Đấu giá trực tuyến để hạn chế thông đồng

12/06/2017 07:57 GMT+7

Bên cạnh các hình thức đấu giá truyền thống (bằng lời nói, bằng bỏ phiếu), lần đầu tiên có thêm hình thức đấu giá trực tuyến từ ngày 1.7.2017.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM), chia sẻ dư luận bấy lâu nay cứ nhắc đến đấu giá là nhắc đến tiêu cực, nào quân xanh, quân đỏ, thông đồng, dìm giá... Tháng 3.2017, dư luận khá “nóng” trước thông tin 760 ô tô công thanh lý, nộp ngân sách nhà nước với giá 35,15 tỉ đồng, tức bình quân mỗi xe thanh lý hơn 46 triệu đồng. Dù Cục Quản lý công sản lý giải việc thanh lý giá thấp do mỗi chiếc xe đã được sản xuất và sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, không ít người lo ngại về tính minh bạch, hợp lý trong thanh lý tài sản công, dẫn đến làm thất thoát tài sản nhà nước.
Ông Sỹ cho rằng nếu 760 xe công của nhà nước đều sử dụng hình thức đấu giá trực tuyến, khi đó, tất cả thông tin về chất lượng, mẫu mã, chủng loại, ngoài việc đăng trên báo đài, nên công khai trên cổng thông tin điện tử đấu giá. Nhờ đó, tất cả người dân, doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành đủ điều kiện đều có quyền tham gia đấu giá, ai đưa giá cao nhất có quyền sở hữu những xe công, nên mức giá bán được có thể cao hơn.
Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực từ ngày 1.7.2017, lần đầu tiên bổ sung quy định đấu giá trực tuyến. Ông Phạm Văn Sỹ cho biết: Nếu đấu giá bỏ phiếu, bằng lời nói…, mọi người phải tập hợp tại một địa điểm, dù danh sách ở đó có thể là giữ bí mật, nhưng khi gặp nhau tại địa điểm đấu giá thì các tổ chức sẽ thông đồng với khách hàng hoặc chính các khách hàng sẽ tự thông đồng với nhau. Còn đấu giá trực tuyến thì không ai biết ai, có thể ở bất cứ đâu để mở trang thông tin điện tử rồi tiến hành. Ngoài việc công khai người tham gia, tài sản… thì cuộc trả giá còn có một hội đồng chứng kiến, theo dõi gồm chủ tài sản, người có tài sản, cơ quan quản lý nhà nước (nếu cần thiết) để lưu hồ sơ, công khai, minh bạch, rõ ràng.
Tuy nhiên, đấu giá trực tuyến chỉ là một trong những hình thức đấu giá (bên cạnh bỏ phiếu, lời nói) và lựa chọn hình thức nào do chủ tài sản và người có tài sản quyết định. Về vấn đề này, ông Phạm Văn Sỹ phân tích, cần phân biệt chủ tài sản và người có tài sản là hoàn toàn khác nhau. Chủ tài sản không bao giờ muốn bán tài sản của mình với giá thấp, nên sẽ chọn hình thức minh bạch cùng tổ chức đấu giá uy tín. Ở những nước phát triển, chủ tài sản sẵn sàng trích phần trăm nếu tổ chức đấu giá bán tài sản của họ với giá tốt nhất.
Trong khi đó, người có tài sản là người có quyền xử lý tài sản đó theo quy định pháp luật. Chẳng hạn xử lý tài sản thi hành án là chấp hành viên, cơ quan xử lý nợ của tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bán tài sản công… Người có tài sản chỉ đại diện bán để thực hiện bản án, thu hồi nợ, thu cho ngân sách... nên có thể xảy ra câu kết để đấu giá không công khai, minh bạch để chiếm lợi ích riêng. Theo ông Sỹ, đáng lẽ luật phải ưu tiên người phải thi hành án quyền lựa chọn, khi người phải thi hành án không hợp tác thì quyền được giao lại theo thứ tự cho bên được thi hành án, chấp hành viên.
Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Vũ Quốc Doanh cho biết dự kiến đầu tháng 7.2017, lãnh đạo Cục sẽ tổ chức buổi tập huấn về luật Đấu giá tài sản và Nghị định 62/2017.
Theo một lãnh đạo Bộ Tư pháp, dù đấu giá trực tuyến có nhiều ưu điểm, thế mạnh, nhưng để tổ chức đấu giá xây dựng được cổng thông tin điện tử đấu giá trực tuyến là cả một quy trình nghiêm ngặt về điều kiện, trình độ công nghệ thông tin. Vì vậy, khó có thể quy định buộc chủ tài sản và người có tài sản chọn hình thức đấu giá trực tuyến. Thực tế, cũng phải ghi nhận sự phổ biến, lợi thế “tai nghe, mắt sờ” tài sản đối với các hình thức đấu giá truyền thống. Do đó, cần có lộ trình áp dụng thực tiễn đấu giá trực tuyến để có điều chỉnh, định hướng tiếp theo phù hợp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.