Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên 'mất tích': Dấu hiệu lừa đảo có tổ chức

14/06/2020 06:07 GMT+7

Liên quan đến loạt bài điều tra Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên 'mất tích' , Hội Sinh viên TP.HCM đang ráo riết phối hợp Công an TP.HCM để cung cấp tài liệu về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng đa cấp.

Hội Sinh viên TP.HCM đang cung cấp tài liệu, phối hợp Công an TP.HCM để điều tra, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của những đường dây đa cấp trá hình “giăng bẫy” sinh viên mà Thanh Niên phản ánh từ số báo ra ngày 11.6.

“Lừa đảo có tổ chức và rất thất đức”

Theo ông L., bố nữ sinh T.T.L (19 tuổi, quê Quảng Nam - nạn nhân “mất tích”, sau đó gia đình phát hiện em tại 21A1 Làng Tăng Phú, Q.9, TP.HCM), con gái ông được đưa về nhà 10 ngày nay.
Đến hiện tại, em T.T.L cũng không nói chuyện với ai, không chia sẻ bất cứ thông tin gì liên quan đến việc mình bỏ đi theo “team khởi nghiệp 360”.
“Team khởi nghiệp 360” thường xuyên chụp ảnh cùng tiền đưa lên nhóm chung để chứng minh sự giàu có, lấy niềm tin các sinh viên mới

“Team khởi nghiệp 360” thường xuyên chụp ảnh cùng tiền đưa lên nhóm chung để chứng minh sự giàu có, lấy niềm tin các sinh viên mới "sập bẫy"

Theo ông L., trước khi bỏ đi, gia đình đã chuyển hơn 200 triệu đồng vào tài khoản cho T.T.L để chứng minh tài chính đi “du học”. Sau khi tìm thấy em T.T.L, kiểm tra trong tài khoản của em chỉ còn hơn 10 triệu đồng. Khi trở về, điện thoại, máy tính (mới mua 16 triệu đồng), xe máy cũng không còn.
“Đó là số tiền mà vợ chồng tôi đi làm thuê tích cóp lâu nay, cộng với việc vay mượn anh em để chuyển cho con đi học. Vậy mà giờ đây bị nhóm người đó lừa đảo có tổ chức lấy sạch tiền. Con bé giờ như người mất hồn”, ông L. bộc bạch. Ông L. cho biết để tinh thần con trở lại bình thường, ông sẽ vào TP.HCM đến công an tố cáo hành vi lừa đảo của nhóm người tại cơ sở trên.
Theo L. (nữ sinh bị gạt gần 100 triệu đồng), sau khi đóng hơn 9 triệu đồng để trở thành nhân viên của hệ thống, thì bắt đầu tìm kiếm khách hàng như: đăng tuyển nhân viên làm bán thời gian, quét Zalo quanh khu vực, rủ bạn bè, người thân cùng tham gia.
Để lên quản lý thì nhân viên phải mua thêm nhiều gói khác nhau từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Để có tiền lên quản lý, thì nhóm này đã chuẩn bị những bộ hồ sơ du học giả, giấy báo nộp học phí... rồi đưa cho sinh viên tự giả chữ ký, đem về nhà xin tiền.
Nhóm này soạn kịch bản cho sinh viên về nhà nói dối thuyết phục gia đình lấy tiền để “nướng” vào đường dây đa cấp. Những sinh viên lừa gia đình lấy tiền bị phát hiện, thì bỏ trốn thuê phòng trọ sống chung với “đồng nghiệp” đa cấp, luân phiên đi làm tại các chi nhánh. “Khi tham gia vào đường dây này thì sinh viên chắc chắn phải bỏ học, cắt liên hệ với người thân, gia đình, bạn bè bên ngoài”, L. cho biết.
H. (nữ sinh viên năm 2 - bỏ học, trốn gia đình đi theo “team khởi nghiệp 360” gần 2 năm) khẳng định “đó là hành vi lừa đảo chuyên nghiệp có tổ chức và rất thất đức”. Theo H., hầu hết những người vào đường dây này đều trắng tay, thu nhập không đủ ăn. Chỉ có một số quản lý cao cấp như Trang, Hảo, Sang, Oanh, Tú... thì mới có thu nhập. “Vẻ ngoài sang trọng, đi xe sang của các quản lý để cho sinh viên tin, chứ thực chất họ không giàu có, thành công như lời họ nói”, H. nói.
Theo H., tổ chức “team khởi nghiệp 360” rất kín kẽ và tính các phương án để đối phó với công an như: chữ ký trong hồ sơ, giấy tờ giả thì hướng dẫn sinh viên tự ký; giữ hết tất cả hồ sơ, hóa đơn của sinh viên đóng tiền để phi tang khi có “biến”; sinh viên trước khi về thì xóa hết tất cả dữ liệu, hình ảnh trong điện thoại; hướng dẫn sinh viên viết giấy tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng tiền không bị ai ép buộc... “Để ngăn chặn, xử lý hành vi lừa đảo của nhóm này, các cơ quan chức năng vào kiểm tra tại các chi nhánh xử lý về nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn chứng từ, sử dụng lao động, đặc biệt là những con dấu giả các trường trong, ngoài nước dùng đóng vào hồ sơ học bổng, giấy báo học phí...”, H. cho biết thêm.
Cũng theo H., nếu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không làm quyết liệt, xử lý đến cùng thì đường dây này sẽ đổi tên gọi, thay đổi địa điểm, đăng ký doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh khác và tiếp tục tung “vòi bạch tuộc” hoạt động để lừa sinh viên, công nhân...

