vào thực tiễn.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, việc truy cập internet trở nên dễ dàng và phổ biến hơn nhiều, từ chiến dịch Mùa hè xanh 2018, Hội đề xuất thành lập đội hình Lập trình Web nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng giúp học viên có thể tự tạo ra trang website cho riêng mình (gồm trang xây dựng hình ảnh cá nhân, trang quản lý hoạt động,…) giúp học viên dễ dàng tiếp cận và giới thiệu bản thân đến nhiều người hơn.

Lớp học lập trình web miễn phí dành cho thanh niên, sinh viên

Minh Thiện

“Hiện tại chúng tôi đã khai giảng được tổng cộng 24 khóa với tổng cộng 304 học viên là sinh viên các trường trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, cán bộ Đoàn hội quận Thủ Đức, học sinh các trường THPT ở quận Thủ Đức, quận 2. Tổ chức lớp kiểm tra chất lượng và trao tặng giấy công nhận cho 123 học viên đạt điều kiện về điểm của bài dự thi và hoàn thành khóa học. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức 2 lớp giảng dạy về công cụ hỗ trợ truyền thông cho gần 200 bạn trẻ. Tất cả các lớp học trên học viên học hoàn toàn miễn phí”, anh Thiện, chia sẻ.

Phần mềm thực hành sinh động

Xuất phát từ việc sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh trên đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang), anh Thiện nói: “Chúng tôi đã nhìn thấy thực tế các em học sinh ở đây vì sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học nên các tiết thực hành thường chỉ được học "chay". Do vậy, nhóm thiết kế mong muốn thực hiện ghi hình những thí nghiệm trong những bài thực hành, tạo thành phần mềm rồi cài đặt trong hệ thống máy tính của trường. Để đến tiết thực hành các em sẽ học và làm bài tập trực tiếp trên máy vi tính. Từ đó giúp các em có thể thu nhận kiến thức trực quan, sinh động hơn”, anh Thiện chia sẻ.

Sinh viên tình nguyện hướng dẫn cho các em thiếu nhi về tin học tại vùng sâu vùng xa

Minh Thiện

Anh Thiên cho biết: “Trước mắt, chúng tôi xây dựng phần mềm Lớp thực hành trên máy tính cho em với nội dung là các video bài thực hành có trong sách giáo khoa về các môn: sinh học, vật lý, hóa học và kèm với bộ câu hỏi trắc nghiệm sau mỗi bài học để đánh giá sự hiểu của học sinh qua video. Sinh viên tình nguyện sẽ nhận nhiệm vụ hỗ trợ cài đặt và đưa vào sử dụng đáp ứng với nhu cầu thực tế cho các em thiếu nhi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.