Dấu ấn trẻ và không biên giới ở Liên hoan phim Tokyo

05/11/2019 05:22 GMT+7

Sau mỗi mùa Liên hoan phim quốc tế Tokyo, dấu ấn đọng lại không chỉ là giải thưởng, là chuyện hay dở từng phim tham dự, mà còn là những thông điệp, bài học, cùng nhiều trải nghiệm thú vị được chia sẻ trong suốt mùa liên hoan.

Liên hoan phim (LHP) quốc tế Tokyo (TIFF) năm nay diễn ra cùng thời điểm với giải World Cup bóng bầu dục mà Nhật Bản là nước đăng cai, cùng các hoạt động chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Giám đốc TIFF, ông Takeo Hisamatsu cho biết: “Nhật Bản gần đây là tâm điểm của nhiều sự kiện, LHP cũng sẽ là tiêu điểm để chúng tôi tạo ra một chương trình giúp mọi người khám phá sự hấp dẫn của điện ảnh Nhật Bản”.
Sự hấp dẫn ấy đến từ ngay tác phẩm Tora-san, Wish you were here (Tora, Ước gì bác ở đây) của nước chủ nhà, được chọn làm phim mở màn cho khai mạc LHP. Tác phẩm được các nhà phê bình điện ảnh, giới báo chí quốc tế đánh giá cao bởi độ sắp xếp, xâu chuỗi các khuôn hình tài tình từ những tập phim ra đời đầu tiên cách đây đúng 50 năm trong loạt phim hài Otoko wa Tsurai yo (Làm đàn ông thật khó) của đạo diễn huyền thoại Yoji Yamada (1931), các tình tiết mỗi tập phim ở các mùa, được kết nối với hiện tại qua nội dung mới, tạo nên tác phẩm như một phim tài liệu về đời sống xã hội, lịch sử, con người, cùng các diễn viên xuất chúng xuyên suốt trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản.
Để tổ chức một LHP diễn ra thường niên, với rất nhiều hoạt động bên lề như hội thảo chuyên đề, trình chiếu 181 phim được tuyển chọn từ 1.804 tác phẩm khắp thế giới, thực là một khối lượng công việc khổng lồ. Câu chuyện tuyển chọn phim được ông Yoshi Yatabe - Giám đốc hạng mục phim dự thi tại TIFF 32, chia sẻ: “Khi lựa chọn phim, một trong những tiêu chí mà tôi quan tâm, đó là phim có tình tiết hấp dẫn, cho thấy xã hội và quốc gia đó như thế nào thông qua lối thể hiện lên màn ảnh. Màn ảnh là nơi giúp chúng ta khám phá những điều ở thế giới mà chúng ta chưa biết”.

Bộ ba nữ đạo diễn phim kinh dị Untrue với (thứ tự từ phải sang) Mattie Đỗ, Antoinette Jadaone và Sigrid Andrea P.Bernardo

Yếu tố trẻ hóa cũng là chi tiết dễ nhận ở mùa TIFF 32, LHP dành hẳn một hạng mục ASIAN Future (tương lai châu Á) để tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ. Trả lời PV Thanh Niên về vấn đề trẻ hóa của đội ngũ đạo diễn góp mặt tại liên hoan, Yoshi Yatabe khẳng định: “Một trong những tiêu chí lớn nhất của chúng tôi là tìm ra đạo diễn mới, khuyến khích họ và cho họ cơ hội phát triển nghề nghiệp. Năm nay tôi nhận được nhiều tác phẩm đầu tay của các đạo diễn rất chất lượng”.
Đông Nam Á trước đây chỉ là thị trường khai thác (bán sản phẩm), hiện đã là nơi sản xuất lý tưởng các tác phẩm điện ảnh mang sự hòa trộn đậm dấu ấn văn hóa, vùng miền, rào cản biên giới được xóa bỏ. Có thể lấy ví dụ sự hợp tác để tạo nên các tác phẩm như Tháng năm rực rỡ của Quang Dũng ở TIFF 31, phim ẩm thực Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa của Phan Đăng Di... xóa đi không gian biên giới, mang lại sự kết nối thú vị giữa các quốc gia trong khu vực.
Ở các buổi giao lưu giữa đạo diễn, các nhà làm phim và khán giả tại khuôn khổ TIFF, nhiều chuyện kể thú vị xoay quanh những đề tài cũng được chia sẻ. Trong đó có Chàng dâng cá, Nàng ăn hoa ở hạng mục Tiêu điểm thế giới (World Focus), câu chuyện làm phim của đạo diễn Phan Đăng Di gây bất ngờ trong buổi giao lưu khi anh thú nhận: “Không biết gì về nấu ăn và ẩm thực”. Nhưng hiệu ứng của phim đã gây nhiều ấn tượng và cảm tình với khán giả Nhật Bản. Vì dù sao, ẩm thực ở mọi nền văn hóa đều là nhu cầu cơ bản của con người, hơn nữa là cách chọn bối cảnh, sắp đặt tài tình qua lối thể hiện các khuôn hình được đạo diễn chăm chút, ít nhiều khán giả Nhật thấy trong đó nét tương đồng với văn hóa ẩm thực Nhật.
Một đạo diễn trẻ khác đến từ Philippines là Sigrid Andrea P.Bernardo giới thiệu đến tác phẩm phim kinh dị Untrue ở hạng mục Crosscut ASIA, với nhiều tình tiết khiến khán giả “toát mồ hôi hột” vì sợ, cũng gây sốc khi tiết lộ cô cực kỳ sợ phim kinh dị. Cách Bernardo khiến người xem sợ được lý giải: “Tôi nghĩ khi có tình yêu, bao giờ cũng có nỗi sợ hãi. Thế nên tôi cho nhân vật thực sự yêu, và khi mất tình yêu, đó là nỗi sợ”.
Với chủ đề về kinh dị, 10 phim tham dự hạng mục Crosscut ASIA ở TIFF - trong đó có tác phẩm Người bất tử của Victor Vũ, The Long Walk của nữ đạo diễn duy nhất của Lào - cô gái gốc Việt - Mattie Đỗ, hay Lilia Cuntapay của nhà văn kiêm đạo diễn Antoinette Jadaone (Philippines)... đều được khán giả đón nhận nhiệt tình.
TIFF sẽ khép lại vào hôm nay, 5.11.
“Phim Việt phát triển tốt”
“Tôi rất thiết tha tìm ở thị trường VN những phim giá trị cho hạng mục phim dự thi. Khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, phim Việt thay đổi về chất lượng, phát triển tốt, số lượng nhà làm phim cũng tăng nhanh. Trong năm tới, tôi sẽ cố gắng hơn nữa để tìm ra phim Việt phù hợp nhằm giới thiệu đến TIFF và tôi coi đó là một trong phần việc quan trọng hàng đầu phải làm để cho khán giả khu vực và quốc tế thấy sự phát triển của điện ảnh Việt”, ông Yoshi Yatabe - Giám đốc hạng mục phim dự thi tại TIFF 32.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.