Đầu tư sân golf trong sân bay: Chặn cơ hội phát triển hàng không

21/07/2011 23:33 GMT+7

Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đã quá tải từ nhiều năm nay, trong khi quỹ đất đáng lẽ nên dùng cho việc mở rộng hạ tầng bay lại lấy xây sân golf và nhà cao tầng.

Thiệt hại lớn vì quá tải

Việc quá tải tại sân bay TSN không phải chuyện mới và nhiều phi công đã ví von thực trạng này giống như "ùn tắc" trên không. Với tần suất hàng trăm chuyến bay/ngày đêm, dịp tết có thể lên đến hơn 400 chuyến, tại sân bay TSN có những thời điểm máy bay không thể hạ cánh ngay được mà phải "xếp hàng" bằng cách bay lòng vòng trên không. Nhất là vào giờ cao điểm khi nhiều máy bay có nhu cầu hạ cánh cùng lúc, thời gian bay vòng chờ hạ cánh rất lâu, thậm chí có lúc máy bay phải đỗ tạm trên đường băng hơn 30 phút mới vào được bãi.

Theo các hãng hàng không, vấn đề thiếu chỗ đậu sân bay đã tồn tại từ năm 2007 và đến nay càng nghiêm trọng. Trong khi đó, các máy bay đi thuê phải tính tiền thuê trên từng phút vận hành, một vài phút bay chờ hạ cánh của máy bay Boeing 777 có thể tốn đến cả chục triệu đồng. Điều này kéo theo những thiệt hại, hao tổn rất lớn về nguyên liệu, thời gian.

 
Sân bay TSN hiện đang quá tải về chỗ đậu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM) - phân tích tình trạng quá tải hạ tầng không chỉ gây lãng phí mà còn khiến các hãng hàng không e ngại tăng chuyến và mua thêm máy bay phục vụ hành khách, ảnh hưởng nhu cầu đi lại, du lịch, kinh doanh hàng không... Chưa kể, thực trạng quá tải chỗ đậu còn gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức các sự kiện lớn, tiếp đón các đoàn lãnh đạo quốc tế, bởi một chuyến thăm của họ sang TP.HCM cũng cần bố trí đến 6 - 7 sân đỗ. Dù sân bay TSN đã khánh thành thêm nhà ga quốc tế, song bãi đỗ vẫn chỉ 31 chỗ dành cho hơn 40 hãng hàng không hoạt động, riêng Vietnam Airlines dự kiến đến 2020 sẽ có 150 máy bay. Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, chỉ một thời gian rất ngắn nữa, e rằng nhiều máy bay đến TSN phải "bơ vơ".

Ông Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó TGĐ Vietnam Airlines - cũng cho rằng nhu cầu về quỹ đất để phục vụ việc lưu đậu máy bay hiện rất bức thiết. Nếu không có đất để mở rộng, sân bay TSN sẽ mãi "giậm chân tại chỗ". Trong khi đó, ít nhất cũng phải mất 10 năm nữa sân bay Long Thành mới hình thành, đồng nghĩa với thời gian khai thác sân bay TSN còn rất dài.

Dùng đất sai mục đích

Trung tá Lê Thành Chơn - cựu sĩ quan Không quân nhân dân VN - cho rằng sân bay đang quá tải, đất trong sân bay còn dư không dùng để mở rộng hạ tầng bay mà lại đem xây sân golf, nhà cao tầng là bất hợp lý. Chưa nói đến việc mất an toàn bay, chỉ riêng chuyện sử dụng đất ở đây cũng đã thấy không hợp lý. Nếu sử dụng 157 ha đất để mở rộng sân bay, đáp ứng nhu cầu đi lại thì đem lại lợi chung cho cả xã hội, trong khi làm sân golf chỉ phục vụ một nhóm người có điều kiện kinh tế.

Còn theo trung tá Lê Trọng Sành - nguyên Trưởng phòng Quản lý bay sân bay TSN, vấn đề ở đây là đất trong sân bay đã bị sử dụng sai mục đích, nếu là đất quốc phòng tại sao lại cho thuê dài hạn để kinh doanh? Trước nay, sân bay TSN gồm cả đất dân dụng lẫn đất quân sự. Tuy nhiên, từ sau ngày thống nhất, hoạt động hàng không thương mại ngày càng phát triển còn hoạt động của máy bay quân sự ngày càng giảm, trong khi việc phân bổ quỹ đất ở đây vẫn thế. Điều này đã tạo nên nghịch lý là, ngành hàng không có nhu cầu mở rộng sân bay nhưng không có đất, còn đất quốc phòng lại dư để đem kinh doanh sân golf, bất động sản. Do đó, theo ông Sành, cần có sự điều chỉnh về mục đích sử dụng đất sân bay cho phù hợp thời bình, tốt nhất là nên giao về một mối cho ngành hàng không quản lý và chịu trách nhiệm sử dụng đất đúng mục đích chuyên ngành. Bởi, trong thời bình, việc đầu tư phát triển kinh tế hàng không cũng là một cách củng cố cho quốc phòng, chứ không nhất thiết phải giữ đất cho đúng tên gọi là của quốc phòng nhưng lại đem sử dụng cho những mục đích khác.

TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học kinh tế VN: Đùa với tử thần!

Thế giới và ngay cả VN đã có nhiều bài học thảm khốc về tai nạn máy bay do va phải chướng ngại vật. Chúng ta hẳn chưa quên vụ tai nạn hàng không chấn động thế giới vào tháng 4.2010 tại Nga. Chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Ba Lan và đoàn quan chức cấp cao chuẩn bị hạ cánh, nhưng do sương mù nên máy bay đã quệt vào ngọn cây và nổ tung khi chỉ còn cách đường băng 2 km. Bạch dương là loại cây chỉ cao khoảng 15 mét, ngọn mềm mại, vậy mà chỉ va quệt vào máy bay đã có thể làm mất khả năng kiểm soát, xảy ra tai nạn. Cho xây cao ốc trong sân bay TSN là đùa với tử thần và coi thường tính mạng con người!

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.