Đẩy nhanh tiến trình xử lý các ngân hàng yếu kém

10/10/2015 07:05 GMT+7

Việc sử dụng các biện pháp mạnh trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại của NHNN đã gây nhiều tranh luận, nhưng kết quả cho thấy NHNN đã đi đúng hướng.

Việc sử dụng các biện pháp mạnh trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại của NHNN đã gây nhiều tranh luận, nhưng kết quả cho thấy NHNN đã đi đúng hướng.

Oceanbank nằm trong số các ngân hàng được mua lại giá 0 đồng - Ảnh: Ngọc ThắngOceanbank nằm trong số các ngân hàng được mua lại giá 0 đồng - Ảnh: Ngọc Thắng
Trao đổi với Thanh Niên, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng (NH), cho rằng cách làm của NHNN là đầy sáng tạo để thúc đẩy nhanh tiến trình xử lý các NH yếu kém.
* Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống NH trong thời gian qua?
- Qua 3 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc hệ thống NH, điểm lại, chúng ta có thể thấy ngành NH đã thực hiện rất tốt và đạt được những kết quả quan trọng. Thanh khoản của hệ thống NH đến nay rất ổn định. Đặc biệt, chúng ta đã kéo được tỷ lệ cho vay/tổng tiền gửi xuống còn 80% (trước đây có những NH lên tới trên 100%). Bên cạnh đó, chúng ta đã giải quyết được khoảng 8 - 9 NH yếu kém, trong đó có những biện pháp khá táo bạo, chẳng hạn như việc mua lại những NH yếu kém với giá 0 đồng và trên nền tảng đó để xử lý nhanh những NH thương mại (NHTM) yếu kém này.
Một trong những cấu phần quan trọng nhất và chủ chốt nhất của Đề án tái cơ cấu hệ thống NH là cấu phần xử lý nợ xấu. Cho đến nay, tỷ lệ xử lý nợ xấu theo hạch toán của VN đã giảm từ khoảng 17% năm 2012 xuống còn khoảng 3%. Trong điều kiện chúng ta không sử dụng tiền ngân sách và thiếu cả một nền tảng pháp lý để hỗ trợ thì đây là một nỗ lực rất lớn của cả hệ thống NH.
Ngoài ra, thông qua hoạt động tái cơ cấu, hệ thống NH đã áp dụng chuẩn mực quản trị, quản lý rủi ro, chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính, chỉ tiêu an toàn hệ thống tiệm cận với thông lệ quốc tế.
* Thời gian qua, NHNN đã rất “mạnh tay” trong việc xử lý các NH yếu kém, việc này đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
- Tôi cho rằng, việc này đã đạt được kết quả kép. Thứ nhất, chúng ta đã giải quyết được một số NH yếu kém, đảm bảo được lòng tin của người gửi tiền, làm “sạch” hệ thống tài chính. Thứ hai là giải quyết được tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn trong hệ thống NH. Một số NHTM đã được tái cấu trúc. Điển hình như NH TMCP Sài Gòn, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội, NH TMCP Quốc dân… chỉ trong vòng 2 - 4 năm, tổng tài sản của các NH này đã tăng lên gấp đôi. Đặc biệt, họ đã tạo ra văn hóa quản trị hoàn toàn mới và các ông chủ mới đã khắc phục được chuyện cho vay những người có liên quan hoặc chính họ vay tiền từ NH của họ.
* Theo ông, tại sao NHNN không chỉ định một NHTM nhà nước đứng ra mua hoặc hỗ trợ tái cơ cấu các NH này như đã từng thực hiện trước đó?
- Đúng là giá mua NH 0 đồng là giải pháp “đánh chuột không vỡ bình” vì bảo vệ quyền lợi của người dân gửi tiền, vẫn tồn tại pháp nhân NH cổ phần nhưng các thành viên hội đồng quản trị và các cổ đông xử lý kém thì phải truy và chịu trách nhiệm. Còn việc tại sao NHNN không để một NHTM nhà nước đứng ra mua hoặc hỗ trợ tái cơ cấu các NH này theo tôi, chuyện không đơn giản như vậy. NHNN đã cho những NH yếu kém này cơ hội để tự tái cơ cấu, nhưng vì họ không thực hiện được nên mới phải “ra tay”. Nếu NHNN yêu cầu hai NH sáp nhập với nhau thì hai NH đó sẽ ngồi đàm phán theo kiểu “cò cưa” bởi bên nào cũng cố bảo vệ quyền lợi của mình. NH bị sáp nhập thì đòi giá cao trong khi NH được sáp nhập thì đòi giá thấp. Thậm chí, NH được sáp nhập sẽ nghĩ chả dại gì mà “ôm rơm rặm bụng” những NH yếu kém vào... Như vậy mất rất nhiều thời gian. Thậm chí có thể còn để lại những hệ lụy không tốt và làm chậm cả tiến trình tái cơ cấu.
Tuy nhiên, khi NHNN mua các NH này với giá 0 đồng, nắm NH đó trong tay rồi thì sau một thời gian tái cơ cấu, ổn định lại hoạt động, NHNN có thể giao cho một NH nào đó quản lý hoặc muốn bán lại cho NH nào thì mọi việc sẽ được giải quyết rất nhanh chóng, dứt khoát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.