Đẩy mạnh hiện diện ở Bắc Cực, Mỹ mở lãnh sự quán ở Greenland

11/06/2020 08:48 GMT+7

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Mỹ đã chính thức mở lại lãnh sự quán ở đảo Greenland, vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch nhằm tăng cường hợp tác với các đồng minh Bắc Cực.

Trong thông báo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10.6 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mike Pompeo cho hay: “Sự hiện diện của chúng tôi ở Nuuk (thủ phủ Greenland) sẽ tăng cường sự thịnh vượng mà chúng tôi chia sẻ với bạn bè ở Đan Mạch và Greenland, khi chúng tôi hợp tác với các đồng minh và đối tác khác ở Bắc Cực để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong khu vực".
“Chúng tôi cảm ơn nhiều đối tác của chúng tôi ở Đan Mạch và Greenland vì đã giúp chúng tôi thực hiện bước tiến quan trọng này để thúc đẩy sự hợp tác của chúng tôi”, theo Ngoại trưởng Pompeo.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 4 từng tuyên bố Washington sẽ mở lại lãnh sự quán ở Greenland sau 67 năm, đồng thời công bố gói viện trợ kinh tế trị giá 12,1 triệu USD cho vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Đây là lần đầu tiên Mỹ thiết lập cơ quan ngoại giao tại đảo Greenland kể từ năm 1953.
Mỹ mở lãnh sự quán tại Greenland vào năm 1940 sau khi Đức quốc xã chiếm Đan Mạch nhưng đóng cửa vào năm 1953.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc tái lập lãnh sự quán ở Nuuk là một phần trong kế hoạch lớn của Mỹ nhằm gia tăng hiện diện tại khu vực Bắc Cực, theo hãng tin AP.

Bị chế nhạo chuyện mua đảo Greenland, ông Trump hủy thăm Đan Mạch

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích 2,1 triệu km2. Dù nằm gần lục địa Bắc Mỹ nhưng đây là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Với 56.000 người sinh sống trên đảo, Greenland là một khu vực rất giàu tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, đảo Greenland còn có vị trí địa lý chiến lược đối với quân đội Mỹ và hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của nước này, cũng như giúp Mỹ cạnh tranh với những lợi ích thương mại và quân sự của Nga, Trung Quốc tại Bắc Cực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8.2019 xác nhận ông muốn hỏi mua Greenland từ Đan Mạch vì tiềm năng về tài nguyên và vị trí chiến lược của hòn đảo này, song phía Đan Mạch đã từ chối bán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.