Dạy hay kinh doanh môn tiếng Anh ? - Kỳ 2: Né chương trình chính để dạy liên kết

23/10/2014 06:45 GMT+7

Nhiều trường tìm cách từ chối chương trình tiếng Anh thí điểm của Bộ GD-ĐT nhưng lại nhiệt tình với các chương trình liên kết bên ngoài có thu phí từ học sinh.

Dạy hay kinh doanh môn tiếng Anh ? - Kỳ 2: Né chương trình chính để dạy liên kết
Nhiều trường tiểu học mặn mà với những chương trình tiếng Anh bên ngoài đưa vào trường hơn là chương trình của Bộ GD-ĐT - Ảnh: Nguyễn Quý Trung

Xin không thí điểm

Từ năm học 2010 - 2011, Bộ GD-ĐT bắt đầu triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ 2020. Theo chương trình này, tiếng Anh bắt đầu được dạy từ lớp 3 với tư cách là một môn bắt buộc, thời lượng 4 tiết/tuần. Để được chọn thí điểm, trường phải đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có yêu cầu giáo viên phải vượt qua được kỳ sát hạch của Bộ GD-ĐT. Hà Nội là một trong 18 địa phương được chọn thí điểm, với dự kiến 9 trường tiểu học sẽ tham gia.

Có 20 giáo viên Hà Nội cử dự sát hạch thì 9 người của 9 trường tiểu học đủ điều kiện, trong đó có một cô giáo của Trường tiểu học Tràng An, Q.Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, sau khi được phép thực hiện thí điểm, Trường tiểu học Tràng An xin rút lui khỏi chương trình. Theo giải thích của đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội, trường này xin rút khỏi chương trình thí điểm do “không đủ điều kiện triển khai”.

Nhưng một số phụ huynh Trường Tràng An lại cho rằng đây là cơ sở giáo dục công lập có điều kiện đảm bảo dạy học thuộc loại tốt nhất thủ đô nên nhiều khả năng trường “né” thí điểm là để thực hiện liên kết. Anh Đ., một phụ huynh khối 4 trường này bức xúc: “Trường dạy chương trình DynEd suốt 8 năm nay trong khi chúng tôi không biết gì về chương trình. Có phải là chương trình mà Bộ GD-ĐT bắt buộc phải dạy ở tiểu học không? Nếu chương trình bắt buộc, tại sao phụ huynh phải nai lưng ra đóng tiền? Nếu không bắt buộc, tại sao chúng tôi không được hỏi ý kiến?”.

Nhiều phụ huynh tỏ ra không ngạc nhiên khi biết các trường tiểu học không mặn mà thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT. Anh K., một phụ huynh Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.Hai Bà Trưng so sánh: “Ngân sách thành phố cấp cho các trường tiểu học công lập là 3 triệu đồng/học sinh/năm học. Đây là khoản tiền để chi trả cho tất cả các hoạt động giáo dục trong một buổi chính khóa gồm 25 tiết học/tuần. Trong khi đó, chỉ với 2 tiết/tuần dạy tiếng Anh liên kết với một trung tâm “xịn”, trường thu được 6 triệu đồng/năm học, gấp đôi tiền ngân sách. Vì thế, chẳng dại gì nhà trường không làm liên kết”.

Trầy trật chương trình miễn phí

Một nghịch lý là ở khu vực nội thành Hà Nội, nơi phụ huynh có nhu cầu cao cho con em học tiếng Anh nhưng việc triển khai nhân rộng cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh lại rất chậm chạp. Một cán bộ quản lý Phòng GD-ĐT Q.Hai Bà Trưng cho biết ngoài Trường tiểu học Quỳnh Mai (đơn vị tham gia thí điểm từ năm học 2010 - 2011) ra, đến nay quận này cũng chỉ mới nhân rộng thêm một số lớp của một số trường. Ở các quận Cầu Giấy, Ba Đình mỗi quận có một trường tham gia thí điểm từ năm học 2010 - 2011, đến nay vẫn chỉ những trường đó tiếp tục làm thí điểm.

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (đã tham gia thí điểm chương trình tiếng Anh) cho biết trường rất chật vật với khâu giáo viên. Trường có 21 lớp các khối 3, 4, 5, để dạy 4 tiết/tuần từ lớp 3 trở lên cần ít nhất khoảng 4 giáo viên. Nhiều năm liền trường chỉ có một giáo viên tiếng Anh biên chế. Để có đủ giáo viên, trường phải thuê thêm với mức chi 40.000 đồng/tiết. Mãi tới năm học này, quận mới tạo điều kiện giúp trường có thêm một hợp đồng giáo viên tiếng Anh do quận trả lương.

Giáo viên không mặn mà khi dạy chương trình của Bộ

Các trường tiểu học tại TP.HCM có 2 chương trình tiếng Anh: Tăng cường với thời lượng 8 tiết/tuần, có thu phí; Tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ 2020 của Bộ GD-ĐT, học sinh bắt đầu tiếp cận từ lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần, không phải đóng học phí.

Hiệu trưởng các trường tiểu học mà PV Thanh Niên tiếp xúc đều nhận định giáo viên không mặn mà khi được phân công dạy lớp tiếng Anh theo đề án của Bộ. Các hiệu trưởng lý giải rằng khi dạy các lớp tiếng Anh tăng cường, giáo viên sẽ có thêm thu nhập vì nhà trường thu học phí của các lớp này để chi phụ cấp cho giáo viên. Nhưng khi dạy các lớp tiếng Anh theo đề án, giáo viên sẽ không có khoản thu nào khác ngoài lương.

Vì vậy, từ khi thành phố triển khai chương trình tiếng Anh đề án, để đảm bảo các lớp có giáo viên, nhà trường phân công giáo viên vừa dạy lớp tiếng Anh tăng cường vừa đảm nhiệm các lớp tiếng Anh đề án.

B.Thanh

Lê Đăng Ngọc

>> Thiếu kết nối chương trình tiếng Anh: Không để học sinh học đứt đoạn
>> Thiếu kết nối chương trình tiếng Anh: Cứ 'How are you?' từ lớp 1 đến lớp 10
>> Triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tích hợp tại TP.HCM
>> Chọn trường tham gia chương trình tiếng Anh Fulbright
>> Xây dựng chương trình tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra
>> Học sinh có thể lựa chọn các chương trình tiếng Anh
>> Chuẩn bị chương trình tiếng Anh mới bậc trung học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.