Mang tính hình thức
Nông dân ở vùng nông thôn hầu hết chỉ làm theo kinh nghiệm, không có tay nghề nên năng suất lao động không cao, vì vậy việc đào tạo nghề cho họ là một việc cần thiết. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta đã làm theo kiểu hình thức. Địa phương tổ chức lớp học và vận động nông dân học nghề nhưng lại mang tính chủ quan, không coi trọng nhu cầu của người nông dân, không khảo sát trước xem họ cần học cái gì. Cái nghề họ học được không gắn liền với đời sống ở địa phương, vì vậy mới có việc học xong rồi lại bỏ, không ai ứng dụng được vào cuộc sống. Do đó, đề án bị thất bại là điều dễ hiểu.
Nguyễn Xuân Hòa (xuanhoa2011@yahoo.com)
Đem con bỏ chợ
Đào tạo nghề cho nông dân không giống như đào tạo nghề tại các trường chuyên nghiệp. Người nông dân khi tham gia lớp học chủ yếu là vì vận động, rất ít người tự nguyện đi học. Vì vậy, đào tạo xong nghề không có nghĩa là Nhà nước đã làm xong trách nhiệm. Muốn họ sống được với nghề thì Nhà nước phải tạo điều kiện việc làm, tìm hướng ra cho sản phẩm chứ không thể bỏ mặc cho họ tự “bơi”. Người nông dân đã có truyền thống gắn bó với ruộng vườn, với những nghề cha truyền con nối nên không dễ dàng thay đổi mà không có sự hướng dẫn của Nhà nước. Đã bỏ tiền tỉ ra đào tạo thì nên làm cho trọn vẹn, đừng làm theo chỉ tiêu, chạy theo thành tích.
Ngô Anh Tuấn (Cai Lậy, Tiền Giang)
Giúp đỡ nông dân bằng chính sách
Theo tôi, để giúp nông dân làm giàu, ngoài việc đào tạo nghề cho họ, Nhà nước nên có những chính sách nhằm ổn định kinh tế để người nông dân yên tâm sản xuất. Hiện nay, tình hình giá cả nông sản bất ổn trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là nguyên nhân chính khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa, đó là chuyện thường gặp ở nước ta. Giá nông sản ở chợ thì cao ngất nhưng giá thu mua tại vườn lại rẻ mạt. Để phát triển nông nghiệp, tạo sự ổn định cho người nông dân yên tâm sản xuất và làm giàu, Nhà nước cần phải có những chính sách lâu dài, có giải pháp giúp nông dân định hướng phát triển cây trồng vật nuôi.
Hoàng Long(Q.10, TP.HCM)
Nghề học phải gắn liền với nông thôn
Nghề đào tạo cần phải gắn liền với đời sống của người dân vùng nông thôn. Chúng ta chỉ nên đầu tư đào tạo những nghề nhằm giúp nông dân phát triển nghề nghiệp của mình, ví dụ như chăm sóc cây trồng, chữa bệnh cho vật nuôi, các nghề thủ công truyền thống... những ngành nghề này vừa thiết thực, chi phí cũng thấp nên sẽ khả thi hơn. Còn những nghề như hàn, điện, may công nghiệp... chi phí máy móc thiết bị rất cao nhưng đem về nông thôn thì lại hoàn toàn không phù hợp.
Nguyễn Thanh Hoàng (Q.12, TP.HCM)
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
Bình luận (0)