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - nói về loạt bài điều tra "Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên mất tích" trên Báo Thanh Niên - Thực hiện: Thái Sơn

Công an vào cuộc điều tra

Liên quan đến loạt bài điều tra Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên “mất tích” đăng trên Thanh Niên, bà Ông Thị Ngọc Linh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Thanh niên trường học Thành đoàn, Phó chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM, cho biết phía Hội Sinh viên TP.HCM đang ráo riết phối hợp Công an TP.HCM để cung cấp tài liệu về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng đa cấp. Những công ty có dấu hiệu hoạt động đa cấp lừa đảo đã được Hội Sinh viên TP.HCM lên danh sách để cảnh báo thường xuyên cho sinh viên.
Các sinh viên sinh hoạt tại “team khởi nghiệp 360” được hướng dẫn cắt máu ăn thề thể hiện lòng can đảm, sự trung thành trên con đường trở thành “doanh nhân” ẢNH: CTV

Các sinh viên sinh hoạt tại “team khởi nghiệp 360” được hướng dẫn cắt máu ăn thề thể hiện lòng can đảm, sự trung thành trên con đường trở thành “doanh nhân”

ẢNH: CTV

Hội Sinh viên TP.HCM đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu hơn, phối hợp cơ quan chức năng cảnh báo vì cần có lực lượng chuyên môn mới ngăn chặn triệt để những âm mưu lừa đảo; phối hợp đơn vị chức năng địa phương thường xuyên theo dõi các địa chỉ kinh doanh đa cấp không lành mạnh để nắm bắt tình hình, tránh những trường hợp lừa đảo tương tự xảy ra.
Đồng thời, Hội Sinh viên TP.HCM sẽ phối hợp nhà trường tăng cường giáo dục nhận thức cho sinh viên, nhất là trong các buổi học, chương trình sinh hoạt. Phía nhà trường cần liên tục cảnh báo để mức độ phủ sóng thông tin không bị trôi đi.
“Về cơ bản, nhóm đa cấp sẽ dùng một lý do nào đó để dụ dỗ sinh viên đóng tiền để được tham gia vào hệ thống. Lý do và phương thức dụ dỗ sẽ rất đa dạng. Còn hướng mà Báo Thanh Niên phản ánh cho thấy các tổ chức này có những tính toán rất kỹ, hoạt động tinh vi hơn, theo hướng dụ dỗ các bạn khởi nghiệp nhưng thật ra là tạo hồ sơ du học giả để các bạn xin tiền của gia đình”, bà Linh nói.
Cũng theo bà Linh, nhiều đối tượng đa cấp còn tiếp cận trực tiếp các bạn sinh viên, vì thế điều này đòi hỏi sự cảnh giác và tỉnh táo nhận thức của mỗi người. Sinh viên cần xác định mục tiêu chính của mình là gì và nên tích cực học tập, rèn luyện kỹ năng, thay vì mù quáng chạy theo các giấc mơ “ảo” làm giàu từ đa cấp.
Hội Sinh viên TP.HCM cho hay sinh viên nào hoàn cảnh thật sự khó khăn, hoặc cần kinh phí trang trải học tập có thể liên hệ những địa điểm: văn phòng Đoàn, trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường; văn phòng Đoàn, trung tâm hỗ trợ sinh viên của TP.HCM để được giúp đỡ...

Cần xử lý để ngăn chặn hậu quả xấu cho xã hội

Theo luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), hoạt động của “team khởi nghiệp 360” mà Báo Thanh Niên phản ánh có nhiều dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng lừa đảo sinh viên. Công an và các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần điều tra, xử lý để ngăn chặn những hậu quả xấu cho xã hội.
Các sinh viên bị đường dây này lừa đảo hãy đến cơ quan công an để tố cáo, phối hợp, làm rõ hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật của nhóm này. Các trường đại học cần sớm tuyên truyền cho các sinh viên về hoạt động đa cấp và biến tướng của hoạt động này để tránh “sập bẫy” lừa đảo. 
“Sinh viên cần chủ động hơn trong việc tiếp cận những thông tin từ nhà trường, Đoàn, Hội và tìm những đơn vị hỗ trợ khó khăn cho mình, trước hết là những đơn vị chính thống, có uy tín”, bà Linh cho hay.
Trong khi đó, ngày 12.6, Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã liên hệ với PV Thanh Niên để phối hợp cung cấp thông tin về nạn nhân, địa điểm hoạt động các chi nhánh của “team khởi nghiệp 360” có liên quan đến các vụ nữ sinh “mất tích”. Công an Q.Thủ Đức đã lập hồ sơ, tiếp tục thu thập chứng cứ để điều tra hoạt động “team khởi nghiệp 360” trên địa bàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.