‘Đau đầu’ với chuyển giá

21/02/2017 06:30 GMT+7

Cơ quan thuế thất thu lớn và hầu như chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm phát hiện và xử lý doanh nghiệp FDI chuyển giá.

Từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất cho đến các trang trực tuyến nước ngoài đang đẩy mạnh khai thác kinh doanh tại VN nhưng cũng tìm mọi cách lách thuế. Theo tin mới đây từ Cục Thuế TP.HCM, một số DN đã cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng tư cách pháp nhân, tên, giấy phép kinh doanh lữ hành trái phép, sử dụng người nước ngoài để đón, hướng dẫn khách tham quan, không có thẻ hướng dẫn viên lữ hành quốc tế, không có giấy phép lao động theo pháp luật VN.
Bên cạnh đó, hiện tượng người nước ngoài núp bóng thuê tổ chức, cá nhân VN đứng tên để kinh doanh trái phép hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng, dịch vụ nhà hàng, khách sạn lớn chủ yếu phục vụ khách quốc tế. Quan trọng hơn, nhiều khách sạn tại VN ký hợp đồng bán phòng trọn gói cả năm cho các công ty du lịch quốc tế, các trang mạng đặt phòng trực tuyến nước ngoài. Các đối tác này tiếp tục bán lại phòng cho khách quốc tế, phát sinh thu nhập hàng ngàn tỉ đồng nhưng không kê khai, không nộp thuế.


Cần có bộ luật quản lý thuế, cho phép áp dụng xác định giá trước và DN phải nộp thuế trước theo thỏa thuận nào đó...

TS Nguyễn Trí Hiếu


Như vậy, ngành thuế lại hầu như tiếp tục “tay trắng” trước các hiện tượng trên sau khi “bó tay” trước hoạt động chuyển giá đối với DN đầu tư nước ngoài (FDI).
Liên tục thua lỗ vẫn mở rộng đầu tư
Số liệu thống kê trong những năm qua cho thấy cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Riêng TP.HCM có gần 60% trong số trên 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Các DN FDI khai kinh doanh thua lỗ trải dài từ lĩnh vực gia công may mặc, da giày; sản xuất cho đến kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến… Đặc biệt, ở TP.HCM, có đến 90% DN FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Điều tréo ngoe là dù thua lỗ triền miên, các DN này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, một trong những điển hình có dấu hiệu đáng ngờ về chuyển giá là Công ty Coca-Cola VN. Trong hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại VN, lỗ lũy kế tính đến 30.9.2011 của công ty này đã lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Do lỗ nên Coca Cola VN không phải đóng thuế thu nhập DN (TNDN), nhưng vẫn có kế hoạch đầu tư mở rộng tại VN. Hay PepsiCo VN đã có gần 20 năm lỗ liên tục, một số năm gần đây mới có lãi nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Công ty này cũng liên tục mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới.
Năm 2016, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2016 đạt 175,9 tỉ USD, trong đó DN FDI (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 70,16% với kim ngạch xuất khẩu đạt tới 123,928 tỉ USD, gấp 2,5 lần DN VN. Đây cũng là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất, trung bình giai đoạn 2010 - 2014 đạt xấp xỉ 18%. Tuy nhiên, đóng góp của khối DN FDI thông qua các khoản thuế chưa tương xứng với vị thế. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy năm 2000, khu vực này chỉ đóng góp 5,22% tổng thu ngân sách, đến năm 2014 tăng lên mức 14,18%, tương đương khoảng 120.000 tỉ đồng.
Thuế thủ công, Doanh nghiệp quá tinh vi
Theo luật sư Trần Xoa, cơ quan thuế rất khó kiểm soát được việc chuyển giá của DN FDI, lý do là thuế suất thuế TNDN tại VN cao hơn các nước. Vào thời điểm thuế TNDN ở mức 28% được giảm xuống còn 25%, cứ tưởng là thuế giảm nhưng thực ra là tăng.


Cần xem xét điều chỉnh thuế TNDN
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết: Hoạt động chuyển giá là chuyển thu nhập từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp, nên cần xem xét điều chỉnh mức thuế suất thuế TNDN của VN không quá chênh lệch với thuế suất của các nước trong khu vực. Đồng thời, cần hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý, chẳng hạn như nâng cấp Thông tư 66/2010/TT-BTC về chuyển giá lên luật và nghị định; thời gian thanh tra thuế tại cơ quan thuế nên kéo dài lên 45 ngày; mua dữ liệu thương mại toàn cầu để hỗ trợ thanh tra thuế.


