Đâu là thách thức lớn nhất của Việt Nam trong TPP?

21/11/2015 18:11 GMT+7

Ngày 21.11, diễn đàn kinh doanh 2015 với chủ đề “Đầu tư nông nghiệp thời TPP” do Kênh thông tin kinh tế - tài chính (CAFEF) kết hợp với Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.

Ngày 21.11, diễn đàn kinh doanh 2015 với chủ đề “Đầu tư nông nghiệp thời TPP” do Kênh thông tin kinh tế - tài chính (CAFEF) kết hợp với Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức tại TP.HCM.

Doanh nghiệp nên sản xuất ra các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ vững thị trường trước khi nghĩ đến chuyện xuất khẩu - Ảnh: C.NDoanh nghiệp nên sản xuất ra các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm để giữ vững thị trường trước khi nghĩ đến chuyện xuất khẩu - Ảnh: C.N
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển tham dự diễn đàn, nhận định: Chúng ta không nên xem ngành nông nghiệp chỉ là nông nghiệp mà phải coi đó là ngành công nghiệp sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm thì mới đúng và hết ý nghĩa của nó. Tham gia TPP một số lĩnh vực nông nghiệp sẽ chịu thách thức rất lớn. Các nhà đàm phán của VN cũng đã cố gắng rất nhiều để kéo dài thời gian bảo hộ. Tuy nhiên, nếu tự thân chúng ta không chuyển dịch thì bảo hộ dài cũng vô nghĩa, cụ thể như ngành mía đường.
Ông Tuyển cũng cho rằng, khi TPP được ký kết, nhiều lĩnh vực thuế suất sẽ về 0%. Lúc đó chúng ta sẽ đối mặt với một thách thức khác lớn và khó khăn hơn rất nhiều chính là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường. Vì nếu chúng ta không sản xuất ra những sản phẩm tốt theo các tiêu chí trên thì họ sẽ không mua và thuế suất có bằng 0% thì cũng vô nghĩa. Theo quy định của TPP các nước có thể dựng lên các hàng rào kỹ thuật, miễn là có cơ sở khoa học rõ ràng. Vấn đề của VN là chúng ta không đủ khả năng để chứng minh các tiêu chuẩn mà họ đặt ra là không có cơ sở khoa học.
Nhiều chuyên gia khác tham gia diễn đàn cũng nhận định, chăn nuôi là lĩnh vực bị tác động mạnh nhất trong TPP. Đó chính là lý do tại sao vốn FDI vào lĩnh vực này lại cao nhất trong nông nghiệp. Họ đầu tư vào chăn nuôi và tiêu thụ ngay thị trường trong nước chứ không phải xuất khẩu và chúng ta gặp lao đao ngay. Chính vì vậy TPP là một sân chơi có sức cạnh tranh rất lớn. Các doanh nghiệp VN trước khi nghĩ đến chuyện mở rộng thị trường xuất khẩu thì hãy nghĩ cách bám chặt và khai thác thị trường nội địa cho thật tốt.
Như vậy làm thế nào để chúng ta tận dụng cơ hội mà TPP mang lại? Cũng theo ông Tuyển chúng ta cần phải triển khai quyết liệt tái cơ cấu gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó đưa công nghiệp tác động vào nông nghiệp, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong tất cả các khâu. Bên cạnh đó là xây dựng các vùng sản xuất lớn, tạo mối liên kết, gắn kết chặt chẽ các công đoạn và đảm bảo phân phối lợi ích hợp lý, hướng tới chất lượng, giá cả phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Một yếu tố quan trọng khác là phải xác định đúng đắn vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò tổ chức, quy hoạch phát triển; doanh nghiệp phải tham gia nhiều khâu trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ khâu đầu đến khâu chế biến bảo quản.
Ở góc độ vĩ mô, ông Tuyển phân tích: Tham gia TPP bên cạnh những cơ hội VN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn. Về tổng thể, thách thức của VN có thể được chia thành 3 cấp độ: sự cạnh tranh giữa sản phẩm với sản phẩm, doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa nhà nước với nhà nước.
“Đáng lo ngại nhất theo tôi chính là sự cạnh tranh giữa nhà nước với nhà nước chứ không phải là giữa doanh nghiệp với nhau. Vì doanh nghiệp khi bị cạnh tranh họ sẽ tự thay đổi để tồn tại và phát triển nếu không muốn bị đào thải. Còn cơ chế chính sách của VN không minh bạch lại bị các nhóm lợi ích thao túng. VN phải thay đổi tư duy làm chính sách không phải để xác lập trật tự mà phải để thúc đẩy sự phát triển. Nhà nước phải cải cách rất mạnh về thể chế theo để thúc đẩy sự phát triển. Đây chính là mấu chốt vấn đề và là thách thức cực lớn của VN”, ông Tuyển nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.