Đấu thầu phim: Ai được lợi ?

15/03/2013 03:20 GMT+7

Lâu nay, các hãng phim nhà nước vẫn được rót tiền làm phim. Nhưng tới đây, “miếng bánh” sẽ được chia đều cơ hội cho cả các hãng phim tư nhân khi thông tư về đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim có sử dụng ngân sách ra đời.

Các hãng phim nhà nước và tư nhân sẽ cùng cạnh tranh bình đẳng cơ hội sản xuất phim do nhà nước đầu tư kinh phí. Rõ ràng, đây là “tin tốt” với hãng phim tư nhân, nhưng lại đẩy hãng phim nhà nước vào cuộc đối đầu không ít khó khăn.

 Cát nóng, bộ phim được Hãng phim Giải phóng của nhà nước rót vốn 6 tỉ đồng
Cát nóng, bộ phim được Hãng phim Giải phóng của nhà nước rót vốn 6 tỉ đồng - Ảnh: T.L

Bởi dễ thấy, các hãng phim tư nhân đông hơn gấp nhiều lần các hãng phim nhà nước với nhiều ưu điểm hơn: công nghệ, kỹ thuật làm phim tân tiến, cách làm phim mới, nhạy bén với thị trường. Thậm chí những năm gần đây, số lượng phim của các hãng tư nhân tham dự tại các giải thưởng điện ảnh trong nước thường xuyên áp đảo.

Trong khi đó, các hãng phim nhà nước lâu nay vẫn bị động, chỉ ngồi một chỗ chờ tiền làm phim, và kết quả là thiếu vắng những tác phẩm điện ảnh chất lượng, mang tư duy mới. Một người của hãng phim nhà nước như đạo diễn Đào Bá Sơn cũng không ngại ngần nhận xét: “Hãng phim nhà nước vẫn tồn tại tính quan liêu, cách làm phim thì từ thời xửa thời xưa”. Còn đạo diễn Trần Lực thì: “Chẳng hiểu sao hãng phim nhà nước không quan tâm tới việc làm ra tác phẩm để cho ai xem”. Vậy nên, để chuẩn bị cho “cuộc đấu”, các hãng phim nhà nước không thể không vận động, vì từ nay sẽ không còn được giữ thế độc tôn. 

Đấu thầu thế nào ?

Đấu thầu là hình thức cạnh tranh sòng phẳng, nhưng nếu tiêu chí không rõ ràng, cụ thể thì cũng chỉ là hình thức. Đạo diễn Đào Bá Sơn phân vân: “Liệu đấu thầu điện ảnh có bị làm giống như đấu thầu xây dựng? Tiền hay đội ngũ sản xuất là tiêu chí lựa chọn”. Rõ ràng, một tác phẩm điện ảnh không thể đấu thầu dựa theo tiêu chí tiền, mà đầu tiên phải là chất lượng nghệ thuật.  Nhưng làm sao có thể dám chắc về chất lượng của bộ phim khi chưa hoàn thành? 

Tất nhiên điều đó phụ thuộc vào những người nắm quyền quyết định. “Họ giống như các trọng tài vừa phải công tâm, vừa có chuyên môn, vừa có tầm nhìn và cả trực giác để nhìn ra tiềm năng của các nhà thầu”, đạo diễn Đào Bá Sơn nói. Và chỉ nhờ vậy mới có thể lựa chọn đúng “nhà thầu” - nhà sản xuất phù hợp, có đủ năng lực, hay thế mạnh trong dòng phim được thầu.

Đạo diễn Trần Lực cho rằng “vấn đề” còn nằm ở tính minh bạch. Nếu cuộc đấu không công bằng, thì dần dần sẽ chỉ có các hãng phim nhà nước đấu với nhau, mọi chuyện sẽ trở lại vạch xuất phát cũ. Ngược lại, nếu cuộc chơi được thực hiện một cách nghiêm túc, các hãng phim nhà nước không thể không thay đổi cơ chế hoạt động để cạnh tranh với các hãng phim tư nhân. “Cuộc sống phải có cạnh tranh, điện ảnh cũng thế. Nếu không không thể phát triển được. Thông tư này được thực hiện là điều rất tốt, không chỉ tốt cho hãng phim tư nhân mà cho cả nền điện ảnh. Một cuộc chơi sòng phẳng sẽ giúp có những bộ phim hay, và khán giả là những người được lợi nhiều nhất”, đạo diễn Trần Lực - Giám đốc Hãng phim Đông A nhìn nhận.

Minh Ngọc

>> Nhiều phim truyền hình “xem được”
>> Cười đủ kiểu với phim truyền hình
>> Xem phim truyền hình... trúng thưởng
>> Phim truyền hình đổi món
>> Hãng phim truyện VN kiến nghị về việc thu hồi nhà Thủy tạ
>> Phim truyền hình Việt đang chết
>> Phim truyền hình “lép vế”
>> Phim truyền hình Trung Quốc bị tố "đạo" phim Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.