Cụ thể, từ ngày 1.1.2009 khi thuế giảm, giả sử DN có doanh thu 100 đồng, nộp thuế 25 đồng, còn 75 đồng, nhưng cơ quan thuế lập tức đưa vào luật thuế thu nhập cá nhân, trong đó có thu nhập đầu tư góp vốn phải nộp 5%. Như vậy, ngoài việc nộp 25 đồng thuế, DN còn phải nộp thêm 3,75 đồng, tổng cộng là 28,75 đồng, cao hơn cả mức thuế suất lúc chưa giảm.
“Từ năm 2016, thuế suất thuế TNDN giảm xuống còn 20%, nhưng vẫn là mức thuế suất danh nghĩa, vì cơ quan thuế rất thẳng tay trong việc loại chi phí, hóa đơn, nên thực sự mức thuế suất vẫn còn rất cao”, ông Xoa phân tích.
Liên quan đến nghi ngờ trốn thuế, chuyển giá của khối DN FDI, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, đây là việc đã diễn ra bao năm qua. Ngành thuế có nỗ lực nhưng hầu như không có sự thay đổi. “Thực tế, điều tra chống chuyển giá bao giờ cũng khó bởi nó liên quan đến việc “vênh” pháp luật giữa các quốc gia, ưu đãi thuế, tự do hóa. Nhưng cần xem xét lại chúng ta đang vướng mắc ở điểm nào, về chính sách hay trình độ chuyên môn? Số thuế quá nhỏ phản ánh khó khăn nhất định của Bộ Tài chính, cơ quan có nhiệm vụ kiểm toán, giám sát các hoạt động của DN, cũng như cho thấy sự hạn chế công khai giám sát được chi phí giao dịch của DN, tính chính xác của hóa đơn chứng từ”, theo ông Thành.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các DN đầu tư nước ngoài, phân tích trong khi các nước đã thu thuế qua ngân hàng, thì hệ thống thu thuế của ta quá thủ công, còn căn cứ vào hóa đơn chứng từ, cuối năm đối chiếu cơ quan thuế. Ngoài ra, sau nhiều điều tra và phát hiện những DN cộm cán như Coca Cola, Metro Cash… chuyển giá, cho đến nay, cơ quan thuế vẫn chưa đưa ra được giải pháp chống chuyển giá hữu hiệu. Theo GS Mại, nên giao hẳn quyền cho cơ quan lập pháp vào Quốc hội, từ đó, không chỉ có Hiến pháp mà các luật khác có là được thi hành ngay, không có chuyện chờ nghị định, thông tư như hiện nay. Nếu chúng ta không thay đổi cơ bản cách làm luật, những nhược điểm nói trên của ngành tài chính sẽ tồn tại mãi, theo đó, chống chuyển giá, chống thất thu thuế của ta đi vào con đường bế tắc.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế tài chính, để việc chống chuyển giá đạt hiệu quả, khâu cấp phép đầu tư các dự án lớn FDI cần xem xét thật kỹ. Việc đối chiếu giá trị các khối tài sản thiết bị máy móc không quá khó. Cơ quan cấp phép đầu tư vẫn có thể liên hệ với nhà sản xuất để nắm thông tin trị giá sản phẩm thực của nó, cho dù tính chất tương đối. Việc để một hệ thống máy móc được khai khống lên gấp 10 - 100 lần thì coi lại năng lực của cơ quan chuyên môn thẩm định.
“Anh được đưa vào đó để thẩm định hồ sơ. Năng lực anh không có, thì anh không nên ngồi ở ghế đó nữa. Vậy thôi. Ngoài ra, cần có bộ luật quản lý thuế, cho phép áp dụng xác định giá trước và DN phải nộp thuế trước theo thỏa thuận nào đó… cũng cần xem xét”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Uber nộp 30 tỉ đồng tiền thuế
Ngày 20.2, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng - Trưởng ban Cải cách, hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết đến nay Uber đã nộp gần 30 tỉ đồng tiền thuế. Trong đó, nghĩa vụ thuế nhà thầu khoảng gần 10 tỉ đồng, còn lại kê khai nộp hộ các lái xe tham gia mạng lưới khoảng hơn 20 tỉ đồng. Hiện Bộ KH-ĐT chưa có phân ngành hoạt động Uber trong các hoạt động kinh tế tại VN (hoạt động vận tải hay là hoạt động công nghệ kết nối vận tải, hiện giờ vẫn còn là tranh cãi, chưa kết thúc). Tuy nhiên, từ vai trò quản lý nhà nước về thuế, theo ông Tiến ngành thuế xác định DN đã hoạt động kinh doanh, đã phát sinh thu nhập ở VN, người VN tiêu dùng là phải nộp thuế.
Tiêu Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.