Đẩy mạnh tiết kiệm điện ở doanh nghiệp

12/04/2011 05:21 GMT+7

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (giai đoạn 2006 - 2015) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống điện quốc gia và đáp ứng cơ bản nhu cầu điện để chủ động đối phó với chuyện thiếu điện cho sản xuất, các doanh nghiệp cần rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh, bố trí hợp lý sản xuất; tăng cường áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện; đầu tư thêm các máy phát điện dự phòng để tránh rủi ro khi bị cắt điện đột ngột.

Nhằm đẩy mạnh chương trình tiết kiệm và nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu qủa, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của toàn xã hội, Bộ Công Thương triển khai thực hiện sáu nhóm nội dung đã được Thủ tướng phê duyệt. Qua kiểm toán năng lượng 100 cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm, DN có sản phẩm chủ lực, có sản phẩm xuất khẩu, xác định tiềm năng tiết kiệm điện trong công nghiệp còn tới 20 - 25%. Kiểm toán năng lượng đã giúp các DN nhận biết được cơ hội tiết kiệm năng lượng, tính toán phân tích hiệu quả đầu tư, hướng dẫn DN áp dụng các giải pháp theo thứ tự ưu tiên để đạt hiệu quả cao nhất.


Dây chuyền công nghệ hàng đầu thế giới - Ảnh: Vĩnh Hòa

Kết quả khảo sát trên 400 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho thấy, tiềm năng tiết kiệm đối với một số ngành sản xuất đạt 20%; hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu chỉ đạt 28 - 32% (thấp hơn các nước phát triển 10%), hiệu suất lò hơi công nghiệp đạt 60% (thấp hơn 20% so với trung bình của thế giới). Đây cũng là điều đáng lưu ý đối với các DN để có biện pháp thay đổi, cải tiến công nghệ và quản lý năng lượng hợp lý, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.

Thời gian qua, nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được triển khai tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, các tòa nhà thương mại dịch vụ. Các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm, mức tiêu thụ 3 triệu kWh/năm trở lên đã được đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách quản lý năng lượng, tư vấn sử dụng tiết kiệm điện, đồng thời ký biên bản cam kết tiết kiệm 2% điện năng so với năm trước.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện nay trong số 32 DN của Hiệp hội chỉ có 4 DN sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, 10 DN có cải tiến công nghệ, còn lại là công nghệ cũ. Trong 9 triệu tấn sản phẩm thép hàng năm, sản xuất phôi đạt 4 triệu tấn, còn lại là gia công thép. Luyện phôi, thép phế tiêu tốn gấp 4 - 5 lần gia công thép, trung bình ở mức 600 kWh/tấn. Tuy nhiên, nếu DN nào sử dụng công nghệ tiên tiến thì mức tiêu thụ chỉ khoảng 350 kWh/tấn. Ngành điện và ngành thép đã thống nhất chủ trương, kế hoạch và các giải pháp để đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất thép. Theo đó, ưu tiên DN sử dụng công nghệ tiên tiến, hoặc có cải tiến để áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất thép tiết kiệm, hiệu quả.                                                         

Để đảm bảo điện cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong năm nay, đặc biệt trong 6 tháng mùa khô, thời điểm được đánh giá là cung cấp điện cực kỳ căng thẳng, EVN kêu gọi các doanh nghiệp cùng tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ.

Vĩnh Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.